Vấn đề quan tâm

TP Huế: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại mỏ đá sét đồi Khe Trâm?

Ngọc Minh 28/05/2024 - 11:18

Không chỉ xuất hiện “khoáng sản lạ”, khoáng sản “xịn” được vận chuyển đi san lấp thì tại mỏ đá sét thuộc khu vực Khe Trâm, phường Hương An, thị xã Hương Trà (nay thuộc TP Huế) còn có dấu hiệu bị cấp chồng lấn lên đất của người dân.

Nguyên liệu phụ gia xi măng được chở đi san lấp

Mỏ đá sét làm nguyên liệu phụ gia xi măng bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực đồi Khe Trâm, phường Hương An vốn được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy phép khai thác cho cho Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Hải An từ tháng 11/2017, với diện tích khai thác là 7,4ha, mức khai thác thấp nhất: mức cosd = +10 với trữ lượng khai thác 664.266 tấn; công suất khai thác là 40.000 tấn/năm; thời hạn khai thác 15 năm.

2(2).jpg
Xe chở khoáng sản từ mỏ đá sét khu vực Khe Trâm phục vụ san lấp công trình dân dụng.

Đến tháng 10/2019, Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Hải An chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đồi Khe Trâm cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tổng hợp Phước Tài (Công ty Phước Tài). Đến ngày 29/02/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 554/QĐ-UBND cho phép Công ty Phước Tài được tiếp tục khai thác khoáng sản đá sét làm nguyên liệu phụ gia xi măng bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực đồi Khe Trâm.

Theo nội dung quyết định trên thì Công ty Phước Tài chỉ được khai thác khoáng sản tại mỏ để làm nguyên liệu phụ gia xi măng chứ không được sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương thì khoáng sản sau khi khai thác ở đây đã được chở đến phục vụ việc san lấp của nhiều công trình tại các địa bàn lân cận.

4(1).jpg
Toàn cảnh khu vực mỏ đá sét khu vực đồi Khe Trâm, phường Hương An, TP Huế.

Xác minh thông tin trên, PV Báo Công lý đã nhiều ngày bám theo các xe tải chở khoáng sản xuất phát từ mỏ Khe Trâm để ghi nhận thực tế. Theo đó, điểm đến của rất nhiều xe tải này là các công trình xây dựng dân dụng đang trong giai đoạn san nền, chứ không phải là các nhà máy sản xuất xi măng.

Chưa hết, ngay tại tại mỏ đá sét khu vực đồi Khe Trâm, PV còn phát hiện một số loại “khoáng sản” có dấu hiệu khác lạ, không giống với khoáng sản tại các vết lộ đang khai thác của Công ty Phước Tài. Cùng với đó, gần vị trí khu vực mỏ này lại là bãi đất đổ thải của Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Công tác quản lý, cấp phép có sai sót?

Dấu hiệu đào bới và việc xuất hiện “khoáng sản lạ” trong khu mỏ của Công ty Phước Tài rõ ràng là bất thường?, Liệu ở đây có sự “nhập nhằng” giữa khoáng sản khai thác tại mỏ và đất thải của Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn?

Về nội dung này, ngày 25/4/2024, Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Phước Tài tại mỏ đá sét khu vực Khe Trâm. Tại đây, tổ kiểm tra nhận thấy trong khu vực mỏ có một số loại kháng sản không giống khoáng sản tại các vết lô đang khai thác tại mỏ. Ngoài ra, tại vị trí khu vực mỏ gần với bãi đổ đất thải Dự án cao tốc Cam Lộ- La Sơn có dấu vết đào và đổ thải.

Ngay sau khi kiểm tra, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Giấy mời UBND thị xã Hương Trà, UBND phường Hương An và Giám đốc Công ty Phước Tài lên làm việc để làm rõ nguồn gốc khoáng sản trong mỏ và việc đào, đổ thải tại bãi đất thải của Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Kết quả xác minh về nội dung trên chưa được Sở TTN&MT địa phương này thông tin đến báo chí. Tuy nhiên, dấu vết đào, đổ thải tại bãi đất thải của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, quản lý bãi đất thải của cơ quan chức năng tại đây đang có dấu hiệu bị buông lỏng, bất cập.

3(1).jpg
Khu vực xuất hiện khoáng sản có dấu hiệu lạ tại mỏ.

Chưa hết, liên quan đến công tác quản lý, qua nắm bắt thông tin cho thấy có dấu hiệu khu mỏ này được cấp chồng lấn vào diện tích đất rừng của người dân. Trao đổi với PV, ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TTN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua kiểm tra thực tế, Sở không phát hiện có dấu hiệu Công ty khai thác ra ngoài phạm vi mỏ.

Không đồng tình với trả lời này, người dân cho rằng việc chồng lấn là có và cơ quan chức năng cần kiểm tra lại ranh giới đất mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép, đã thực hiện thu hồi đất, cho thuê đất để Công ty Phước Tài khai thác khoáng sản nhằm xác định có chồng lên đất thuộc quyền sử dụng của người dân (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng) hay không, chứ không phải xác định công ty Phước Tài có khai thác khoáng sản ngoài phạm vi hay trong phạm vi được cấp phép.

1(3).jpg
Khu vực xuất hiện khoáng sản có dấu hiệu lạ tại mỏ.

Một số Luật sư cho rằng, trong sự việc này cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường chưa làm hết trách nhiệm của mình; bởi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện “khoáng sản lạ” và có dấu hiệu mỏ bị dùng làm bãi đổ thải và thông tin chồng lấn giữa đất của người dân với mỏ được cấp thì cần phải yêu cầu Công ty dừng khai thác để tiến hành kiểm tra, xử lý, chứ không thể trả lời qua loa như vậy được.

Có thể thấy, thời gian gần đây, tình trạng vi pham trong khai thác khoáng sản được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, những dấu hiệu vi phạm trong khai thác khoáng sản tại mỏ Khe Trâm chậm được kết luận, xử lý không chỉ khiến pháp luật bị xem thường mà còn khiến người dân mất bức xúc.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế sớm kiểm tra và xử lý sai phạm nếu có để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đem lại niềm tin cho nhân dân. Công lý sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Huế: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại mỏ đá sét đồi Khe Trâm?