Tin vắn thế giới ngày 28/9: Tổng thống Joe Biden tiêm vui vaccine COVID-19 tăng cường

Bạch Dương| 28/09/2021 07:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Mỹ tiêm mũi vaccine thứ 3; ICC xem xét nối lại cuộc điều tra tội ác chiến tranh tại Afghanistan; Vaccine có tác dụng đối với biến thể Delta Plus được phát hiện tại Italy… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Mỹ tiêm mũi vaccine thứ 3

Ngày 27/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 trước ống kính truyền hình tại Nhà Trắng.

Phát biểu trước khi được tiêm, Tổng thống nhấn mạnh: “Mũi tiêm tăng cường rất quan trọng, tuy nhiên quan trọng nhất là mục tiêu mà chúng ta cần phải thực hiện là có nhiều người được tiêm vaccine hơn”. Ngoài ra, theo Tổng thống Biden, có khoảng 23% người Mỹ đủ điều kiện nhưng chưa tiêm bất kỳ mũi vaccine ngừa COVID-19 nào.

joebiden-tiem-mui-3.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường, tại Nhà Trắng, Washington DC., ngày 27/9/2021.

Afghanistan không có đại diện phát biểu tại Khóa họp 76 Đại hội đồng LHQ

Afghanistan không có đại diện phát biểu tại khóa họp 76 của Đại hội đồng LHQ sau khi Đại sứ của chính quyền cũ của Afghanistan tại LHQ, ông Ghulam Isaczai quyết định rút lui vào ngày 26/9.

Ông Ghulam Isaczai đưa ra quyết định trên trong bối cảnh có nhiều tranh cãi liên quan đến chiếc ghế đại diện của Afghanistan tại LHQ sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước Tây Nam Á này vào tháng trước.

Ngày 30/9, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo ngày 30/9 tới cơ quan này sẽ bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng, trị giá 1.000 tỷ USD, được Thượng viện thông qua trong tháng trước, nhằm hỗ trợ kinh phí cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Iran phản bác khiếu nại của IAEA về vấn đề thanh sát cơ sở hạt nhân

Iran ngày 27/9 đã ra tuyên bố bác bỏ khiếu nại của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng Tehran không cho phép các thanh sát viên của cơ quan này tiếp cận tổ hợp hạt nhân cơ sở hạt nhân TESA Karaj "không chính xác và nằm ngoài các điều khoản trong thỏa thuận giữa hai bên".

Theo Đại sứ Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi, trong các cuộc thảo luận tại Tehran và Vienna, Iran đã chỉ rõ các thiết bị giám sát của IAEA tại tổ hợp hạt nhân cơ sở hạt nhân TESA Karaj không bao gồm trong thỏa thuận.

EU kêu gọi Mỹ hợp tác cải tổ WTO

Ngày 27/9, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nhấn mạnh Mỹ cần hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để cải tổ Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) thay vì để mặc tổ chức này.

Trong một bài phát biểu tại Đại học John Hopkins, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nhấn mạnh các nước thành viên cần cải tổ WTO chứ không phải phá hủy tổ chức đa phương này.

Ông Dombrovskis cho biết EU đã sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhằm đạt được các thỏa thuận về trợ cấp thủy sản, y tế, nông nghiệp và tính bền vững và bắt đầu một cuộc thảo luận nghiêm túc về cải cách mang tính thể chế.

Đức: Lãnh đạo SPD mong muốn xây dựng EU vững mạnh hơn

Ứng cử viên Thủ tướng Đức Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 26/9, tuyên bố nhiệm vụ quan trọng của chính quyền mới ở Đức sẽ là xây dựng một EU vững mạnh và hiệu quả hơn. Theo ông, nhiệm vụ này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược quốc tế và chính sách đối ngoại của Berlin.

ICC xem xét nối lại cuộc điều tra tội ác chiến tranh tại Afghanistan

Luật sư Karim Khan - công tố viên của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ngày 27/9 cho biết đang đợi tòa án chấp thuận yêu cầu tiếp tục cuộc điều tra tội ác chiến tranh tại Afghanistan.

ICC đã xem xét các tội ác chiến tranh tại Afghanistan trong vòng 15 năm trước khi vào mở cuộc điều tra đầy đủ vào năm ngoái. Tuy nhiên, cuộc điều tra đã bị đình lại, do Chính phủ Afghanistan khi đó khẳng định nước này sẽ tự điều tra. Ông Khan cho rằng trong tình hình hiện tại, Afghanistan khó có thể tự tiến hành điều tra như tuyên bố.

