Ngày 27/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất các nước Đông Á thiết lập một cơ chế chung ứng phó với đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 27/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất các nước Đông Á thiết lập một cơ chế chung ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo đó, nhà lãnh đạo Nga đề xuất thiết lập một cơ chế tương tác khu vực chống đại dịch dưới sự bảo trợ của các hội nghị cấp cao Đông Á. Ông cho biết Moscow sẽ đưa ra những cân nhắc cụ thể về vấn đề này trong tương lai gần thông qua các kênh chuyên gia.
Cũng tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này ủng hộ việc xây dựng quy trình công nhận lẫn nhau về giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ông cho rằng, điều này là cần thiết để có thể đảm bảo việc đi lại của công dân các nước trong khu vực.
Tổng thống Putin khẳng định, Nga sẽ tìm cách góp phần giải quyết vấn đề tiếp cận miễn phí và không phân biệt đối xử đối với vaccine ngừa COVID-19 cho người dân của tất cả các nước.
Tổng thống Nga cảm ơn các đối tác châu Á đã hợp tác để sản xuất vaccine ngay tại các nước, đồng thời cho biết Moscow sẽ tiếp tục cung cấp, kể cả cung cấp miễn phí, cho khu vực Đông Á các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Ngoài ra, Tổng thống Nga đề xuất triệu tập một cuộc họp cấp bộ trưởng về du lịch bên lề diễn đàn du lịch của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự kiến diễn ra tại Campuchia vào tháng 1/2022. Ông cũng cho biết, Moscow cân nhắc có một tuyên bố chung ủng hộ ngành du lịch phục hồi sau đại dịch.
Trong bối cảnh nước Nga đang gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Điện Kremlin ngày 25/10 đã kêu gọi tăng cường kiểm soát chấp hành các biện pháp phòng dịch, bao gồm cấm tổ chức sự kiện giải trí và dịch vụ nhà hàng từ 23h00 hôm trước đến 6h00 sáng ngày hôm sau.
Nhà lãnh đạo Nga đề nghị các địa phương áp dụng biện pháp này trước ngày 30/11. Thủ đô Moscow đã áp dụng 10 ngày phong tỏa từ 28/10 đến 7/11. Moscow cũng đề nghị công dân trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine cũng như những người không tiêm vaccine và có bệnh nền cần ở nhà trong 4 tháng cho đến cuối tháng 2/2021.
Các chuyên gia đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại Nga xấu đi là do chương trình tiêm vaccine khá chậm tại nước này. Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine phòng COVID-19 có tên Sputnik V từ tháng 8/2020, nhưng đến nay chỉ có 30% dân số nước này tiêm đủ 2 liều vaccine.