Tin vắn thế giới ngày 30/9: COVID-19 có thể để lại di chứng ở não người bệnh

Bạch Dương| 30/09/2021 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Trung Quốc họp về vấn đề Triều Tiên; COVID-19 có thể để lại di chứng ở não người bệnh; Nga ghi nhận hơn 900 vụ tấn công mạng vào hệ thống bỏ phiếu điện tử… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Trung Quốc họp về vấn đề Triều Tiên

Ngày 29/9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã có cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Hiểu Minh và thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng như những tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng.

Theo hãng tin Yonhap, ông Noh Kyu-duk đã "đề nghị Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong các nỗ lực nhằm đưa Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại, đồng thời nêu bật sự cần thiết giải quyết dứt khoát tình hình Bán đảo Triều Tiên và nhanh chóng nối lại đàm phán". Trong khi đó, ông Lưu Hiểu Minh tái khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhất trí gặp nhau trong tương lai gần để tiếp tục thảo luận.

trieu-tien-thu-nghiem-ten-lua.jpeg
Hình ảnh về vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 29/9

Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hội đàm

Ngày 29/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tổ chức hội đàm thảo luận về các biện pháp nhằm hạn chế bạo lực tái bùng phát tại vùng Tây Bắc Syria và khả năng mở rộng hợp đồng mua bán các hệ thống quốc phòng giữa Moscow và Ankara.

Triều Tiên họp Hội đồng Nhân dân Tối cao

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 29/9 đưa tin Triều Tiên đã tiến hành họp Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội) để thảo luận các vấn đề về tổ chức, thông qua luật giáo dục thanh thiếu niên, điều chỉnh kế hoạch kinh tế…

Đại sứ Mỹ tại Indonesia khẳng định thỏa thuận AUKUS không nhằm vào quốc gia nào

Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim ngày 29/9 khẳng định thỏa thuận an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào và không đặt các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "vào tình thế khó xử".

Ông Sung Kim cho biết các nước không nên lo ngại rằng thỏa thuận trên đặt ra vấn đề về phổ biến vũ khí. Ông cũng nhấn mạnh ba bên tham gia thỏa thuận đều tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Bà Najla Boudin Ramdan trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Tunisia

Văn phòng Tổng thống Tunisia ngày 29/9 thông báo Tổng thống Kais Saied đã bổ nhiệm bà Najla Boudin Ramdan làm Thủ tướng nước này. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử Tunisia, một phụ nữ trở thành Thủ tướng.

Mỹ thúc đẩy G20 đồng thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 28/9 đã bày tỏ hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 tới, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ đạt được đồng thuận chính trị về một mức sàn chung cho thuế doanh nghiệp áp dụng trên phạm vi toàn cầu, đồng thời không loại trừ khả năng về mức thuế cao hơn 15%.

Algeria bắt đầu sản xuất vaccine Sinovac

Algeria đã bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển, với sản lượng dự kiến tối đa 8 triệu liều/tháng.

Việc sản xuất được khởi động từ ngày 29/9 nhưng trong giai đoạn đầu, Algeria sẽ chỉ sản xuất một triệu liều trong tháng 10, hai triệu liều trong tháng 11, ba triệu liều trong tháng 12 và 5,3 triệu liều trong tháng 1/2022.

Bỉ tiêm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi

Giới chức y tế Bỉ đã thống nhất về việc triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả những người trên 65 tuổi.

Việc tiêm mũi tăng cường này sẽ được thực hiện đối với những người đã tiêm mũi thứ hai vaccine của AstraZeneca hay mũi duy nhất vaccine của Johnson & Johnson được 4 tháng và nâng lên thành 6 tháng đối với hai loại vaccine của Moderna hoặc Pfizer. Vaccine được dùng tiêm tăng cường sẽ phải là loại được sản xuất bằng công nghệ mRNA.

Nhiều phụ huynh tại Mỹ lưỡng lự về việc chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 29/9, các bậc cha mẹ có con dưới 12 tuổi tại Mỹ đã thể hiện quan điểm khác nhau về việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do Axios/Ipsos Coronavirus thực hiện cho biết 44% phụ huynh có con từ 5-11 tuổi cho rằng họ có thể đưa con đi tiêm chủng, trong khi 42% có quan điểm lưỡng lự về vấn đề này. Trong khi đó, khoảng 57% cha mẹ có con dưới 18 tuổi cho biết họ có thể hoặc đã cho con đi tiêm.

