Phóng sự - Ghi chép

Trăm năm nghề đáy

T. Thành 17/08/2023 - 06:37

Trải dài từ vùng biển Cần Giờ đến chót mũi Cà Mau, nghề đóng đáy hàng khơi suốt hàng trăm năm qua đã là kế mưu sinh của nhiều thế hệ cư dân ven biển miền Tây Nam Bộ. Ngay cả bước vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 thì hình thức lao động và sự mạo hiểm của nghề này cũng không khác xưa là mấy. Dẫu là những tay "cự phú" miền Tây giàu bạc tỷ, hay dân bạn chòi lang bạt kỳ hồ thì khi cây cột đáy được cắm vào lòng biển, cũng là khi họ đã bắt đầu cuộc chơi được - mất với thiên nhiên.

Theo bước chân mở đất

Theo lời kể của một số dân "hàng đáy" thì nghề này có từ hàng trăm năm trước. Khi đó, những cư dân Việt từ Nam Trung Bộ theo bước chân mở đất đã biết vươn khơi bằng nghề đi biển, trong đó có nghề đóng đáy (phương pháp đánh bắt hải sản bằng cách đặt những tấm lưới hình ống theo những dòng chảy mạnh ngoài khơi). Nhiều người còn khẳng định, nơi xuất tích của nghề đóng đáy là làng cổ Long Hậu (nay thuộc xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long, tỉnh Trà Vinh).

Bắt đầu từ thập niên 70 thế kỷ 19, khi kỹ thuật đi buồm dần thay thế cho phương pháp sử dụng ghe chèo, dân hàng đáy Mỹ Long từ chỗ chỉ luẩn quẩn đánh bắt nơi cửa sông cửa biển đã rùng rùng chuyển động, tạo nên một làn sóng lớn mạnh trong việc đưa "hàng đáy" ra xa hơn nữa để đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị hơn. Cư dân ở các làng biển lân cận cũng theo đó mà rầm rộ phát triển, hàng trăm "hàng đáy" giăng mắc chập chùng ngày một vươn mãi ra biển và cứ thế tiến dần xuống phía Nam.

anh-bai-tram-nam-nghe-day-1.jpg
Ông Nguyễn Thông: “Nghề đáy ẩn chứa quá nhiều rủi ro...”

Không chỉ dừng lại ở đó, ngay từ đầu những năm 60 thế kỷ XX, những công dân biển quen dọc ngang bờ bãi này đã nhanh chóng tiếp cận được kỹ thuật đóng ghe thuyền từ các nước trong khu vực. Sức gió, sức chèo dần được thay bằng các loại máy tàu tạo sức đẩy tốt hơn. Trai biển Mỹ Long cùng với sự vươn khơi của nghề đáy biển đã tạo lập thêm nhiều xóm đáy ven biển trù phú còn tồn tại cho đến tận ngày nay như Định An, Gành Hào (Bạc Liêu), Đá Bạc, Rạch Sỏi (Cà Mau)...

Về sau, khi nghề đáy hàng khơi được chính quyền hợp tác hóa thì nghề này đã được truyền dạy cho ngư dân nhiều tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu và trở nên phổ biển khắp miền duyên hải miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, suốt dọc theo vùng biển từ Cần Giờ đến Mũi Cà Mau, ước tính phải có đến cả nghìn hộ làm nghề đóng đáy và có ít nhất trên hàng chục nghìn nhân công làm thuê.

Trong tất cả các địa phương nói trên, Cà Mau là nơi có nghề đóng đáy hàng khơi phát triển nhất. Hiện nay, ước tính trên toàn tỉnh này có đến hàng nghìn miệng đáy ở các cửa biển như Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân); Rạch Tàu, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển). Nghề đóng đáy ở đây thường được chia làm ba hình thức: đáy hàng cặm (hay còn gọi là hàng cạn), đáy hàng bè và đáy hàng khơi.

Đáy hàng cặm được đóng ở những chỗ có mức nước sâu từ 15-16m, người ta đặt những cây kè từ 17 – 18m xuống lòng sông, cố định một chỗ xếp hàng từ 2 – 10 miệng đáy ngang mặt sông để thả và kéo những luồng tôm cá theo con nước chảy xiết chui vào bên trong miệng đáy.

