Tin vắn thế giới ngày 19/9: Giới chức Nga thông báo về hành vi nước ngoài can thiệp bầu cử Duma Quốc gia

Bạch Dương| 19/09/2021 07:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giới chức Nga thông báo về hành vi nước ngoài can thiệp bầu cử; Mỹ nối lại đàm phán với Huawei để dàn xếp thỏa thuận nhận tội của bà Mạnh Vãn Châu; Campuchia cân nhắc tiêm mũi vaccine thứ 4… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Giới chức Nga thông báo về hành vi nước ngoài can thiệp bầu cử

Ủy ban Bầu cử trung ương Nga (SIK) cho biết đã có bằng chứng cho thấy sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VIII đang diễn ra.

Phát biểu ngày 18/9, người đứng đầu Trung tâm thông tin của SIK, ông Alexander Sokolchuk, cho biết, đã có hai cuộc tấn công nhằm vào trang mạng của SIK, trong khi cuộc thứ ba nhằm vào hệ thống DDoS. Interfax dẫn lời ông Sokolchuk cho biết "các vụ tấn công đều khá mạnh" và "đang có những hoạt động chuẩn bị cho các vụ tấn công tiếp theo" vào ngày cuối của cuộc bầu cử - 19/9.

bau-cu-nga.jpeg
Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga tính đến ngày thứ hai đã vượt ngưỡng 31%.

Bầu cử Duma Quốc gia Nga: Tỷ lệ cử tri đi bầu đến ngày thứ hai đã vượt ngưỡng 31%

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) tối 18/9 cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga tính đến ngày thứ hai đã vượt ngưỡng 31%.

NATO lên tiếng về tranh chấp giữa Pháp với Mỹ, Australia

Ngày 18/9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hạ thấp nguy cơ xảy ra tranh chấp trong liên minh giữa Pháp với Mỹ và Australia về một hợp đồng tàu ngầm, khi nói rằng vụ việc này không có khả năng ảnh hưởng đến "hợp tác quân sự" trong khối.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Athens (Hy Lạp), Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer nói: "Có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến NATO về mặt chính trị. Tuy nhiên hiện tại, điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự trong NATO”.

Taliban cấm nữ sinh trung học đến trường

Quy định mới được Bộ Giáo dục Afghanistan ban hành hôm 17/9 yêu cầu giáo viên, học sinh nam trở lại các trường trung học, chủng viện, nhưng không hề đề cập đến số nữ sinh, điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Taliban cấm nữ sinh đến trường.

Australia nêu yêu cầu để xem xét kết nạp Trung Quốc vào CPTPP

Australia sẽ chỉ xem xét đàm phán về việc Trung Quốc đệ đơn gia nhập Hiệp định CPTPP nếu Bắc Kinh dỡ bỏ thuế trừng phạt nhắm vào hàng hóa nước này - đó là phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan hôm 17/9.

Theo ông Tehan, 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) muốn chắc chắn rằng Trung Quốc thực thi đầy đủ các cam kết tự do thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại đang có hiệu lực. Đây là vấn đề quan trọng và cần tới thảo luận cấp bộ trưởng trước khi cân nhắc đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ kêu gọi các nước cam kết giảm phát thải khí methane

Ngày 17/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chung tay cùng nước này và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cam kết giảm phát thải khí methane để tạo động lực trước thềm hội nghị thượng đỉnh quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối năm nay.

CELAC tìm cách tăng cường sức mạnh khu vực

Ngày 18/9, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VI của Tổ chức các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã khai mạc tại thủ đô Mexico City của Mexico với mục tiêu ưu tiên là tăng cường sức mạnh của khu vực thông qua hợp tác.

Hội nghị lần này, với sự tham dự của 18 nguyên thủ, 2 phó tổng thống và 9 ngoại trưởng, tập trung thảo luận về các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19, như tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19 và các cơ chế hợp tác để phục hồi kinh tế sau đại dịch, đồng thời thành lập một quỹ chung phòng chống thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu.

Italy nêu bật tính cấp bách của lá chắn phòng thủ châu Âu

Ngày 17/9, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và ký thỏa thuận đối tác an ninh 3 bên với Australia và Anh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có tên gọi AUKUS, cho thấy nhu cầu cấp bách về xây dựng một lá chắn phòng thủ thực sự của Liên minh châu Âu (EU).

Argentina cải tổ nội các

Ngày 18/9, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez thông báo tiến hành cải tổ nội các, trong bối cảnh liên minh cầm quyền Frente de Todos vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ hồi cuối tuần trước để lựa chọn các ứng cử viên chính thức tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 11.