Các đại học Australia kêu gọi chính phủ phê duyệt vaccine COVID-19 của Trung Quốc

Các trường đại học ở Australia đang kêu gọi chính phủ liên bang cấp phép hai loại vaccine Sinovac và Sinopharm sau khi cơ quan quản lý dược phẩm TGA thông báo kế hoạch cố vấn cho Canberra về các loại vaccine COVID-19 của Trung Quốc và Ấn Độ.

Singapore hỗ trợ Indonesia hơn 120.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca

Singapore đã hỗ trợ 122.400 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho tỉnh Batam và Quần đảo Riau (KEPRI) của Indonesia nhằm chung tay với nước láng giềng đối phó với đại dịch.

Nghiên cứu: COVID-19 có thể để lại di chứng ở não người bệnh

Đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn 18 tháng qua và giới nghiên cứu khoa học đang nỗ lực tìm hiểu những tác động của virus SARS-CoV-2 đối với cơ thể của người bệnh. Những phát hiện ban đầu đang làm dấy lên lo ngại rằng COVID-19 có thể để lại hậu quả lâu dài đối với não bộ con người.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt rõ rệt về “chất xám” - các tế bào thần kinh xử lý thông tin trong não - giữa những người từng mắc COVID-19 và những người chưa mắc. Cụ thể, “chất xám” ở thùy trán và thùy thái dương đã bị mỏng đi ở nhóm mắc COVID-19, khác với tình trạng bình thường ở nhóm không mắc COVID-19. Với người bình thường, sự thay đổi về khối lượng hoặc độ dày của “chất xám” cũng diễn ra theo thời gian khi con người già đi. Nhưng trong nghiên cứu này, sự biến đổi ở những người mắc COVID-19 diễn ra mạnh hơn.

dieu-tri-benh-nhan-covid.jpg
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga.

Indonesia: Đẩy nhanh tiêm chủng để chuẩn bị Tuần lễ thể thao quốc gia Papua

Trong bối cảnh Tuần lễ thể thao quốc gia Indonesia (PON) sắp diễn ra tại tỉnh Papua vào tháng 10 tới, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu đẩy nhanh chương trình tiêm chủng tại tỉnh cực Đông này nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 tại các địa điểm đăng cai sự kiện này.

Hơn 1/3 số bệnh nhân có ít nhất 1 triệu chứng 'COVID kéo dài'

Hơn 1/3 bệnh nhân COVID-19 đã có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài trong 6 tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đó là kết quả một nghiên cứu công bố ngày 29/9 của Đại học Oxford và Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia Anh.

Khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược.

Đức ghi nhận những dấu hiệu dịch bệnh COVID-19 đáng lo ngại

Ngày 29/9, Viện Robert Koch (Đức) thông báo tỷ lệ các ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tăng trở lại sau khi giảm trong hơn 2 tuần, theo đó tăng lên mức 61 ca/100.000 người.

Chuyên gia virus học Christian Drosten tin rằng số ca mắc COVID-19 tại Đức chỉ ổn định trong ngắn hạn vì các dữ liệu ở vùng Đông Đức đang tăng. Trong đoạn ghi âm (podcast) chia sẻ trên đài NDR ngày 28/9, chuyên gia này cho rằng hiện có những dấu hiệu cho thấy Đức có thể phải hứng chịu một làn sóng dịch bệnh Thu-Đông vào tháng 10 tới.

WHO cảnh báo biến thể Delta lây lan mạnh tại Campuchia

Khmer Times ngày 29/9 dẫn lời Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan, cảnh báo biến thể Delta đang lây lan mạnh tại Campuchia.

Theo bà Li Ailan, biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể khác và sẽ là một mối đe dọa y tế với quốc gia Đông Nam Á này. Báo Khmer Times dẫn báo cáo cho rằng con số này gần mức 8.000 ca và con số này đã tăng nhanh kể từ tháng 7 vừa qua.

Nga bắt giữ giám đốc công ty an ninh mạng tình nghi phản quốc

Theo hãng tin TASS của Nga, ngày 29/9, cơ quan an ninh đã bắt giữ ông Ilya Sachkov, Giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng Nga Group IB, do tình nghi ông này chuyển giao thông tin cho các cơ quan tình báo nước ngoài.