Còn đáy hàng bè thì đặc biệt hơn, thường được đóng ở những nơi có lòng sông sâu và nước chảy xiết, dàn đáy được liên kết bằng những chiếc ghe nổi trên mặt sông. Thông thường có đến 2 – 3 chủ đáy cùng hợp tác đóng bè và hỗ trợ nhau trong công việc làm ăn cũng như những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Thông (65 tuổi), một ngư dân ở xã Đất Mũi (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho biết, đáy là tên gọi của một loại ngư cụ được dệt thành những tấm lưới hình ống để đánh bắt thủy hải sản theo dòng nước. Khi được đưa ra biển, những tấm đáy có chu vi hàng mét được buộc chặt vào hệ thống gồm nhiều cột đáy được chôn sâu dưới biển. Mỗi cột cách nhau khoảng mười mét nằm chắn ngang dòng nước cùng với nhiều ngư cụ phụ trợ khác như đõi đáy, nèo đáy, rượng đáy...

Cứ khoảng 5 cột đáy thì sẽ có một chòi canh dành cho người canh đáy ăn ngủ trong suốt mùa, có khi kéo dài đến vài ba tháng. Toàn bộ hệ thống kể trên được gọi bằng một cái tên chung là "hàng đáy". Và cách gọi những ngư dân mưu sinh bằng nghề này cũng theo thế mà qui ước. Nếu là người bỏ tiền của để đầu tư ghe thuyền, hàng đáy được gọi là "chủ đáy", còn là dân nghèo đi đóng đáy thuê thì gọi là "bạn đáy".

"Bạn đáy" cũng chia thành hai loại, dân "bạn ghe" - cách gọi những ngư dân làm thuê có nhiệm vụ chạy ghe ra ngoài đáy vào lúc "đổ đục" (lúc lên lưới), đưa tôm cá vào bờ và dân "bạn chòi", đó là những ngư dân khai thác, có nhiệm vụ túc trực trong các chòi đáy ngoài khơi từ một tuần đến mười ngày theo con nước để thu gom cá.

Khi thu đáy, hai người đàn ông to khỏe phải lặn xuống kéo túi lưới lên, hai người ở trên có nhiệm vụ dốc cá tôm vào khoang. Ngoài ra, việc thả lại đáy và ghim cho chúng nằm sát dưới đáy biển, thuận theo chiều con nước chảy cũng rất nguy hiểm, cần những thợ đáy lành nghề, có sức khỏe dẻo dai.

Tiềm ẩn nhiều bất trắc

Có lẽ, không cần phải tô vẽ gì thêm thì hẳn ai cũng hiểu rằng, nghề đi biển vốn là một trong những nghề có nhiều bất trắc. Tính mạng và tài sản của con người phụ thuộc rất lớn vào sự rủi may và những hiểm nguy tiềm ẩn của giông gió, sóng lừng. Có khi, chỉ cần một cơn áp thấp nào đó bất thần "hội quân" lại thành những cơn bão biển là có thể quăng xé và nhấn chìm bất cứ thứ gì trên đường đi của nó.

Những năm đầu của thế kỷ XXI, hình thức lao động và sự mạo hiểm của nghề đáy hàng khơi cũng vẫn không khác xưa là mấy. Dẫu là những tay "cự phú" miền Tây giàu bạc tỷ, hay dân bạn chòi lang bạt kỳ hồ, thì khi cây cột đáy được cắm vào lòng biển, cũng có nghĩa là họ đã bắt đầu cuộc chơi được - mất với thiên nhiên.