Vaccine có tác dụng đối với biến thể Delta mới được phát hiện tại Italy

Các quan chức y tế Italy đang theo dõi biến thể mới Delta Plus, kết hợp giữa biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và đột biến E484K, liên quan đến khả năng kháng vaccine đã được xác định xảy ra ở 19 người ở Anh và 99 người khác trên khắp thế giới.

Kết quả một nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi ngày 27/9, cho thấy việc tiêm vaccine có thể chống lại biến thể mới trên, mặc dù không ngăn chặn được việc lây nhiễm.

vaccine-voi-bient-the-moi-27921.jpg
Virus SARS-CoV-2 chụp qua kính hiển vi điện tử trên mẫu bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm ngày 1/8/2021. Ảnh (do Viện Y tế Quốc gia Mỹ cung cấp)

Pfizer thử nghiệm lâm sàng thuốc viên

Ngày 27/9, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa và cuối loại thuốc viên kháng virus SARS-CoV-2 dành cho những người có khả năng đã nhiễm bệnh.

Từ tháng 3/2020, hãng Pfizer đã bắt đầu phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng viên, có tên PF-07321332, và tiến hành thử nghiệm kết hợp với thuốc Ritonavir, vốn được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để kiểm soát lây nhiễm HIV.

Nhật Bản nới lỏng quy định cách ly đối với khách nhập cảnh đã tiêm vaccine

Chính phủ Nhật Bản ngày 27/9 cho biết kể từ ngày 1/10 tới, các trường hợp đã được tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày - giảm 4 ngày so với quy định trước đó.

Sau khi hết thời hạn cách ly, những người đã được tiêm phòng đầy đủ có thể tự do đi lại trong lãnh thổ Nhật Bản nếu họ có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, quy định nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Hàn Quốc chi ngân sách 36,2 tỷ won để mua thuốc điều trị COVID-19

Chính phủ Hàn Quốc đang phẩn bổ ngân sách 36,2 tỷ won (tương đương 30,8 triệu USD) để mua thuốc điều trị COVID-19 dạng uống, đồng thời tiếp tục thảo luận với một số hãng dược trên thế giới để ký hợp đồng đặt mua trước loại thuốc này.

Hiện 3 hãng dược đi đầu trong phát triển thuốc điều trị COVID-19 dạng uống là MSD và Pfizer (Mỹ), Roche (Thụy Sĩ), đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.

Israel yêu cầu bệnh nhân hồi phục vẫn cần tiêm vaccine để nhận 'Thẻ Xanh'

Tại cuộc họp Nội các chống COVID-19 của Israel tối 26/9, Bộ Y tế cho biết qua theo dõi số liệu, người khỏi bệnh COVID-19 nếu được tiêm thêm một mũi vaccine sẽ có khả năng miễn dịch tương đương với người được tiêm 3 mũi vaccine. Tuy nhiên, mức độ miễn dịch giảm dần theo thời gian. Vì vậy, để được nhận “Thẻ Xanh” họ cần được tiêm bổ sung vaccine sau 6 tháng.

New Zealand thí điểm chương trình tự cách ly

Ngày 27/9, Bộ trưởng phụ trách Ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết mục tiêu mở cửa trở lại biên giới của New Zealand một cách an toàn và xây dựng các phương thức mới để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân sẽ được bắt đầu với chương trình thí điểm tự cách ly.

Australia dự kiến dỡ bỏ phong tỏa thành phố Sydney

Ngày 27/9, giới chức Australia cho biết đến giữa tháng 10 tới thành phố Sydney đạt tỷ lệ tiêm chủng đủ liều ngừa COVID-19 sẽ không còn phải thực thi lệnh phong tỏa. Nhà chức trách đang phác thảo lộ trình chi tiết dỡ bỏ các hạn chế trong bối cảnh số ca mắc ở thành phố này giảm bớt.

Indonesia đầu tư 645 triệu USD phục hồi ngành du lịch

Ngày 27/9, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết Chính phủ nước này sẽ phân bổ 9.200 tỷ rupiah (645 triệu USD) từ ngân sách nhà nước năm 2022 để hỗ trợ phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp điều phối quốc gia năm 2021 của ngành du lịch và kinh tế sáng tạo, Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết khoản ngân sách trên sẽ được sử dụng để phát triển ngành công nghiệp không khói này trên ba khía cạnh, gồm khả năng tiếp cận, điểm tham quan và tiện nghi, xúc tiến và sự tham gia của tư nhân.

