Ngoài các doanh nghiệp (DN) trong nước, làn sóng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đang "chảy" mạnh vào Việt Nam, khiến nhu cầu về ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để đáp ứng nhu cầu sản xuất trở nên cấp thiết...
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020). Có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 18 ngành lĩnh vực.
Điều đó cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngoài các nhà đầu tư FDI, các DN trong nước cũng đang dần ổn định và phát triển trở lại, nên đang rất cần các DN cung ứng sản phẩm CNHT để giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, rất ít DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực CNHT, hoặc nếu đầu tư vào CNHT thì phần lớn cũng không đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI do sản phẩm CNHT còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong sản phẩm.
Điển hình như các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô... đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu, cũng gặp khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng, nhất là chi phí logictics tăng cao.
Để đầu tư phát triển được thì đòi hỏi các DN trong nước phải mạnh dạn. Bởi, đi đôi với đầu tư phát triển là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, đa số là DN nhỏ và vừa rất nhiều, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, nên ngân hàng thường không mặn mà cho vay vốn ở lĩnh vực này.
Một số DN nước ngoài cũng có nhận xét, DN cung ứng trong nước đang yếu về việc đầu tư vào công nghệ và đầu tư về mặt kiến thức cho đội ngũ lao động ở DN. Có những DN khi trở thành đối tác cung ứng các chi tiết linh kiện cho DN FDI, họ muốn khi tham gia thì phải có đơn hàng ngay, chỉ nhìn về mặt lợi nhuận trước mắt mà chưa nhìn về chặng đường lâu dài.
Định hướng phát triển ngành CNHT trong thời gian tới, ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Cụ thể, đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2030 sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.