Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần đưa chính sách vào cuộc sống

Tuấn Phong| 24/08/2021 17:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Rất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã được Chính phủ ban hành thời gian qua. Nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, họ rất khó để tiếp cận được với những ưu đãi, hỗ trợ từ chính sách.

Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 1/1/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm CNHT theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.

1(5).jpg

Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.

Trước đó, năm 2020 Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Bên cạnh đưa ra những mục tiêu tổng quát, cụ thể cho lĩnh vực CNHT Việt Nam đến năm 2025 và 2030, Nghị quyết 115/NQ-CP cũng đưa ra những ưu đãi đối với doanh nghiệp CNHT.

Cụ thể là giải pháp về tài chính, tín dụng: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Năm 2015, Chính phủ cũng có Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT, trong đó đưa ra các chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau: Được tài trợ từ Chương trình phát triển CNHT, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo; được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí và phát triển từ Chương trình phát triển CNHT đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển CNHT có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; được nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT.

Đặc biệt, với dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm CNHT được nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng ưu đãi sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; được hỗ trợ xem xét tối đa 50% kinh phí trang thiết bị nghiên cứu từ chương trình phát triển CNHT…

 Chính sách thì như vậy, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT cho biết, họ rất khó để tiếp cận được với những ưu đãi của Chính phủ, nhất là các ưu đãi liên quan đến lãi suất, tín dụng. Nguyên nhân là bởi, để vay được vốn, doanh nghiệp cần có rất nhiều điều kiện. Trong khi đó, doanh nghiệp CNHT đa số có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc rất ít tài sản bảo đảm, trong khi nhu cầu vay vốn lại lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp.

Hơn thế, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp CNHT đa phần là trung và dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, trong khi đó, chính sách tín dụng ưu đãi thường chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn, phạm vi ưu đãi hẹp, chưa kể rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển … nên khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.

Để các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển CNHT đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thiết nghĩ, song song với việc ban hành chính sách, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp để đưa chính sách vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được với ưu đãi. Có như vậy, chính sách mới phát huy hiệu quả, tạo thành động lực cho doanh nghiệp phát triển CNHT.

CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần đưa chính sách vào cuộc sống