Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 19,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 15,1%).
Thị trường trong nước được kỳ vọng là “đòn bẩy” hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Chín tháng đầu năm 2023, tình hình thị trường trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chỉ riêng trong 8 tháng, nhờ các biện pháp kích cầu tiêu dùng như khuyến mại, giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 10% so với cùng kỳ. Sức mua hồi phục cùng nhiều chính sách kích cầu được triển khai, thị trường trong nước được kỳ vọng là “đòn bẩy” hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, qua đó tăng các cơ hội trải nghiệm mua sắm tới người tiêu dùng.
Ghi nhận tại thị trường hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM cho thấy, hầu hết trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cũng như các đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng may mặc, phụ kiện thời trang, thiết bị công nghệ, sản phẩm điện máy... đều triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá " cho khách hàng.
Tại thành phố Hà Nội, chương trình khuyến mại năm nay kéo dài hơn và tập trung vào từng loại hàng hoá theo chủ đề từng tháng.
Bà Trần Thị Lan Phương, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết: "Thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai rất nhiều những giải pháp, trong đó có những giải pháp kích cầu tiêu dùng, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai, xây dựng chương trình kích cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với hơn 100 sự kiện sẽ triển khai đồng loạt trong năm 2023.
Đồng thời, tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mại tập trung, các chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội để giúp các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ…".
Đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ để đẩy mạnh chương trình kích cầu gắn với bình ổn thị trường phục vụ cho Tết Nguyên đán 2024, tổ chức kích cầu gắn với công nghiệp văn hoá, du lịch để làm sao vừa thu hút du lịch, vừa tăng được sức mua.
Như thường kỳ, thông lệ hàng năm, nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương sẽ có chỉ đạo tới UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, theo đó sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan như: Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Theo báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp, hiện một số địa phương, doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hoá, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó có những địa phương đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường trong cả năm như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Một số tỉnh, thành phố khác đang xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian tới nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân với giá cả hợp lý.
Chuẩn bị bước vào cao điểm mua sắm cuối năm, để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp sau:
Bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; đôn đốc các địa phương sớm có kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp có diễn biến bất thường; Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có).
Đồng thời tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.
Phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các Chương trình phục vụ Tết, thông tin giá cả, thị trường để tạo tâm lý ổn định cho người dân, tránh hiện tượng đầu cơ găm hàng.
Cùng các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền đặc biệt là các nhóm mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tăng cường kiểm tra kiểm soát cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn bán lẻ, chợ trung tâm thương mại, kho cũng như giá bán để năm nguồn cung, giá bán kịp thời có biện pháp xử lý hanh vi găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường.
Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng Quản lý Thị trường tập trung cao vào việc kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh của một số ngành hàng thiết yếu;
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối bán buôn bán lẻ để nắm được nguồn cung cũng như giá bán, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm về găm hàng, đầu cơ gây ảnh hưởng giá cả thị trường.
Các doanh nghiệp cũng cho biết với nhiều chính sách kịp thời của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng, tăng mức lương cơ sở từ 01/7 được kỳ vọng sẽ tăng sức mua của người tiêu dùng, góp phần phục hồi tổng cầu 2023.