Trong cuộc gặp với thống đốc vùng Tver Igor Rudenya, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các chỉ số về kháng thể sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của ông “duy trì ở mức tốt”.
Như tin đã đưa, vào tối 23/3, Tổng thống Putin được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 do Nga phát triển. Người đứng đầu Điện Kremlin không ghi hình buổi tiêm vaccine này, đồng thời giải thích lý do rằng ông không cần phải “diễn”.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, nếu ai đó muốn làm giả quá trình tiêm vaccine COVID-19 thì cũng không khó gì, chỉ cần giơ ống thuốc chứa vitamin lên trước máy quay là xong. Ba tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên, Tổng thống Putin đã tiêm mũi thứ hai.
Khi ấy, ông không tiết lộ tên loại vaccine mà các bác sĩ đã tiêm cho ông. Theo ông, chỉ có bác sĩ của ông biết thông tin này.
Tại thời điểm Tổng thống Putin tiêm vaccine ngừa COVID-19, tại nước Nga chỉ có Sputnik V và EpiVacCorona được lưu hành. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng cả hai loại thuốc này đều tốt.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, trong chương trình giao lưu trực tuyến, Tổng thống Putin đã tiết lộ loại vaccine mà ông được tiêm là Sputnik V.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho biết ông không chỉ tham khảo ý kiến của các bác sĩ mà còn dựa vào kinh nghiệm từ những người quen của mình. Sputnik V hấp dẫn ông vì thời gian có hiệu lực của vaccine dài hơn.
Trong buổi giao lưu trực tuyến này, Tổng thống Putin còn cho biết, sức khỏe ông hoàn toàn bình thường sau khi tiêm vaccine, chỉ có điều sau mũi tiêm thứ hai, ông hơi bị sốt. Đồng thời, ông cũng kêu gọi người dân Nga đi tiêm phòng.
Tháng 8/2020, Bộ Y tế Nga đã đăng ký vaccine đầu tiên trên thế giới phòng ngừa COVID-19, do Trung tâm Gamaleya phát triển, mang tên Sputnik V.
Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga thực chất là hai loại vaccine khác nhau, được tiêm cách nhau 21 ngày. Liều thứ nhất sử dụng vector là virus rAd26 (cùng loại với vaccine đang được phát triển bởi Johnson & Johnson và Trường Y Harvard). Liều thứ hai là các vector rAd5 (cùng loại với vaccine được CanSino Biology phát triển ở Trung Quốc).
Các thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V đã được công bố ở UAE, Ấn Độ, Venezuela và Belarus cho thấy, hiệu quả đạt đến 91,4% sau 28 ngày khi tiêm liều vaccine đầu tiên (7 ngày sau liều thứ hai). Hiệu quả này lên đến 95% sau 42 ngày kể từ mũi vaccine đầu tiên.
Các nhà khoa học Nga cho rằng, việc tiêm một vaccine thứ hai khác mũi một sau 21 ngày sẽ giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng nhận diện và chống lại virus SARS-CoV-2. Đồng thời, điều này được hi vọng là sẽ kéo dài khả năng miễn dịch hơn so với chỉ tiêm một liều một loại vaccine hoặc 2 liều cùng một loại vaccine.
Ông Alexander Gintsburg (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga) cho biết: vaccine Sputnik V được điều chế trên nền tảng đã được sử dụng để phát triển vaccine ngừa bệnh Ebola và có thể bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-Cov-2 trong vòng 2 năm.