Phóng sự - Ghi chép

Trọn lời thề với Đảng - Bài 1: Người trở về dưới cờ Đảng

Hải Nam 28/05/2025 - 13:42

Giữa lòng Quảng Nam, nơi từng là “túi bom” khốc liệt trong chiến tranh, nay vẫn còn đó những con người trở về không chỉ để sống nốt phần đời còn lại, mà để cống hiến như một lời hứa với quá khứ, một sự tri ân với quê hương và một niềm thủy chung trọn vẹn với Đảng.

Họ là những chứng nhân sống cho bản lĩnh kiên cường, cho niềm tin không lay chuyển vào lý tưởng cách mạng và cho một lẽ sống vẹn nghĩa vẹn tình. Ba con người, ba số phận nhưng cùng quy tụ dưới một ngọn cờ dẫn lối: Ánh sáng của Đảng và lòng trung thành son sắt với Tổ quốc, với Nhân dân. Đó là ông Hồ Ngọc Biên, bà Văn Thị Xoa và ông Mai Năm - những biểu tượng của sự trở về không chỉ bằng thân thể, mà bằng tâm hồn nguyên vẹn niềm tin.

Giữa những triền đồi trung du hun hút gió ở Quảng Nam, nơi đất đỏ vẫn thấm đẫm máu và mồ hôi của bao lớp người từng cầm súng giữ làng, có một người lính già vẫn ngày ngày chăm sóc từng gốc mít, khóm chuối trong mảnh vườn nhà. Cây cối nơi ấy không chỉ lớn lên bằng dưỡng chất từ đất mẹ, mà còn bằng ký ức, ký ức của một người từng hai lần được gặp Bác Hồ, hai lần bước vào hàng ngũ của Đảng và cũng từng có lúc phải lặng lẽ rời đi…

Tôi vẫn là người của Đảng

Ở tuổi 73, ông Hồ Ngọc Biên (trú tại xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) không còn khỏe để lên nương, băng rừng như thuở trai trẻ, nhưng dáng ông vẫn sừng sững như cây lim rừng, rắn rỏi và đầy trầm tích. Giọng ông trầm ấm, ánh mắt vẫn sáng ngời mỗi khi nhắc đến hai từ “Đảng ta”.

“Tôi vẫn là người của Đảng ta” - câu nói nhẹ tênh như gió thoảng qua đồi trong suốt 16 năm rời xa hàng ngũ của Đảng, nhưng nghe xong thì cứ nặng trĩu trong lòng. Bởi đó là câu nói của một người từng cầm súng đánh giặc, từng được Bác Hồ xoa đầu, từng đứng trong hàng ngũ ưu tú nhất của cách mạng và cũng từng phải rời khỏi tổ chức, trong một phút nóng nảy lỡ lời.

bb6(1).jpg
“Tôi vẫn là người của Đảng ta” - câu nói nhẹ tênh trong suốt 16 năm rời xa hàng ngũ của Đảng của "Dũng sĩ" Hồ Ngọc Biên

Ông Biên kể, năm 1965, khi mới 13 tuổi, ông đã xin gia nhập lực lượng du kích. Hai năm sau, giữa mưa bom lửa đạn, cậu bé tí hon ấy đã được phong danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Rồi điều kỳ diệu đến - ngày 20/12/1968, giữa tiết trời mùa đông Hà Nội, cậu bé Hồ Ngọc Biên vừa tròn 15 tuổi, dáng người nhỏ thó cùng sáu chiến sĩ nhỏ tuổi khác từ chiến trường miền Nam được đưa ra Bắc. Khi ấy, không ai trong đoàn biết rằng, một cuộc gặp gỡ thiêng liêng đang chờ đón mình. “Khi Bác Hồ vừa bước ra sân khấu, mọi người ùa lên. Tôi vốn nhút nhát, nên rón rén vòng ra sau, ôm lấy Bác từ phía sau. Bác quay lại xoa đầu tôi, dịu dàng nói “Lên cháu, lên đây với Bác””.

Từng câu, từng chữ như được khắc bằng lửa vào trí nhớ cậu bé. “Nếu lúc đó không gặp Bác, không được nghe lời dạy bảo, có lẽ cuộc đời tôi đã khác”, ông Biên nghẹn ngào. Khoảnh khắc ấy được lưu giữ mãi bằng một bức ảnh như minh chứng cho một niềm vinh dự thiêng liêng.

Ngày 30/7/1971, giữa lớp dũng sĩ miền Nam tập kết ra Bắc học tập đặc biệt, chỉ bốn người được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, ông Biên là một trong số ấy. Từ chiến khu, ông viết thư về cho mẹ: “Con đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi. Con hứa với cha mẹ sẽ sống xứng đáng!”. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng ông, mà còn là ánh sáng thắp lên trong ngôi nhà tranh giữa vùng rừng núi Tiên Phước.

Nhưng… đời người đâu chỉ có vinh quang… Tháng 4/1990, một cuộc họp nội bộ diễn ra tại địa phương. Trong lúc tranh luận, ông Biên vì quá nóng đã phát ngôn không đúng mực với cấp trên. Kỷ luật Đảng được thực thi. Một tờ quyết định khô khốc như nhát dao cắt ngang niềm tin bao năm ông vun đắp. Tấm thẻ Đảng bị thu lại.

bb2(1).jpg
"Dũng sĩ" Hồ Ngọc Biên và cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968.

