Thế giới vượt mốc 200 triệu ca bệnh; Biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh tại Mỹ; Nhật Bản công khai tên người vi phạm quy định cách ly chống COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Thế giới vượt mốc 200 triệu ca bệnh
Theo Worldometer.info, tính đến 6h ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 200.187.759 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.257.752 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 180.478.496 người, 15.451.034 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 92.253 ca nguy kịch.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay vượt 36 triệu, cụ thể là 36.023.120 người, trong đó có 630.447 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.767.965 ca nhiễm, bao gồm 425.789 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.985.817 ca bệnh và 558.432 ca tử vong.
Biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh tại Mỹ
Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tiếp tục gia tăng và các bệnh viện chịu sức ép lớn hơn, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang khiến các chuyên gia khuyến cáo người dân đi tiêm chủng.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho biết trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã tăng hơn 40% so với tuần trước.
UNESCO kêu gọi Mỹ Latinh bổ sung các nhóm ưu tiên tiêm chủng ngừa COVID-19
Ngày 3/8, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã khuyến cáo các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh cần ưu tiên cả cho những nhóm người được cho là có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn từ virus SARS-CoV-2, như người bản địa, da màu, người nhập cư, tù nhân và người vô gia cư.
EU vượt Mỹ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine
Theo AFP, dựa trên các số liệu chính thức, khoảng 50% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, gần 224 triệu người tại 27 quốc gia thành viên EU đã được tiêm chủng, trong đó Tây Ban Nha dẫn đầu với 58,3% dân số đã được tiêm chủng, tiếp theo là Italy (54,4%), Pháp (52,9%) và Đức (52,2%). Cũng theo thống kê của AFP, đã có 59,3% dân số EU đã được tiêm 1 mũi vaccine, trong khi con số này tại Mỹ là 57,8%.
Nhật Bản triển khai tiêm mũi thứ ba cho người dân vào năm 2022
Chính phủ Nhật Bản dự định bắt đầu tiêm mũi thứ 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ năm 2022.
Theo Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, quan chức phụ trách chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, nước này sẽ sử dụng vaccine của các hãng Pfizer và Moderna để tiêm mũi thứ 3 cho người dân.
EU bắt đầu giải ngân gói phục hồi sau đại dịch COVID-19
Ngày 3/8, EU đã giải ngân khoản tiền đầu tiên trong gói phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 800 tỷ euro cho các quốc gia thành viên. Theo đó, Bỉ nhận được 770 triệu euro, Luxembourg 12,1 triệu euro và Bồ Đào Nha 2,2 tỷ euro.
Hàn Quốc điều 'xe buýt hồi phục' cho nhân viên xét nghiệm COVID-19 trong nắng nóng
Nhân viên y tế ở các điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hàn Quốc nay sẽ có thêm thời gian để hạ nhiệt và tránh khỏi bộ quần áo bảo hộ nóng nực trong mùa Hè nhờ “xe buýt hồi phục” trang bị điều hòa, nước lạnh và đồ ăn.
Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết 22 chiếc xe buýt thường được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi cho cảnh sát và lính cứu hỏa đã được triển khai tới các trung tâm xét nghiệm COVID-19.
Nhật Bản hỗ trợ Lào và Thái Lan thiết bị y tế điều trị bệnh nhân COVID-19
Ngày 3/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ Lào và Thái Lan các loại máy móc phục vụ chữa trị bệnh COVID-19 đang hoành hành tại hai quốc gia Đông Nam Á này với tổng trị giá 2,52 triệu USD.
Chính phủ Nhật Bản vừa công bố quyết định sẽ viện trợ cho Thái Lan 775 máy tạo oxy và viện trợ cho Lào 100 máy thở cùng 100 máy theo dõi bệnh nhân COVID-19. Các máy móc này sẽ được chuyển đến Lào và Thái Lan thông qua Cơ quan Dịch vụ dự án của LHQ (UNOPS) trong thời gian sớm nhất.
Mỹ và Bỉ hỗ trợ hàng triệu liều vaccine cho nhiều nước
Ngày 3/8, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã tài trợ và vận chuyển hơn 110 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này trên toàn cầu.
Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, Bỉ sẽ tài trợ 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn. Số vaccine này sẽ chủ yếu dành cho các nước Tây Balkan, các nước lân cận ở Đông Âu, Nam Âu và châu Phi.