Nhiều năm trở lại đây, khi nguồn lợi thủy sản ven bờ dần cạn kiệt, dòng chảy của chín nhánh Cửu Long cũng dần suy yếu và lượng cá tôm không còn phong phú do các quốc gia đầu nguồn Mê-kông đắp đập ngăn dòng, thì những giàn đáy hàng khơi lại càng bị đẩy ra xa hơn nữa mới mong trúng cá. Nhưng xa nhất thì cũng chỉ có thể nằm cách bờ chừng 15 đến 20 hải lý, thuộc vùng nước giáp ranh mà dân địa phương gọi là vùng giáp ngời.

anh-bai-tram-nam-nghe-day-2.jpg
Gian nan nghề đóng đáy

Để có tiền đầu tư vào "hàng đáy" là một bài toán không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Huỳnh, một chủ đáy ở xã Đất Mũi cho biết, hiện gia đình có khoảng gần chục "hàng đáy" và thuê hơn 30 bạn đáy do con trai ông trực tiếp quản lý. Trước đây, cột đáy thường là thân cây dừa hoặc cây sao, thì ngày nay, để cột đáy có thể đứng vững ở vùng nước sâu đến vậy, gia đình ông phải đặt mua một loại cây cao trên hai mươi mét được gọi là cây kè, thuộc họ cọ dừa từ Tây nguyên. Mỗi cây có giá hàng chục triệu đồng, cá biệt có những cây lớn, thẳng có giá lên đến cả cây vàng. Tính sơ sơ thì mỗi một "hàng đáy" phải đầu tư lên đến hàng trăm triệu.

Số tiền đầu tư ấy không hề nhỏ, thế nhưng nếu không may gặp phải bão lớn thì có thể tài sản của các chủ đáy trong phút chốc tan biến cùng bọt biển và bạn đáy sẽ lao đao. Cơn cuồng nộ của biển không nương tay với những cây cột được tính bằng vàng hay tính mạng những "bạn chòi" lẻ loi đơn chiếc trên những chiếc chòi đáy mỏng manh giữa biển khơi. Bởi đã có hàng trăm "chủ đáy" phút chốc tiêu tan sự nghiệp và cũng có không ít "bạn chòi" vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.

Với nghề đáy hàng khơi, thông thường thì tiền trả công cho người làm thuê được các ông chủ đáy tính bằng chính số hải sản mà họ thu được. Mỗi bạn chòi được phân công trông giữ 5 miệng đáy và được hưởng lợi hoàn toàn từ một trong số những miệng đáy mà mình phụ trách. Mỗi chòi đáy dựng giữa biển là vừa là nơi làm việc lẫn nơi sinh hoạt của 2 bạn chòi trong suốt thời gian từ 7 đến 10 ngày, tùy theo tình hình con nước.

Người ta có thể đánh bắt thủy hải sản quanh năm, nhưng đặc biệt "trúng" đậm vào mùa gió Nam (từ tháng 3 đến tháng 6) và mùa gió chướng (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch). Các chủ đáy và dân bạn chòi sẽ tùy vào tình hình con nước để cân nhắc thời điểm đặt lưới khai thác.

Chính vì thế mà thu nhập trung bình của mỗi "bạn chòi" phụ thuộc rất lớn vào con nước. Ngày thì bám biển, nương theo con nước chảy để đóng đáy, đêm xuống thì phải thay nhau thức canh chừng. Khi đáy đã "khẳm" thì liên lạc với "bạn ghe" đưa tàu ra "đổ đục" và chuyển tôm cá vào bờ. Mỗi con nước như vậy, nếu trúng cũng được chia phần từ hai đến ba triệu đồng, còn nếu không thì coi như công toi, may ra vớt vát được vài trăm cho vợ đổi gạo.

Công việc của người “bạn chòi” không chỉ thế, họ còn phải thức khuya, dậy sớm, canh con nước, hết giặt đáy rồi lại phơi đáy. Những lúc rảnh rỗi họ cũng tranh thủ mắc câu kiếm thêm vài con cá làm khô như cá dứa, cá ngát, cá út để tạo thêm thu nhập cho gia đình, hoặc những khi thả hồn theo con nước, họ cũng có thể ngân nga vài câu vọng cổ cho vơi đi nỗi nhớ vợ con đang ngóng đợi nơi đất liền. Nhưng vượt lên trên mọi sự thua thiệt, sự khó khổ và nguy hiểm, họ đã học được cách thương nhau để khỏi cô độc trước trùng dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăm năm nghề đáy