Một tòa án của Moscow trước đó cùng ngày thông báo chính quyền Nga đã bắt giữ ông Sachkov vì tình nghi phạm tội phản quốc và sẽ giam giữ ông này trong 2 tháng. Các nhân viên an ninh đã lục soát các văn phòng của Group IB tại thủ đô Moscow. Hiện mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường và Group IB đảm bảo mọi dữ liệu của khách hàng được bảo mật.

ilya-sachkov-290921.jpg
Ông Ilya Sachkov, Giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng Nga Group IB. Ảnh: TASS

Cơ quan công tố đề nghị án phạt 2 năm tù đối với trợ lý của cựu Chủ tịch Nissan

Ngày 29/9, cơ quan công tố đã đề nghị án phạt 2 năm tù đối với ông Greg Kelly, phụ tá thân cận của cựu Chủ tịch Carlos Ghosn của tập đoàn sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản, với tội danh giúp ông Ghosn khai man thu nhập hàng triệu yen.

Theo cáo trạng, ông Kelly đã giúp ông Ghosn che giấu khoản thù lao trị giá 9 tỷ yen (83 triệu USD) trong 8 năm đến tháng 3/2018, trong một cơ chế cho phép chi trả cho ông này sau khi nghỉ hưu.

Nga ghi nhận hơn 900 vụ tấn công mạng vào hệ thống bỏ phiếu điện tử

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga Nikolai Patrushev cho biết đã ghi nhận hơn 900 vụ tấn công mạng nhằm phá hoại hệ thống bỏ phiếu điện tử trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vừa qua.

Jordan mở lại cửa khẩu chính với Syria

Ngày 29/9, Jordan đã mở lại hoàn toàn cửa khẩu Jaber nối với Syria trong nỗ lực nhằm cải thiện nền kinh tế đang chật vật của hai nước sau khi các nước Arab thúc đẩy khôi phục quan hệ với Syria.

Cửa khẩu Jaber từng được mở hồi năm 2018 sau khi quân đội Chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng đối lập khỏi miền Nam nước này, song trao đổi thương mại giữa Jordan và Syria vẫn chưa phục hồi trở lại mức 1 tỷ USD ghi nhận trước xung đột.

AstraZeneca thâu tóm hãng dược Caelum trong thương vụ 500 triệu USD

Công ty dược phẩm AstraZeneca ngày 29/9 cho biết sẽ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn công ty công nghệ sinh học Caelum Biosciences trong một thỏa thuận có trị giá lên đến 500 triệu USD.

Việc thâu tóm Caelum Biosciences sẽ giúp AstraZeneca tiếp cận một loạt thuốc chữa bệnh hiếm gặp khác có nhiều tiềm năng sinh lời. Loại thuốc này đang ở cuối giai đoạn thử nghiệm và đã đủ điều kiện để được các cơ quản lý của Mỹ đánh giá.

Trung Quốc: Khai trương tuyến đường sắt Thượng Hải-Hamburg

Ngày 29/9, Trung Quốc đã chính thức khánh thành tuyến đường sắt nối giữa thành phố Thượng Hải đến thành phố Hamburg của Đức, đánh dấu dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt xuyên biên giới đầu tiên giữa trung tâm kinh tế - thương mại này của Trung Quốc với châu Âu.

CNN hạn chế người dùng Facebook tại Australia truy cập các trang chính của hãng này

CNN cho biết sẽ hạn chế quyền truy cập đối với người dùng Facebook ở Australia đối với các trang chính do CNN điều hành bao gồm: Facebook, CNN International và những trang dành riêng cho các chương trình của CNN.

Giải cứu toàn bộ thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất đã ở Canada

Giới chức Canada cho biết thợ mỏ cuối cùng trong 39 người bị mắc kẹt dưới hầm mỏ gần 3 ngày qua ở miền Đông nước này đã được đưa lên mặt đất vào sáng sớm 29/9 (giờ địa phương).

Trước đó, chủ sở hữu mỏ Totten tại thành phố Subdury, tỉnh bang Ontario (Canada) ngày 27/9 cho biết 39 thợ mỏ đã bị mắc kẹt dưới lòng đất sau khi hệ thống vận chuyển ra vào mỏ bị hỏng, dẫn đến lối ra chính bị bịt lại. Tuy nhiên, không có ai trong số những thợ mỏ này bị thương và họ đã được cung cấp nước uống và đồ ăn.

Động đất độ lớn 6,1 ở ngoài khơi Nhật Bản

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) thông báo vào lúc 17h37 ngày 29/9 (giờ địa phương, tức 15h37 giờ Việt Nam), tại khu vực ngoài khơi vùng biển miền Trung nước này đã xảy ra trận động đất có độ lớn 6,1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 30/9: COVID-19 có thể để lại di chứng ở não người bệnh