Bóng đá là môn thể thao tập thể và một vài cá nhân chơi hết mình là không đủ nếu như đội bóng ấy chơi quá tồi. Có những sự tiếc nuối nhất định sau vòng bảng khi một vài ngôi sao phải xách va-li về nước, bất chấp họ đã chơi rất bùng nổ.
Lượt trận vòng bảng VCK Euro 2012 đã chính thức khép lại. Có những kẻ vui sướng vì đội bóng của mình đã đoạt vé dự tứ kết, có những cái tên lại ngậm ngùi thu dọn hành lý rời Ba Lan – Ukraine. Trong số rất nhiều những gương mặt phải sớm rời giải ấy, không phải tất cả đều chơi đáng thất vọng. Thậm chí, có những gương mặt còn đã cháy hết mình vì màu cờ sắc áo. Song “một cánh én nhỏ chẳng làm lên mùa xuân”, một mình sự cố gắng của họ là không đủ để kéo những đoàn tàu rệu rã hoặc thiếu nhiên liệu tiến lên phía trước. Dưới đây là tốp 5 ngôi sao phải sớm về nước trong nuối tiếc.
1. Alan Dzagoev (Nga)
Alan Dzagoev có thể coi là một phát hiện thú vị tại VCK Euro 2012. Tiền vệ 21 tuổi này đã chơi chói sáng trong màu áo ĐT Nga, đặc biệt là ở hai trận đầu tiên. Trận thắng CH Czech 4-1, Dzagoev lập cú đúp với 2 cú dứt điểm đẳng cấp. Còn ở trận hòa 1-1 với Ba Lan, anh ghi bàn mở tỉ số. Nhưng đáng tiếc, Dzagoev lại chơi bóng trong một tập thể có quá nhiều những kẻ tự phụ. Chính sự khinh thường địch thủ của người Nga đã khiến họ phải trả giá và Dzagoev đã không thể viết tiếp giấc mơ Euro.
Alan Dzagoev đã chơi rất bùng nổ ở hai lượt trận đầu tiên
2. Mario Mandzukic (Croatia)
Không phải Luka Modric, Nikica Jelavic hay Darijo Srna, mà Mario Mandzukic mới chính là cái tên để lại nhiều ấn tượng nhất sau loạt trận vòng bảng của Croatia. Chỉ với 5 cơ hội, chân sút 25 tuổi này đã có được 3 bàn thắng tại giải. Hai bàn thắng vào lưới CH Irleand thể hiện sự mạnh mẽ, còn pha đánh bại Buffon ở trận gặp Ý lại cho thấy một sự nhạy cảm đáng nể. Ngay cả trận gặp Tây Ban Nha rạng quá qua, dù Croatia chơi lép vế hoàn toàn, nhưng khả năng độc lập tác chiến của Mandzukic trên hàng công cũng khiến hàng thủ trứ danh của nhà ĐKVĐ nhiều phen phải lao đao.
Mario Mandzukic
3. Rafael van der Vaart (Hà Lan)
Đến thời điểm này có thể khẳng định, nếu HLV Van Marwijk sớm đặt niềm tin vào Van der Vaart thay vì “ông con rể” Van Bommel, có lẽ Hà Lan đã không phải xách va-li về nước ngay sau vòng bảng. Tiền vệ của Tottenham chính là cầu thủ chơi hay nhất của Hà Lan ở giải này. 2 trận đầu tiên được vào thay Van Bommel, Van der Vaart đều chơi tốt. Đến trận thua Bồ Đào Nha, gần như chỉ có Van der Vaart chơi bóng bên phía Hà Lan. Anh là tác giả của cả 2 cú dứt điểm nguy hiểm nhất, trong đó có 1 chuyển thành bàn thắng, 1 đi trúng cột dọc. Sự bảo thủ và thiên vị của Van Marwijk đã khiến Hà Lan phải trả giá đắt.
Rafael van der Vaart
4. Zlatan Ibrahimovic (Thụy Điển)
“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” – câu tục ngữ Đức này có lẽ đúng với trường hợp của Ibrahimovic. Trong đội hình Thụy Điển, Ibra là ngôi sao sáng nhất và cũng chỉ có anh mới đạt tới đẳng cấp thế giới đích thực. Nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể và một mình Ibra là không đủ để giúp Thụy Điển gồm nhiều cầu thủ trung bình có thể vươn tới thành công. Trận thua 1-2 trước Ukraine, Ibra ghi bàn mở tỉ số. Còn ở trận thắng 2-0 trước Pháp rạng sáng nay, anh cũng là người mở tỉ số và là cầu thủ chơi xuất sắc nhất trận. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn về nước và điều đó chỉ khiến người ta thêm nuối tiếc cho tài năng của Ibra.
Zlatan Ibrahimovic
5. Nicklas Bendtner (Đan Mạch)
Đan Mạch đã bị loại, song chẳng ai dám đánh giá thấp những gì họ đã làm được. Và tất nhiên, cái tên có công lớn nhất trong việc giúp bóng đá Đan Mạch giành lại sự tôn trọng chính là Nicklas Bendtner. Trong cả 3 trận vòng bảng, chân sút của Arsenal đều chơi tốt. Điển hình như ở trận thua 2-3 trước Bồ Đào Nha, anh lập cú đúp và là cầu thủ chơi nổi bật nhất trận. Thể hình lý tưởng cộng khả năng chơi đầu tốt khiến Bendtner trở thành mối nguy hiểm thường trực với hàng thủ đối phương.
Nicklas Bendtner