Ngày 18-8, UBND TP.HCM tổ chức lễ khánh thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn I, sau gần 10 năm thi công và dự án cải tạo đường Trường Sa - Hoàng Sa dọc ven kênh.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôm nay
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy dài suốt địa bàn các quận: Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh và quận 1, chiều dài khoảng 9 km. Trước giải phóng, nơi đây là một địa bàn phức tạp với nhà ổ chuột chen chúc, nhiều tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Chương trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” được UBND Tp. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện giải tỏa, di dời các hộ dân trên và ven kênh từ năm 1988. Đến năm 2003, bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Tp. Hồ Chí Minh chính thức khởi động dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 317 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của WB gần 294 triệu USD. Mục tiêu của dự án là nhằm chống ngập cho lưu vực, chống ô nhiễm dòng kênh, cải thiện môi trường sống của người dân ven tuyến kênh.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhìn từ trên cao
Dự án được thi công từ năm 2003. Các hạng mục chính bao gồm: nạo vét khỏang 1 triệu m3 bùn dưới dòng kênh, lắp đặt tuyến cống bao đường kính 3m, sâu từ 10-40m chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải 65.000 m3/giờ, lắp đặt khoảng 70 km cống thoát nước đường kính 2m trên nhiều tuyến đường trong khu vực. Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, nước thải sinh hoạt của khoảng 1,5 triệu người không còn đổ trực tiếp xuống kênh, mà được thu gom vào tuyến cống bao, đưa về nhà máy xử lý. Dự án còn góp phần giải quyết ngập úng cho các quận: 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp. Hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc ven kênh đã được cải tạo, nâng cấp, đang trong giai đoạn nước rút để thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 8-2012. Sau thời gian này, các hạng mục cây xanh, cảnh quan sẽ được tiếp tục hoàn thiện để trong năm 2012 hoàn thành toàn bộ dự án.
Bên cạnh việc cải tạo cảnh quan cho dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mục tiêu của dự án còn nâng cao năng lực giao thông, giảm bớt ùn tắc giao thông trên các đường: Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - đơn vị thi công dự án mở rộng đường Trường Sa - Hoàng Sa cho biết: “Sau khi hoàn thành xong sẽ tạo thành hướng lưu thông theo trục Bắc - Nam, đảm bảo giảm ùn tắc giao thông trên trục đường Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám. Quan trọng hơn nữa, sau khi hoàn thành xong sẽ tạo mỹ quan đô thị, cảnh quan và không gian kênh Nhiêu Lộc hết sức khang trang”.
Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám lịch sử, chuẩn bị đón đại lễ Quốc khánh 2-9 của dân tộc, lễ khánh thành công trình cải tạo và xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Trường Sa - Hoàng Sa giai đọan I là sự kiện vô cùng ý nghĩa, mang đến cho người dân Tp. Hồ Chí Minh niềm hân hoan, tự hào về thành tựu mà thành phố đã đạt được, vững tin vào con đường phát triển đi lên của đất nước.
Văn Khôi