Thái Lan công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước theo 4 giai đoạn

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 27/9 đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước trong vòng vài tháng tới. Theo kế hoạch, các tỉnh của Thái Lan sẽ mở cửa trở lại theo 4 giai đoạn tùy theo các yếu tố, bao gồm doanh thu du lịch, địa lý và các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Nauy chìm trong hỗn loạn vì người dân ùa ra đường ăn mừng dỡ phong tỏa

Hôm 24/9,Thủ tướng Nauy Erna Solberg bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19. Bộ trưởng Văn hóa Abid Raja cho biết mọi người đã mong mỏi được mở cửa trở lại sau 18 tháng, ông đã khuyến khích người dân “khôi phục lại văn hóa và cuộc sống thường ngày” và bắt đầu bằng việc đi dự một bữa tiệc khiêu vũ. Song nhiều vụ hỗn loạn đã được ghi nhận trên khắp cả nước.

Thủ tướng Hà Lan có thể là mục tiêu tấn công của tội phạm ma túy

Tạp chí De Telegraaf số ra ngày 27/9 dẫn nguồn tin giấu tên cho hay có nhiều dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Rutte có thể là mục tiêu của một vụ tấn công hoặc bắt cóc, và lực lượng chức năng đã phát hiện một số đối tượng tình nghi có liên quan đến băng nhóm tội phạm Mocro Mafia theo dõi ông Rutte.

Tờ De Telegraaf nói rõ thêm cảnh sát đặc nhiệm thuộc Cơ quan an ninh ngoại giao và Hoàng gia Hà Lan đã được triển khai để bảo vệ thủ tướng.

Tổng thống Hàn Quốc: Có thể cần ban hành lệnh cấm tiêu thụ thịt chó

Phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được đưa ra sau khi nghe Thủ tướng Kim Boo-kyum báo cáo về công tác tăng cường bảo vệ và cứu hộ động vật bị bỏ rơi, cũng như việc áp dụng quy định bắt buộc khai báo và đăng ký nuôi chó trên hệ thống. Người phát ngôn của Tổng thống, ông Park Kyung-mee, cho biết, sau cuộc họp, ông Moon Jae-in nhận định đã đến lúc cần phải xem xét việc ban hành lệnh cấm tiêu thụ thịt chó.

Australia lên kế hoạch xuất khẩu năng lượng sạch

Thủ tướng Australia Scott Morrison đang chuẩn bị một kế hoạch tổng thể về biến đổi khí hậu để đẩy nhanh việc xuất khẩu năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các công nghệ phát thải thấp mới và các nguồn năng lượng sạch để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Australia khiếu nại lên WTO việc Trung Quốc áp thuế cao rượu vang nhập khẩu

Ngày 27/9, Australia đã khiếu nại lên WTO việc Trung Quốc áp thuế 218% đối với các nhà sản xuất rượu của nước này, cho rằng Bắc Kinh bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu.

Trung Quốc hạn chế việc phá thai vì mục đích phi y tế

Giới chức Trung Quốc cho biết sẽ hạn chế việc phá thai vì “mục đích phi y tế” nhằm đảm bảo sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong bối cảnh tỷ lệ sinh của nước này giảm mạnh.

Ngày 27/9, Trung Quốc đã ban hành một hướng dẫn mới nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai. Trong đó bao gồm một số biện pháp mới nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn tình trạng phá thai chọn lọc giới tính.

Ít nhất 10 người bị thương vong trong vụ động đất ở đảo Crete, Hy Lạp

Ít nhất 1 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương trong tận động đất có độ lớn 5,8 xảy ra ngày 27/9 trên đảo Crete, đảo lớn và đông dân nhất ở miền Nam Hy Lạp.

Theo Cơ quan bảo vệ dân sự Hy Lạp, trận động đất xảy ra vào khoảng 13h17 (giờ Việt Nam), các thủ phủ Heraklion của đảo Crete 23km. Theo chuyên gia địa chấn học Efthymis Lekkas, trận động đất xảy ra ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn và gây ra những dư chấn có độ lớn 4,5.

Tây Ban Nha cảnh báo nguy cơ khi dung nham từ núi lửa Cumbre Vieja chảy ra biển

Nhà chức trách quần đảo Canary ngày 27/9 đã yêu cầu mọi người dân sống tại khu vực bờ biển phía Đông đảo La Palma phải ở trong nhà để đề phòng dung nham từ núi lửa Cumbre Vieja chảy ra biển.

Theo Cơ quan phụ trách tình trạng khẩn cấp ở quần đảo Canary cho biết dòng dung nham nóng tới 1.250 độ C tuôn ra từ núi lửa Cumbre Vieja có thể chảy vào Đại Tây Dương trong những giờ tới. Hiện tượng này có thể sẽ dẫn tới các vụ nổ và tạo ra những đám mây khí độc trên đảo La Palma.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 28/9: Tổng thống Joe Biden tiêm vui vaccine COVID-19 tăng cường