Uzbekistan cho phép đình chỉ công tác nhân viên không tiêm vaccine
Ngày 3/8, Uzbekistan đã thông qua đạo luật cho phép người sử dụng lao động đình chỉ công tác nhân viên không tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo đạo luật được Tổng thống Shavkat Mirziyoyev ký ban hành, người sử dụng lao động ở Uzbekistan sẽ được phép tạm thời đình chỉ công tác những nhân viên từ chối tiêm chủng. Các trường hợp ngoại lệ được miễn áp dụng đạo luật này là những nhân viên có bệnh lý nền khiến họ không thể tiêm vaccine.
Ấn Độ gia hạn tạm ngừng các chuyến bay thương mại quốc tế đến cuối tháng 8
Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế theo lịch trình cho đến ngày 31/8 tới.
Tuy nhiên, các chuyến bay theo chương trình "Vande Bharat Mission" và các chuyến bay khác theo thỏa thuận song phương của Ấn Độ với từng nước tiếp tục hoạt động và những người đủ điều kiện theo quy định của chính phủ có thể bay đến và đi từ Ấn Độ.
Thái Lan mở rộng các biện pháp chống dịch sang nhiều khu vực
Ngày 3/8, Thái Lan đã gia hạn các biện pháp kiểm soát siết chặt hơn tại những khu vực có nguy cơ cao đồng thời mở rộng sang nhiều khu vực khác trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19.
Nhật Bản công khai tên người vi phạm quy định cách ly chống COVID-19
Đài NHK đưa tin Bộ Y tế Nhật Bản ngày 2/8 cho biết ba công dân trên từ Hàn Quốc và Hawaii (Mỹ) nhập cảnh hôm 21/7 và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2 tại thời điểm nhập cảnh. Những người ở độ tuổi từ 20 - 30 này đã trốn tránh liên lạc và không báo cáo vị trí cách ly với nhà chức trách.
Hiệp hội Y tế Nhật Bản kêu gọi ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc
Lo ngại tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước, ngày 3/8, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nhật Bản (JMA) Toshio Nakagawa kêu gọi chính phủ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc nhằm kiềm chế sự bùng phát số ca nhiễm COVID-19 tại thủ đô Tokyo và nhiều nơi khác.
Lào lần thứ 7 liên tiếp gia hạn lệnh phong tỏa
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày 3/8, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 4-18/8. Đây là lần thứ 7, Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.
Trung Quốc tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người dân Vũ Hán
Ngày 3/8, giới chức thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người dân tại đây sau khi thành phố này ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên kể từ hơn một năm trước.
Trung Quốc chặn đường vào Bắc Kinh, quyết bảo vệ thủ đô trước 'sóng thần Delta'
Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở Bắc Kinh tương đối cao, nhưng một số chuyến bay, tàu hỏa và xe buýt tới thủ đô của Trung Quốc đã bị hủy để ngăn chặn bùng phát dịch do biến thể Delta.
Theo tờ SCMP, cùng với biện pháp trên, Trung Quốc cũng thực hiện nhiều động thái để kiểm soát dịch bệnh ở Bắc Kinh khi nước này đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi kiềm chế thành công COVID-19.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi mở ra kỷ nguyên hợp tác mới với ASEAN
Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 3/8 cho rằng, trong bối cảnh năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hai bên cần chung tay mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới.
Ông Vương Nghị cho rằng ASEAN có vị trí ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên đã đạt được những tiến bộ mới và quan trọng.
HĐBA LHQ chưa xem xét việc thiết lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Afghanistan
Đại sứ Ấn Độ tại LHQ) T.S. Tirumurti ngày 2/8 cho biết Hội đồng Bảo an LHQ chưa xem xét việc thiết lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Afghanistan cho dù tình hình an ninh ở nước này ngày càng xấu đi do Mỹ rúi quân khỏi quốc gia Tây Nam Á nói trên.
Hạ viện Italy 'bật đèn xanh' cho cải cách tư pháp
Ngày 3/8, chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đã dễ dàng vượt qua hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, đảm bảo sự ủng hộ của các nghị sỹ tại Hạ viện cho việc cải cách hệ thống tư pháp quan trọng mà Italy cần để có thể nhận được các quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 từ Liên minh châu Âu (EU).
IMF thông qua lần phân bổ Quyền Rút vốn đặc biệt lớn nhất lịch sử
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 3/8 đã thông qua lần phân bổ mới của Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR), tương đương 650 tỷ USD. Đây cũng là lần phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử IMF nhằm thúc đẩy tính thanh khoản toàn cầu giữa đại dịch COVID-19.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định đây là “quyết định lịch sử” để kích thích nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.