Ông rời tổ chức không thanh minh, không giải thích, không biện hộ. Ông chỉ lặng lẽ lui về, sống như cái bóng. Sáng cuốc đất, chiều tưới cây, tối đi họp cựu chiến binh ngồi nghe chứ không nói. “Người Cộng sản mà không giữ được mình thì chỉ còn là cái bóng”, ông lặng giọng. “Tôi thấy mình có lỗi với Bác, với cha, với mẹ. Tự nhủ nếu còn sống là còn có thể sửa sai”.

Trở về dưới lá cờ Đảng

Suốt những năm tháng ấy, trong ngôi nhà nhỏ giữa vùng đồi Tiên Phước, ánh đèn vẫn sáng mỗi đêm như giữ lửa. Người vợ hiền của ông - cô giáo Võ Thị Thạnh không trách, không giận, bà chỉ nhẹ nhàng: “Ông đừng gục ngã. Còn sống là còn có thể đứng dậy”. Cả gia đình ông sống trong thầm lặng, giữ trọn vẹn niềm tin vào một ngày ông trở lại.

“Suốt 16 năm sau khi tôi bị kỷ luật, tổ chức không hề quay lưng”, ông Biên rớm nước mắt khi nhắc lại. Các cấp ủy vẫn theo dõi, lặng lẽ ghi nhận những hành động cụ thể của ông. Không phải bằng lời hứa, mà bằng việc ghi tên ông trong danh sách những người tiêu biểu làm đường, góp công giúp dân, gìn giữ nền nếp thôn xóm. Chi bộ nơi ông cư trú, không đề xuất ông vì thành tích tức thời. Họ đề nghị khôi phục tư cách Đảng viên cho ông bằng sự trân quý với một con người từng vấp ngã nhưng biết đứng dậy. Ông tâm sự “Mình cố gắng sửa mình, sống đúng, sống tử tế, sống như những gì Bác Hồ từng dạy, sống bằng ý chí và nhiệt huyết của một người từng là Đảng viên”.

Ngày 17/4/2006, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành quyết định kết nạp lại ông Hồ Ngọc Biên vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tròn 16 năm kể từ ngày ông rời khỏi tổ chức, tròn 16 năm không còn thẻ Đảng, nhưng chưa bao giờ thôi là người Cộng sản trong tâm mình, ông sống như thể chưa từng rời khỏi tổ chức. Không có thẻ, nhưng sống đúng. Không có chức, nhưng luôn sẵn lòng khi làng, xã cần. Và cũng tròn 35 năm kể từ lần đầu ông thề dưới lá cờ Đảng, hôm ấy ông khóc. Không phải vì mừng, mà vì thấm thía: “Đảng nghiêm khắc, nhưng Đảng không bao giờ bỏ rơi người biết ăn năn và biết đứng dậy”.

Giờ đây, khi đã 73 tuổi, ông Biên vẫn giữ phong thái ung dung, đôn hậu. Ông sống cùng người vợ thủy chung và bốn người con là những cán bộ, chiến sĩ, đảng viên tiêu biểu nối tiếp truyền thống gia đình. Người con đầu là cán bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, người thứ hai đang công tác tại Ban Quản lý dự án – Quỹ đất – Đô thị huyện, người con thứ ba đang phục vụ trong Quân khu 5, còn người con út là cán bộ Văn phòng UBND huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Chín đảng viên trong một mái ấm, một “gia đình cách mạng” đúng nghĩa giữa lòng trung du xứ Quảng.

bb3(1).jpg
“Đảng nghiêm khắc, nhưng Đảng không bao giờ bỏ rơi người biết ăn năn và biết đứng dậy”, ông Biên nghẹn ngào khi lần thứ hai “được về” với Đảng.

“Đồng chí Biên là một người đáng kính, luôn mẫu mực trong công tác cũng như đời sống thường ngày”, ông Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tiên Phước nhận xét. “Dù tuổi cao, ông vẫn hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sống giản dị, khiêm nhường, chân thành. Ở ông, không có gì là phô trương, tất cả đều toát lên từ sự tử tế, liêm chính trong từng lời nói, hành động. Tư cách, đạo đức và lối sống giản dị của đồng chí Biên là điều mà thế hệ trẻ cần học hỏi”…

Trong dòng chảy của thời cuộc, có những con người như thế: Lặng lẽ, kiên trì, trung thành và biết đứng lên từ chính sai lầm của mình. Họ chính là minh chứng sống cho chân lý: Đảng không bỏ ai lại phía sau, nếu người ấy còn giữ lòng trong và chí sáng. Hồ Ngọc Biên - người dũng sĩ năm xưa nay đã trở thành một tấm gương không phải vì quá khứ từng gặp Bác, từng được phong danh hiệu, mà vì ông dám đứng dậy, dám giữ mình và trở lại với Đảng bằng chính cuộc đời tử tế. “Người Cộng sản không chỉ có lý tưởng, mà còn phải có dũng khí sửa mình”, ông Biên nói. Một câu nói như lời di huấn cho những lớp Đảng viên hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọn lời thề với Đảng - Bài 1: Người trở về dưới cờ Đảng