Giáo dục

TP.HCM: Ngành giáo dục đạt nhiều kết quả ấn tượng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

Chu Phương 10/01/2024 - 11:13

Ngày 9/1, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

17048211084199-1-24-a-nen-chinh-size.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo

Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết 29 đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị TPHCM triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, TPHCM đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường mầm non; hướng dẫn vận dụng một số phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM, STEAM, Montessori, Reggio Melia…; học tập mô hình của Nhật Bản; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Đối với Giáo dục trung học, thành phố tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập bậc trung học theo xu hướng nâng cao tỷ lệ đã đạt được qua từng năm. Hiện, có 312/312 phường, xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2021, đối tượng trong độ tuổi từ 15-18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là 319.516/325.564, đạt tỷ lệ 98,14% (tăng so với năm 2020, tỷ lệ 97,98%).

Đối với Giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến 12): TPHCM thực hiện tốt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp. Qua khảo sát của Sở GD&ĐT TP cho thấy có 57,41% học sinh THPT đạt được trình độ ngoại ngữ có thể tự tin giao tiếp và tiếp tục theo học các chương trình đại học, cao đẳng quốc tế, thực hiện tốt phổ cập tin học cho học sinh phổ thông.

100% học sinh ứng dụng tin học trong học tập, trong nghiên cứu khoa học, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục bậc trung học ở 100% các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, khắc phục tình trạng thiếu học sinh lớp 10 ở các trường trung học phổ thông ở vùng ven thành phố bằng các giải pháp phù hợp, đảm bảo hoạt động giảng dạy và học tập tại các trường.

Đối với Giáo dục nghề nghiệp: Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông, chú trọng triển khai giáo dục khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp và cung cấp cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp thành công.

Đối với Giáo dục đại học: 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn cơ bản theo quy định, đạt mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá, một trong những kết quả nổi bật sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo xu thế của thời đại và gìn giữ truyền thống khuyến học, khuyến tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Đặc biệt, giáo dục và đào tạo TPHCM đã có sự chuyển biến về chất, trong đó có nhiều mô hình mới tiếp cận sáng tạo mang tính đột phá; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục thông minh, giáo dục mở phục vụ cho xã hội học tập suốt đời ngày càng được chú tâm; xây dựng và phát triển đồng bộ về quy mô, cơ cấu hợp lý trong giáo dục, chú trọng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học; đưa giáo dục đào tạo TP tiệm cận giáo dục tiên tiến, hiện đại của khu vực và thế giới thông qua việc phát triển giáo dục thông minh, giáo dục ngoại ngữ, tin học đạt chuẩn quốc tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức, hành động phải cụ thể hơn nữa, rạch ròi hơn nữa để cùng chia sẻ với ngành giáo dục, cố gắng đi đôi với đầu tư của Nhà nước; các cấp, các ngành phải huy động sức mạnh toàn xã hội để chăm lo, phát triển, thúc đẩy xã hội hóa, vận dụng tối đa chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, bám sát chương trình giáo dục phổ thông đổi mới nhằm phát triển phẩm chất, năng lực hài hòa đức - trí - thể - mỹ. Cùng với đó là định hướng tư duy phát triển GD-ĐT theo nhu cầu xã hội để chuyển biến dần nhận thức từ việc học để lấy bằng sang học tinh thông nghề nghiệp, phù hợp với tình hình hiện nay. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân luồng học sinh, quyết liệt đổi mới chương trình khung.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần nhận thức, giáo dục và đào tạo là của toàn xã hội, trong đó nhận thức của cấp ủy đóng vai trò then chốt. Do đó, cần tăng cường truyền thông, quán triệt sâu rộng hơn nữa để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức ngoài hệ thống cũng như các tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm cùng với hệ thống chính trị đầu tư căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại.

“Một trong những vấn đề mà lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở, đó là chăm lo cho đội ngũ thầy, cô giáo, làm sao thu hút được người giỏi, người tài, tâm huyết đến với nghề sư phạm. Đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ tìm lời giải, giúp các thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với nghề”, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã trao Bằng khen cho 40 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Ngành giáo dục đạt nhiều kết quả ấn tượng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29