Tổng thống Mỹ kêu gọi Thống đốc New York từ chức
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/8 cho rằng Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nên từ chức sau khi cơ quan công tố bang này đưa ra một báo cáo độc lập xác định thống đốc đảng Dân chủ này đã quấy rối tình dục 11 phụ nữ.
Tổng thống Biden đã trở thành nhà lãnh đạo đảng Dân chủ mới nhất đưa ra lời kêu gọi trên sau khi cùng ngày Tổng Chưởng lí bang New York Letitia James đã công bố kết quả cuộc điều tra cho thấy ông Cuomo đã có các hành vi không thích hợp với nhiều nhân viên nữ và tạo môi trường làm việc "độc hại" vi phạm luật pháp bang và liên bang.
Triều Tiên lần đầu phản hồi Hàn Quốc qua sóng vô tuyến chung
Ngày 3/8, Triều Tiên đã trả lời các cuộc gọi của Hàn Quốc qua sóng vô tuyến, lần đầu tiên kể từ khi tất cả đường dây liên lạc cố định giữa hai bên được khôi phục vào tuần trước.
Đường dây liên lạc trực tiếp giữa hai miền Triều Tiên được nối lại ngày 22/7 vừa qua, 13 tháng sau khi Bình Nhưỡng đơn phương cắt đứt liên lạc để phản đối các hoạt động tuyên truyền chống Bình Nhưỡng.
Căng thẳng trục xuất ngoại giao giữa Nga và Estonia
Ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố một nhà ngoại giao Estonia là "nhân vật không được hoan nghênh" tại nước này trong bối cảnh hai bên đang vướng vào tranh cãi ngoại giao.
Trước đó, hôm 7/7, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Lãnh sự Estonia tại St.Petersburg, Mart Latte là "nhân vật không được hoan nghênh" sau khi ông này "bị bắt gặp nhận tài liệu mật từ một công dân Nga". Sau đó, một nhà ngoại giao Nga cũng bị Estonia trục xuất ngày 15/7.
NATO hỗ trợ vật tư và thiết bị y tế cho chính phủ Afghanistan
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/8 thông báo đã chuyển vật tư và thiết bị y tế đến Afghanistan để hỗ trợ lực lượng chính phủ đang tham chiến với phiến quân Taliban.
Quyền phát ngôn viên NATO Dylan White khẳng định "tình hình an ninh ở Afghanistan vẫn còn rất khó khăn, vì thế nguồn cung cấp này đến vào thời điểm quan trọng".
LHQ gọi các bên tham chiến ở Afghanistan bảo vệ dân thường
Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) ngày 3/8 kêu gọi các bên tham chiến ở Afghanistan nỗ lực hơn nữa để bảo vệ dân thường, đồng thời cảnh báo về hậu quả “thảm khốc” của các cuộc tấn công bằng súng và các vụ không kích “bừa bãi” ở nước này.
Theo UNAMA, các cuộc tấn công trên bộ của lực lượng Taliban và các cuộc không kích của quân đội Afghanistan đang gây nhiều tổn thất, đồng thời UNAMA bày tỏ “lo ngại sâu sắc về hành động xả súng bừa bãi cũng như việc phá hủy hoặc chiếm đóng các cơ sở y tế cũng như nhà dân”.
Một số đối tượng có vũ trang xông vào nhà Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan
Ngày 3/8, một nguồn tin cảnh sát thủ đô Kabul và nhân chứng cho biết một số đối tượng có vũ trang đã xông vào nhà của Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismilla Khan Mohammadi, vốn nằm gần khu vực xảy ra vụ đánh bom xe ngay trước đó. Một nhân chứng cho hay nghe thấy tiếng súng sau vụ nổ ở gần nhà Bộ trưởng Mohammadi.
Panama kêu gọi một cuộc họp khu vực trước làn sóng người di cư
Ngày 3/8, Chính phủ Panama đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp chung khu vực với đại diện của các quốc gia quá cảnh di cư để tìm ra giải pháp ngăn chặn làn sóng di cư đang gia tăng.
Bộ Ngoại giao Panama thông báo đã đề xuất cuộc họp diễn ra vào ngày 11/8 cho vấn đề di cư trong khu vực. Hiện Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica và Ecuador đã xác nhận tham dự cuộc họp.