Nam Phi: Thị trưởng Johannesburg qua đời vì tai nạn giao thông trước thềm bầu cử

Tối 18/9 theo giờ địa phương, thị trưởng thành phố Johannesburg (Nam Phi), ông Jolidee Matongo đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi ở tuổi 46 sau hơn 1 tháng nhậm chức.

Ông Matongo gặp nạn sau khi tham gia vận động tranh cử cho đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền cùng với Tổng thống Cyril Ramaphosa ở thị trấn Soweto, ngoại ô phía Nam của thành phố Johannesburg trước thềm cuộc bầu cử cấp thành phố vào ngày 1/11 tới. Cảnh sát vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Mỹ nối lại đàm phán với Huawei để dàn xếp thỏa thuận nhận tội của bà Mạnh Vãn Châu

Truyền thông Canada ngày 17/9 dẫn nguồn tin cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã nối lại đàm phán với Huawei và các luật sư của tập đoàn công nghệ này về vụ kiện dẫn độ Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu.

Tờ Globe and Mail dẫn nguồn tin cho biết Mỹ đang chuẩn bị kết thúc tiến trình tố tụng hình sự và yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh, với điều kiện nữ CFO của Huawei nhận tội và chấp nhận nộp phạt.

Campuchia cân nhắc tiêm mũi vaccine thứ 4

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết giới chức y tế đang cân nhắc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ tư cho người dân, dựa vào nghiên cứu và diễn biến của dịch bệnh trong nước.

Thủ tướng Hun Sen cho biết nước này sẽ có ít nhất 9 triệu liều vaccine để tiêm mũi tăng cường thứ 3 cho người dân và tính đến ngày 16/9, Campuchia đã tiêm mũi tăng cường thứ ba cho trên 800.000 người.

tiemvaccine-campuchia.jpg
Tiêm vaccine Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/8/2021.

Vaccine không ảnh hưởng đến chu kỳ hay khả năng sinh sản của phụ nữ

Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm Chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) khẳng định không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 với những vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Nhật Bản cho phép điều trị bằng "hỗn hợp kháng thể" tại nhà  

Chính quyền tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản cho biết sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp điều trị “hỗn hợp kháng thể” cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Biện pháp điều trị dùng “hỗn hợp kháng thể” được Nhật Bản phê chuẩn hồi tháng trước, theo đó bệnh nhân được truyền tĩnh mạch đồng thời 2 loại thuốc để khống chế virus SARS-CoV-2. Khi đó, biện pháp này chỉ được giới hạn áp dụng cho bệnh nhân nằm viện hoặc điều trị ngoại trú.

Thái Lan cân nhắc nới lỏng thêm để thích ứng lâu dài với dịch bệnh

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đang lên kế hoạch chấm dứt những biện pháp hạn chế đối với một số hoạt động, coi đó là một phần trong mục tiêu sống chung với COVID-19.

Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp “bong bóng và niêm phong” cũng như những kế hoạch “hộp cát” để làm phương tiện cho phép công chúng cùng tồn tại với COVID-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động theo các biện pháp y tế công cộng cho đến khi tình hình được cải thiện.

Singapore đảm bảo an toàn cho học sinh trong kỳ thi cuối cấp

Theo thông báo ngày 18/9 của Bộ Giáo dục Singapore, các trường tiểu học của nước này sẽ chuyển sang học trực tuyến trong vòng 10 ngày.

Cụ thể, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ học trực tuyến trong thời gian từ ngày 27/9 đến ngày 6/10. Trong khi đó, các em học sinh lớp 6, cuối cấp, sẽ nghỉ học một số ngày từ ngày 25/9 trước khi bước vào kỳ thi cuối cấp. Mục đích của biện pháp này là nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại trường học và giảm số học sinh phải cách ly.  

Trung Quốc bơm 14 tỷ USD tiền mặt đối phó khủng hoảng địa ốc Evergrande

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa bơm khoảng 90 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này. Đây là động thái bơm tiền lớn nhất của PBoC kể từ tháng 2 đến nay.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn bất động sản lớn số 2 Trung Quốc, Evergrande đứng trước nguy cơ sụp đổ khiến các nhà đầu tư lo ngại về “sức khỏe” của thị trường bất động sản và tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 19/9: Giới chức Nga thông báo về hành vi nước ngoài can thiệp bầu cử Duma Quốc gia