Tin vắn thế giới ngày 24/9: Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ

Bạch Dương| 24/09/2021 07:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Taliban muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế; Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ; Chuyên gia nhận định Ấn Độ đã ở chặng cuối của đại dịch COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Taliban muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế

Quyền Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan - ông Amir Khan Muttaqi khẳng định quốc gia Tây Nam Á này muốn có quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm cả các nước láng giềng và trong khu vực.

Trong phát biểu ngày 23/9, ông Amir Khan Muttaqi nêu rõ: "Vương quốc Hồi giáo muốn có quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế và cùng tồn tại với tất cả các quốc gia, bao gồm các quốc gia láng giềng. Đây là thông điệp của chúng tôi".

amirkhanmuttaqi.jpg
Quyền Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan - ông Amir Khan Muttaqi

WHO cảnh báo hệ thống y tế Afghanistan sụp đổ

Ngày 23/9, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Afghanistan, ông Luo Dapeng, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tài trợ cho chương trình y tế của nước này, vốn đã bị ngưng lại khi Taliban lên nắm quyền, trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe bị rơi vào khủng hoảng.

Trong một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Luo Dapeng cho biết hàng trăm nghìn người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất tại Afghanistan gần như không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế đang bị quá tải. Ông cũng cho biết thêm rằng WHO đang phối hợp với các nhà tài trợ để tìm kiếm các cơ chế hỗ trợ mới cho các cơ sở y tế tại Afghanistan.

Kêu gọi các nước giàu chấm dứt tích trữ vaccine ngừa COVID-19

Tại phiên họp cấp cao trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 đang diễn ra ở New York (Mỹ), lãnh đạo các nước đang phát triển đã lên tiếng cảnh báo việc những nước giàu tích trữ vaccine ngừa COVID-19 đang tạo cơ hội cho sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi tạo thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế

Phát biểu qua đường truyền video tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì ngày 22/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại quốc tế thông qua việc công nhận các giấy chứng nhận vaccine của nhau trong bối cảnh dịch COVID-19.

Chuyên gia nhận định Ấn Độ đã ở chặng cuối của đại dịch COVID-19

Giới chuyên gia nhận định COVID-19 có thể đã thoái lui ở Ấn Độ, với số ca nhiễm mới nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến thể mới là điều Ấn Độ cần lưu tâm.

Bà Soumya Swaminathan – nhà khoa học trưởng của WHO cho rằng, Ấn Độ có được lớp bảo vệ vững chắc nhờ tỉ lệ dân số có kháng thể với COVID-19 ở mức cao. Kháng thể đó đến từ người từng bị nhiễm COVID-19 hoặc là nhờ tiêm vaccine. 

Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ  

Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, vốn lây nhiễm cho các cư dân và nhân viên y tế tại một viện dưỡng lão ở bang Kentucky, đã lây lan ra 47 bang tại Mỹ.

Báo Newsweek dẫn số liệu của Cơ quan Y tế bang Kentucky cho biết 45 cư dân và nhân viên y tế đã nhiễm biến thể R.1 sau khi một nhân viên chưa tiêm chủng mắc bệnh vào tháng 3. Biến thể R.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, chứa những đột biến mới có khả năng vượt qua khả năng bảo vệ của kháng thể ở những người được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

virus-sars-cov-2.jpg
Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ

Hãng Novavax đề nghị WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine

Ngày 23/9, công ty Novavax của Mỹ và đối tác là Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã nộp hồ sơ đề nghị WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Novavax.

Việc WHO cấp phép sẽ là một dấu hiệu cho các cơ quan quốc gia quản lý độ an toàn và hiệu quả của vaccine này. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vaccine sang một số nước tham gia cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX).

Theo các biện pháp hạn chế, Anh chỉ công nhận vaccine được sử dụng ở một số quốc gia. Đối với hầu hết các nước trên thế giới và toàn bộ châu Phi, Anh sẽ không công nhận vaccine được tiêm tại các nước sở tại dù đó là vaccine đến từ Anh.

Anh bị phê phán kỳ thị đối với các vaccine đang được tiêm ở châu Phi

Ngày 23/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo các biện pháp hạn chế đi lại được Anh áp dụng nhằm chống dịch COVID-19 có thể khiến người dân trên khắp "Lục địa Đen" có tâm lý do dự hơn khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Indonesia tiếp nhận thêm 871.850 liều vaccine ngừa COVID-19 từ Mỹ

Indonesia ngày 23/9 đã tiếp nhận 871.850 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer. Đây là lô vaccine cuối cùng do Mỹ viện trợ cho quốc gia này.

Trong một thông cáo, Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta cho biết tổng số vaccine ngừa COVID-19 mà Mỹ viện trợ cho Indonesia là 12,6 triệu liều, trong đó có 8 triệu liều Moderna và 4,6 triệu liều Pfizer.

Israel không cho phép giáo viên chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đến trường

Ngày 23/9, Bộ Giáo dục Israel ra thông báo cho biết các giáo viên nước này chưa têm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không được phép đến trường trừ phi họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus gây bệnh nguy hiểm này.

Theo quyết định của Bộ Giáo dục Israel, những giáo viên không trình Thẻ Xanh - một bằng chứng của việc đã tiêm chủng ngừa COVID-19 đầy đủ hoặc đã hồi phục sau khi mắc bệnh, sẽ phải có giấy xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 84 giờ trước đó.

Đầu tháng 10, EMA sẽ quyết định về tiêm mũi tăng cường vaccine của Pfizer/BioNTech

Đầu tháng 10 tới, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ đưa ra quyết định về việc có phê chuẩn tiêm mũi tăng cường vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho người trên 16 tuổi hay không.

