Cần xác định rõ ngành nghề, lĩnh vực đào tạo mà thành phố có nhu cầu; trình độ đào tạo mà thị trường việc làm mong muốn; số lượng lao động, theo độ tuổi, theo giới tính; xác định một số lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm, trọng điểm để có giải pháp phù hợp theo phân kỳ thời gian. Đặc biệt, cần quan tâm đến các giải pháp liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và học viên.
Đó là nội dung chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khi nghe báo cáo, thảo luận về Dự thảo Đề án đào tạo nghề và kiểm tra một số dự án đầu tư xây dựng trường đào tạo trên địa bàn thành phố.
Về Dự thảo Đề án đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2030, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (17 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và 25 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở các quận/huyện và 11 doanh nghiệp).
Danh mục khoảng hơn 100 ngành, nghề đào tạo tập trung vào nhóm nghề: Điện - Điện tử; hàng hải; cơ khí; đóng tàu; công nghệ thông tin, du lịch và dịch vụ; trong đó có 76 lượt nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Quy mô tuyển sinh được cấp/năm là khoảng 54.500 học sinh, sinh viên, học viên. Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước chuyển đổi tập trung đào tạo theo hướng từ “cung” sang “cầu”, việc đào tạo nghề nghiệp đã bước đầu thực hiện gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo theo vị trí việc làm. Chất lượng đào tạo nghề từng bước được các doanh nghiệp ghi nhận, hàng năm cung cấp số lượng lớn lao động kỹ thuật cho thị trường lao động.
Sở LĐ-TB&XH xác định, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh THCS, THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu lao động qua đào tạo nghề có chứng chỉ, bằng cấp từ 3 tháng trở lên của thành phố đạt 45% vào năm 2030. Phấn đấu, trên địa bàn thành phố có 5 trường chất lượng cao, trong đó có 2 trường cao đẳng thuộc thành phố Hải Phòng đạt trường chất lượng cao; có khoảng 80 lượt nghề trọng điểm, trong đó có 2-3 nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4; có 3-5 ngành, nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.
Sau khi nghe báo cáo, thảo luận về Dự thảo Đề án đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy ghi nhận sự chủ động của Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng các Đề án bước đầu hình thành để định hình khung, việc cần làm cho các công việc sau này; đã đánh giá tình hình thực trạng, có đề xuất giải pháp và cơ chế để thực hiện theo quy định hiện hành và có cơ chế riêng của thành phố.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng, cần quan tâm xác định rõ ngành nghề, lĩnh vực đào tạo mà thành phố có nhu cầu; trình độ đào tạo mà thị trường việc làm mong muốn; số lượng lao động, theo độ tuổi, theo giới tính…từ nhu cầu của thị trường lao động thì mới xác định các trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm, sau đó đưa ra các giải pháp phù hợp theo phân kỳ thời gian. Về quan điểm, mục tiêu, Đề án chỉ cần lựa chọn một số ngành nghề trọng điểm, cơ sở trọng điểm để đầu tư và phân kỳ từ nay đến 2025, từ 2025 đến 2030.
Bên cạnh các giải pháp đã dự kiến trong Đề cương, Bí thư Thành ủy đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp về liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người học nghề. Trên cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo, cần quy hoạch và lựa chọn một số cơ sở đào tạo nghề đã có nền tảng cơ bản, đang phát triển tốt để tiếp tục đầu tư trọng điểm.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng, không nên quá lạm dụng giải pháp về hỗ trợ học phí, chi phí đào tạo nghề. Cần nghiên cứu mô hình đào tạo của một số cơ sở đào tạo nghề hoạt động hiệu quả, để nghiên cứu đề xuất các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng lưu ý, đối với giảng viên đào tạo nghề, chính sách cần ưu tiên là thu hút đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, là những người đang làm việc tại các doanh nghiệp, có tay nghề cao, có kinh nghiệm trong thực tiễn nghề.