Tổng thống Putin thông báo thời gian tổ chức Diễn đàn Bảo tồn Hổ lần thứ hai

Bạch Dương| 12/10/2021 16:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sputnik dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Diễn đàn quốc tế bảo tồn quần thể hổ lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Vladivostok vào năm 2022 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông.

putin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Phát biểu tại phiên họp thứ 15 Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (COP 15), Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng, nhờ khả năng hấp thụ của rừng trên lãnh thổ của mình, Nga có những đóng góp đáng kể vào việc giải quyết các vấn đề môi trường và khí hậu toàn cầu.

Cũng trong phát biểu của mình, người đứng đầu Điện Kremlin cho biết: "Tôi muốn thu hút sự chú ý vào thực tế là tới tháng 9 năm 2022, chúng tôi có kế hoạch tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ hai về bảo tồn quần thể hổ”.

“Hoạt động này sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok. Chúng tôi mong muốn mời đại diện tất cả các quốc gia có loài thú quý hiếm này tham gia”, Sputnik dẫn lời Tổng thống Putin.

Diễn đàn bảo tồn quần thể hổ lần thứ nhất diễn ra tại St.Petersburg năm 2010. Sau đó, các quốc gia nơi có hổ sinh sống đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hổ trong tự nhiên trong 12 năm. Tại Nga, theo sáng kiến ​​của Tổng thống Putin, Trung tâm Hổ Amur đã được thành lập để bảo vệ quần thể loài động vật này.

Với chủ đề “Văn minh sinh thái: Xây dựng cộng đồng sự sống toàn cầu”, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP 15) được tổ chức tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc.

Theo kế hoạch, hội nghị kéo dài đến ngày 15/10 diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Đại diện các nước sẽ gặp nhau trong một cuộc họp trực tiếp dự kiến tổ chức vào tháng 4/2022 để có thể đi đến các kết luận cụ thể.

Công ước về Đa dạng sinh học (tiếng Anh:Convention on Biological Diversity; CBD) là một hiệp ước đa phương. Công ước có ba mục tiêu chính: bảo toàn đa dạng sinh học; sử dụng lâu bền các bộ phận hợp thành của nó; và phân phối công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ các nguồn tài nguyên di truyền

Nói cách khác, mục tiêu của nó là phát triển các chiến lược quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Nó thường được coi là văn kiện trọng yếu liên quan đến phát triển bền vững.

Công ước được đưa ra ký kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro vào ngày 5 tháng 6 năm 1992 và có hiệu lực từ ngày 29 tháng 12 năm 1993. Việt Nam chính thức gia nhập vào ngày 16 tháng 11 năm 1994.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Putin thông báo thời gian tổ chức Diễn đàn Bảo tồn Hổ lần thứ hai