Không nổi danh như nón Chuông hay nón Huế, nón lá Đồng Văn (Thanh Chương, Nghệ An) lại mang vẻ đẹp mộc mạc, bền bỉ như chính con người nơi đây. Ít ai biết, người đưa nghề nón về làng là một cựu thương binh – người từng đem cả tình yêu và chiếc khuôn nón từ vùng đất Quảng Bình ra xứ Nghệ.
Tình yêu bắt đầu từ chiếc nón
Không yêu kiều như nón bài thơ xứ Huế, chẳng nổi danh như nón làng Chuông, nón lá Đồng Văn lại khiến người ta nhớ mãi bởi sắc trắng dịu dàng, dáng tròn thanh mảnh và nét đằm thắm, bình dị như chính con người xứ Nghệ.
Ít ai biết rằng, người gieo mầm cho nghề nón nơi đây là một cựu thương binh – người không chỉ để lại một nghề, mà cả một chuyện tình đẹp như thơ giữa thời bom đạn.
Nép mình bên dòng Lam Giang thơ mộng, xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) là một trong số ít địa phương của xứ Nghệ còn giữ nghề chằm nón truyền thống.
Người có công đưa nghề về vùng đất này là ông Trần Văn Tuy (SN 1919, quê Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình) – một thương binh trở về từ chiến trường với 45% thương tật trên cơ thể.
Những năm kháng chiến chống Pháp, ông Tuy được chuyển về an dưỡng tại vùng Tài Lam (nay thuộc xã Đồng Văn). Nơi ở của ông là căn nhà nhỏ của bà Đậu Thị Thiết ở xóm Tiên Kiều – một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng nhân ái. Từ chỗ là người xa lạ, ông dần trở thành một phần thân thiết trong mái ấm ấy.
Những đêm trăng sáng, bên ánh đèn dầu leo lét, ông Tuy tỉ mỉ hướng dẫn bà Thiết và cô con gái Trần Thị Năm cách chằm nón – từ uốn vành, phơi lá, lợp vỏ măng đến từng mũi kim, đường chỉ.
Cô Năm nhanh chóng tiếp thu, cần mẫn làm ra những chiếc nón đầu tiên mang dáng dấp quê ông Tuy. Những chiếc nón ấy theo mẹ con bà ra chợ Dùng, chợ Lường đổi lấy gạo, thịt, nhu yếu phẩm.
Và cũng từ những đêm chằm nón đầy kỷ niệm, tình yêu giữa người lính xa quê và cô thôn nữ bén duyên, đơm hoa. Họ nên nghĩa vợ chồng. Từ mái nhà nhỏ ấy, nghề nón được truyền đi khắp xóm làng.
Ông Trần Văn Sinh (SN 1952, con trai cụ Tuy) kể: “Sau đợt an dưỡng, bố tôi không thể tiếp tục ra trận. Ông chọn ở lại Đồng Văn, làm chồng, làm cha, và cũng là người thầy đầu tiên truyền nghề cho dân làng. Nhờ ông mà nón Đồng Văn có được ngày hôm nay”.
Một thời vang bóng
Có thời, tiếng chằm nón rộn ràng khắp xã. Ngày đi làm đồng, tối về quây quần quanh ánh đèn, người làm vành, người xếp lá, tay thoăn thoắt, miệng kể chuyện rôm rả. Cả làng như sống trong không khí hội hè, đậm chất thôn quê.
Nón ra chợ – không chỉ đổi lấy gạo, áo quần – mà còn là niềm tự hào. Mỗi chiếc nón là một phần ký ức, một minh chứng của sự khéo léo, chịu thương chịu khó và cả tình yêu với nghề.
Bà Lê Thị Bính (SN 1956), người gắn bó với nghề hơn nửa thế kỷ, xúc động: “Hồi mới về làm dâu, tôi được mẹ chồng truyền nghề.
Mưa thì 6–7 người tụm lại làm đến khuya. Nón xong gánh đi chợ bán, nuôi con ăn học. Nhờ nón mà nhiều gia đình thoát đói, nên người”.
Trăn trở giữ nghề
Sau giải phóng, xã Đồng Văn có đến 200 người làm nón. Giờ chỉ còn lại vài chục người, phần lớn đã cao tuổi. Theo bà Bính, nón lá truyền thống đang dần bị lấn át bởi mũ vải, mũ bảo hiểm. Nhưng nguyên nhân chính khiến người dân rời nghề là thiếu nguyên liệu.
“Lá nón giờ hiếm lắm, giá lại cao. Một chiếc nón mất cả ngày làm, bán chưa đến 50 nghìn, ai còn mặn mà?” – bà Bính thở dài. Dẫu vậy, bà vẫn giữ nghề như một cách gìn giữ ký ức, gìn giữ tình cảm với người xưa, làng cũ. “Thỉnh thoảng vẫn có người gọi đặt hàng, tôi lại vui. Còn người cần, là tôi còn làm”, bà Bính bùi ngùi.
Ông Nguyễn Quốc Chương – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn – chia sẻ: “Nghề nón ở đây có lịch sử lâu đời. Trước phát triển mạnh, giờ chỉ còn vài hộ theo nghề. Thu nhập thấp, thiếu đầu ra và nguyên liệu là nguyên nhân chính khiến lớp trẻ không còn mặn mà”.
Trải qua bao thăng trầm, dù rực rỡ hay lặng lẽ, nghề làm nón vẫn là một phần hồn cốt của làng Đồng Văn. Mỗi chiếc nón không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là kết tinh của tình yêu, sự khéo léo, niềm tự hào và biết bao tâm huyết của người dân quê.
Có thể rồi đây, những bàn tay gân guốc, mắt đã mờ đi vì năm tháng sẽ không còn đủ sức xâu từng đường kim mũi chỉ. Nhưng câu chuyện về một người lính mang nghề về làng, về câu chuyện tình diễm lệ bên ánh trăng quê và chiếc nón trắng, sẽ còn mãi với thời gian – như nét duyên dịu dàng, thuần hậu của một làng nghề xứ Nghệ.