Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) quá tải trẻ mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là trẻ sơ sinh nhiễm virus RSV chuyển viêm phổi, suy hô hấp nhanh.
Vừa bế con dỗ dành, để ý con đang phải thở ôxy, chị N.P.A. (ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) lo lắng, mệt mỏi cho biết: "Bé nhà tôi nhập viện từ thứ 5 tuần trước đến nay vẫn còn chưa được ra viện. Ban đầu cháu có dấu hiệu sốt, ho, thở mệt nên gia đình cho vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám, xét nghiệm kết quả bị nhiễm virus RSV và được chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị. Khi vào viện, các bác sĩ cho gia đình biết về nguy cơ bị viêm phổi, viêm phế quản, nhất là khi cháu còn quá nhỏ".
"Tôi nghĩ cháu bị lây từ anh trai đang đi lớp mẫu giáo vì trước đó, cháu lớn cũng có biểu hiện ho sốt, nhưng nhẹ nên tự điều trị tại nhà; cháu bé ít tháng tuổi nên bị nặng hơn phải nhập viện", chị P.A. nói.
Cũng chăm cháu nội phải nhập viện vì biến chứng sang viêm phế quản, bà Đ.K.H. (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Trước khi vào viện cháu tôi sốt rất cao, khoảng 40 độ và kéo dài, uống thuốc hạ sốt không hạ được nhiệt độ nên gia đình cho đi cấp cứu và phải nhập viện ngay trong đêm vì cháu đã viêm phế quản, kèm viêm họng. Sau khi được xử trí, hiện cháu tôi đã đỡ sốt, gia đình cũng yên tâm hơn".
Ghi nhận tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, các giường bệnh chật kín do nhiều trẻ mắc virus hợp bào hô hấp (RSV). Không ít giường tại khoa này phải tạm thời để trẻ nằm ghép.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh cho biết, ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ trẻ nhiễm virus hợp bào ở khoa chiếm khoảng 1/4 số bệnh nhi. Trong số hơn 80 bệnh nhi nhập viện viêm đường hô hấp, có 16 bé được xác định nhiễm RSV, trong đó 5 trẻ phải thở ôxy vì nhiễm RSV nặng.
Đa số trẻ nhiễm virus RSV đều nhập viện trong tình trạng thở khò khè, sốt, một số trẻ bị suy hô hấp cần phải thở ôxy hỗ trợ. Trường hợp bị suy hô hấp đa phần là ở trẻ nhỏ, từ 1-2 tháng tuổi. Đặc biệt, có 2 trường hợp là trẻ sinh đôi mới 2 tháng tuổi, bị biến chứng nặng suy hô hấp đang phải thở oxy.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang - Phó Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh
Trẻ nhập viện không phải do đến viện muộn, mà do virus RSV gây biến chứng như: Suy hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… rất nhanh. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, nên dễ gia tăng số ca mắc. Do đó, bệnh viện đã phải sắp xếp cho các trẻ mắc RVS nằm ở phòng riêng để tránh lây nhiễm chéo.
Theo bác sĩ Sang, virus hợp bào hô hấp gây suy giảm hệ miễn dịch, hiện tại chưa có loại thuốc để điều trị đặc hiệu. Bệnh viện chỉ có thể tập trung điều trị bằng cách chăm sóc hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho các bé. Virus này rất hay gây đồng nhiễm với các loại virus khác cũng như với các vi khuẩn, chính vì vậy, nhiều trường hợp trẻ phải dùng thêm kháng sinh để điều trị.
Bác sĩ Sang khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ, nên hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, đảm bảo 5K, tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ khác có dấu hiệu bệnh như ho, sốt.
Ngoài ra, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ tay và thân thể cho trẻ thường xuyên, làm sạch môi trường, đồ dùng, vật dụng xung quanh. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo trẻ được bú mẹ đầy đủ.