Phát biểu với báo giới ngày 23/9 tại La Haye (Hà Lan), người phụ trách chiến lược tiêm vaccine của EMA, ông Marco Cavaleri, cho biết cơ quan này cũng sẽ quyết định về khả năng tiêm mũi tăng cường vaccine của cả Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người suy giảm miễn dịch.

El Salvador tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6-11 tuổi

Cơ quan y tế El Salvador đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6-11 tuổi. Đây là quốc gia đầu tiên ở Trung Mỹ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Y tế Francisco Alabí thông báo khoảng 600.000 trẻ vị thành niên trong độ tuổi trên sẽ được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Mexico triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi có bệnh nền

Chính phủ Mexico thông báo sẽ tiến hành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 1 triệu trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền hoặc khuyết tật.

Czech xúc tiến kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em

Hãng thông Czech (ČTK) dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Adam Vojtěch cho biết Cộng hòa Séc đã đặt hàng vaccine ngừa COVID-19 từ nhà sản xuất Pfizer/BioNTech cho 700.000 trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Tuy nhiên, ông nói rằng sẽ không thực hiện tiêm chủng cho đến khi vaccine này được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận.

Malaysia đổi chiến lược về miễn dịch cộng đồng

Bộ Y tế Malaysia (MOH) sẽ không sử dụng công thức thông thường để tính toán tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng, mà theo đó tỷ lệ này là ít nhất 80% dân số trưởng thành được tiêm vaccine.

Phát biểu ngày 23/9 tại phiên họp quốc hội, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết các chuyên gia y tế trên thế giới hiện đã không còn sử dụng công thức này và thay bằng chiến lược tiêm vaccine cho càng nhiều người càng tốt.

Phnom Penh tạm ngừng toàn bộ hoạt động tụ tập, lễ hội tôn giáo đông người

Chiều 23/9, Sở Lễ nghi và tôn giáo Đô thành Phnom Penh đã quyết định tạm thời ngừng toàn bộ các cuộc tụ tập lễ hội tôn giáo đông người tại thủ đô Campuchia cho đến khi có thông báo mới.

Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cũng kêu gọi các Sở Du lịch tại 25 tỉnh, thành trên cả nước tăng cường phối hợp để thực hiện các quy định chung về phòng chống dịch bệnh tại các chùa, chợ, siêu thị… trong mùa Lễ Pchum Ben sẽ diễn ra từ đầu tháng tới.

Thành phố lập kỷ lục thế giới về phong tỏa lâu nhất

Theo đài RT, thành phố Melbourne ở bang Victoria của Australia đang trải qua đợt phong tỏa thứ 6 kể từ đầu đại dịch. Truyền thông địa phương đã “phong” cho Melbourne là thủ phủ phong tỏa khi thành phố này đã trải qua tổng cộng 235 ngày bị áp đặt các biện pháp hạn chế. Con số này vượt qua kỷ lục 234 ngày phong tỏa của thành phố Buenos Aires, Argentina trong năm 2020.

uc23921.jpg
Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Melbourne ngày 18/9. Ảnh: AAP

Xả súng tại căn cứ quân sự của Mỹ

Đã có 5 người bị thương trong vụ xả súng xảy ra tối 23/9 (giờ Việt Nam) tại căn cứ quân sự Ft.Meade ở phía Bắc bang Washington của Mỹ. Theo AFP, đối tượng thực hiện vụ xả súng đã bị khống chế.

Ngân hàng Trung ương Anh duy trì lãi suất thấp kỷ lục

Ngày 23/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định duy trì chương trình kích thích kinh tế và giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục, song cảnh báo lạm phát có thể vượt mức 4% trong năm nay.

Thông báo sau cuộc họp của BoE cho các thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) - cơ quan hoạch định chính sách của BoE, đã bỏ phiếu nhất trí giữ lãi suất vay ở mức 0,1%. Với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, các nhà hoạch định chính sách cũng thông qua việc duy trì chương trình kích thích nới lỏng định lượng ở mức gần 900 tỷ bảng Anh (1.200 tỷ USD).

Ấn Độ: Nổ kho chứa hóa chất làm 3 người thiệt mạng

Các nhà chức trách Ấn Độ ngày 23/9 cho biết một vụ nổ xảy ra tại thành phố Bengaluru, miền Nam nước này, đã khiến 3 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương.

Italy yêu cầu Pakistan dẫn độ những đối tượng liên quan tới vụ một thiếu nữ mất tích

Ngày 23/9, Italy cho biết nước này đã yêu cầu Pakistan dẫn độ cha mẹ của Saman Abbas, thiếu nữ 18 tuổi nghi đã bị người trong gia đình sát hại do cự tuyệt cuộc hôn nhân sắp đặt.

Italy đưa ra thông báo trên sau khi các công tố viên ngày 22/9 cho biết chú của Abbas, đã bị bắt ở ngoại ô thủ đô Paris (Pháp), bị cáo buộc cùng với cha mẹ và hai người họ hàng khác đã sát hại Abbas.

Núi lửa mạnh nhất Trung Mỹ phun trào trở lại tại Guatemala

Ngày 23/9, núi lửa Fuego, núi lửa hoạt động mạnh nhất Trung Mỹ nằm cách thủ đô Guatemala 45km về phía Tây, đã phun trào trở lại, tạo ra những cột tro bụi và luồng mạt vụn núi lửa lớn.

Theo Viện Địa chấn học, Núi lửa, Khí tượng và Thủy văn Quốc gia (Insivumeh), dòng nham thạch của núi lửa Fuego, nằm ở độ cao 3.763 m trên mực nước biển và giữa các khu vực Escuintla, Sacatepéquez và Chimaltenango, đã di chuyển khoảng 6 km đến chân núi lửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 24/9: Biến thể R.1 chứa nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại Mỹ