Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, hình tượng người lính trong quá khứ hay anh Bộ đội trong thời kỳ Hồ Chí Minh đã trở thành một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Họ chính là kết tinh của tinh thần dân tộc, của văn hóa truyền thống và lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, luôn sẵn sàng hy sinh để tô thắm trang sử vàng của dân tộc. Chào mừng 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Báo Công lý đã có chuyến hành trình tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên, đến thăm và tặng quà các chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Lũng Cú, Sơn Vĩ (Hà Giang).
Dấu ấn thiêng liêng cực Bắc Tổ quốc
Đoàn công tác Báo Công lý lên đường vào đúng thời điểm khắc nghiệt nhất từ đầu mùa Đông đến nay, khi cái rét 2-3 độ C. Sau hành trình dài cùng phong cảnh núi đồi tươi xanh và những câu chuyện vui đùa rộn ràng trên xe, không khí chung bỗng trầm xuống khi chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Đây là nơi yên nghỉ của hàng nghìn Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương nơi cực Bắc Tổ quốc.
Nhìn từng hàng mộ dài đứng cạnh nhau trang nghiêm trong hương khói bảng lảng, ai cũng cảm thấy nghẹn ngào. Các anh đã ra đi khi còn rất trẻ, mang theo lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và dòng chữ khắc trên báng súng “Sống bám đá, chết hoá đá, thành bất tử”, quyết giữ lại từng tấc đất của Tổ quốc. Đau xót hơn nữa khi đứng trước ngôi mộ tập thể và nhiều ngôi mộ chưa xác định được tên. Các anh đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ để mang lại sự bình yên cho cuộc sống hôm nay.
Sau hành trình dài vượt dốc, đổ đèo với rất nhiều khúc cua tay áo, sáng 19/12, Đoàn công tác Báo Công lý đã có mặt tại Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Nhìn từ xa, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió đầy kiêu hãnh trên Cột cờ Lũng Cú, tâm trạng ai cũng bồi hồi xúc động, tự hào.
Từng nhịp, từng nhịp để bước qua 839 bậc đá trong thời tiết 3 độ C không phải điều dễ dàng trong cái sương, cái mưa lạnh cắt da cắt thịt ở nơi địa đầu cực Bắc của Tố quốc. Được đặt chân đến núi Rồng, ở độ cao hơn 33m, chúng tôi được tận mắt ngắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Lũng Cú - nơi biểu tượng quốc gia có ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, biểu trưng tinh thần tự tôn, độc lập của dân tộc Việt Nam.
Nhưng khi đứng trên đỉnh núi, cảm giác chỉ cần phóng tầm mắt là đã thu trọn một vùng giang sơn của đất nước khiến bao mệt mỏi tan biến. Trong màn sương, mọi thứ bị che đi, mờ mờ, ảo ảo. Thay vào đó, nổi bật giữa sắc trời là lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam đang tung bay trong gió.
Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc…
Lời của bài Quốc ca vang lên, buổi chào cờ của đoàn Báo Công lý diễn ra trang nghiêm, thiêng liêng, hào hùng. Trong cảnh sương mờ lạnh cắt da, nhưng bên trái lồng ngực lại sưởi ấm bởi ngọn lửa của niềm tự hào. Tự hào lắm Việt Nam ơi! Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận hai từ "Tổ Quốc" thật gần, thật thiêng liêng đến vậy…
"Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”
Đoàn công tác tiếp tục di chuyển tới Đồn Biên phòng Lũng Cú, Sơn Vĩ để thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình quân nhân; tặng học bổng cho con em gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua các hoạt động tình nghĩa đó đã thiết thực góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân; hỗ trợ, động viên, chia sẻ tình cảm, tiếp thêm sức mạnh đối với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.
Thay mặt các cán bộ, chiến sĩ, Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú rất vui mừng được đón Đoàn công tác Báo Công lý đến điểm cực Bắc linh thiêng của Tổ quốc. "Chúng tôi rất xúc động khi được đón đoàn công tác đến với Cột cờ Quốc gia Lũng Cú để làm Lễ chào cờ, tặng cờ, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc tại xã Lũng Cú", Trung tá Nhiệm bày tỏ.
Theo Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm, Chương trình này vô cùng ý nghĩa đối với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và Nhân dân ngày đêm đang bám trụ để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Chương trình đã gửi những thông điệp hết sức lớn lao đến với Nhân dân cả nước để cùng chung tay bảo vệ biên cương của Tổ quốc trong mọi tình huống. Từ những sự quan tâm đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú và đồng bào các dân tộc tại đây có thêm nhiều động lực để chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.
Trong chuyến hành trình trên cung đường Hạnh phúc nơi địa đầu Tổ quốc, Đoàn công tác Báo Công lý đã tới thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc. Đứng chân trên địa bàn xã Sơn Vĩ, là một xã nghèo, nằm ở vị trí cao nhất và xa nhất của huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 17,457km, tiếp giáp với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với tổng số 35 cột mốc (30 mốc chính, 05 mốc phụ).
Xã Sơn vĩ gồm 19 thôn (có 9 thôn giáp biên), có 1.380 hộ, hơn 7.800 nhân khẩu, 10 dân tộc thiểu số cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 80%. Địa hình chia cắt, chủ yếu là núi cao, vực sâu, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế.
Trong suốt thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ luôn tích cực trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.
Có đi tận mắt mới thấm thía câu nói: “Nơi nào khó khăn, gian khổ nhất, bộ đội có mặt”. Dù ở miền núi cao biên giới hay vùng biển đảo, những người lính biên phòng đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp sức mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhân ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Báo Công lý xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn mạnh khỏe và quyết thắng.