Vấn đề quan tâm

TP. Phú Quốc có số bản án hành chính chưa thi hành nhiều nhất Kiên Giang

Phong Vân 31/03/2024 - 08:23

Theo Văn bản kiến nghị số 29/KN-VKSTC của Viện trưởng VKSNDTC ngày 02/02/2024 về vi phạm trong thi hành bản án hành chính, tỉnh Kiên Giang hiện còn 58 vụ án hành chính chưa thi hành xong, trong đó UBND và Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc có số án hành chính chưa thi hành nhiều nhất là 52 vụ án.

"Chưa có trường hợp nào bị xem xét xử lý trách nhiệm"

Kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC viện dẫn, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “b) Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án phải thông báo kết quả thi hành án quy định tại khoản này bằng văn bản cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó".

van-ban-vks(1).jpg
Kiến nghị số 29/KN-VKSTC của Viện trưởng VKSNDTC nêu UBND và Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc có số án hành chính chưa thi hành là 52/58 vụ án của tỉnh Kiên Giang.

Điều 7 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án: “1. Tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu. 2. Xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án".

Mặc khác, Điều 8 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án: “1. Kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. 2. Xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật. 3. Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc".

Tuy nhiên, theo kiến nghị, việc Chủ tịch UBND, UBND tỉnh Kiên Giang và các huyện, thành phố chưa thi hành xong 58 bản án hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa có trường hợp nào bị xem xét xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án hành chính là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 7, Điều 8 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

Do đó, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức thực hiện việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm và chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính còn tồn đọng nêu trên. Đồng thời, chỉ đạo xem xét xử lý trách nhiệm của cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.

pq-1(1).jpg
Quyết định giao đất cho Công ty Milton đã bị TAND tỉnh Kiên Giang tuyên hủy nhưng công ty Milton đã xây dựng nhiều căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao

Một số cơ quan chưa chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án

Nguyên nhân tình trạng bản án hành chính chậm thi hành được các cơ quan tỉnh Kiên Giang chỉ ra là việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thi hành bản án hành chính chưa được thường xuyên, thiếu chặt chẽ, trong một bản án có nhiều cơ quan cùng thực hiện.

Công tác tham mưu của các cơ quan cho UBND các cấp trong việc tổng hợp kiến nghị cho chủ trương thực hiện các bản án khi phát sinh những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi hành các bản án chưa kịp thời.

Ngoài ra, các bản án tòa tuyên xử hủy Quyết định thu hồi đất, để thực hiện bản án, UBND phải thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai. Tuy nhiên, khi ban hành Quyết định thu hồi đất phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Những trường hợp này Nhà nước đã thực hiện giao đất, công nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư, thửa đất không còn hiện trạng ban đầu, đã xây dựng công trình trên đất nên UBND đang vướng việc đưa các diện tích phải thu hồi theo bản án vào kế hoạch sử dụng đất, cũng như danh mục thu hồi đất hàng năm.

Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang phải tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh phần diện tích đã thu hồi giao cho nhà đầu tư ra khỏi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đã được cấp (hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã cấp cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế TP. Phú Quốc phải điều chỉnh (hoặc thu hồi) diện bị thu hồi theo quyết định thu hồi đất ra khỏi quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, còn tình trạng một số cơ quan hành chính nhà nước chưa chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; chậm triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục để khôi phục lại quyền và lợi ích cho đương sự sau khi bản án tuyên hủy quyết định hành chính hoặc buộc thực hiện hành vi hành chính.

Việc thi hành án hành chính hiện nay thực hiện theo cơ chế tự thi hành, dù pháp luật hiện hành đã quy định các chế tài xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành án hành chính nhưng thiếu biện pháp và cơ chế cụ thể nên việc chấp hành bản án hành chính chưa nghiêm, dẫn đến kéo dài thời gian thi hành.

Thiết nghĩ, để hạn chế thấp nhất việc bị khiếu kiện hành chính, cán bộ, công chức nhà nước cần nâng cao trách nhiệm, thực thi nhiệm vụ một cách liêm chính, đúng quy định của pháp luật, tránh những trường hợp sai sót đáng tiếc tạo tiền đề cho người dân bức xúc, khiếu kiện không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Phú Quốc có số bản án hành chính chưa thi hành nhiều nhất Kiên Giang