Tin vắn thế giới ngày 30/6: Các nước phương Tây phong tỏa 330 tỷ USD tài sản của Nga

Bạch Dương| 30/06/2022 07:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các nước phương Tây phong tỏa 330 tỷ USD tài sản của Nga; Nga trao trả 114 binh sĩ Ukraine; Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố nước này không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO; Hàn Quốc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Các nước phương Tây phong tỏa 330 tỷ USD tài sản của Nga

Lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO có nhiệm vụ truy tìm tài sản của giới tài phiệt Nga trên toàn thế giới, ngày 29/6 cho biết đã phong tỏa 330 tỷ USD nguồn tài chính thuộc sở hữu của giới tinh hoa và ngân hàng trung ương Nga kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua.

Theo tuyên bố chung của REPO, lực lượng này đã phong tỏa 30 tỷ USD tài sản của các nhà tài phiệt và quan chức Nga, đồng thời đóng băng 300 tỷ USD thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Nga. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng đang giữ ít nhất 5 du thuyền và phong tỏa bất động sản sang trọng thuộc sở hữu của các tỷ phú Nga.

ngan-hang-trung-uong-nga.jpg
Các nước phương Tây đã đóng băng 300 tỷ USD thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Nga

Nga trao trả 114 binh sĩ Ukraine

Ngày 29/6, cơ quan tình báo Ukraine cho biết 114 binh sĩ của Kiev đã được trả tự do trong đợt trao đổi tù binh lớn nhất với Moscow kể từ khi xung đột nổ ra vào hồi cuối tháng 2.

Cơ quan tình báo Ukraine cho biết, trong số những người mới được trả tự do có 95 quân nhân đã tham gia cố thủ tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol miền Nam Ukraine. Ngoài ra, có 43 binh sĩ vừa được trả tự do thuộc quân số của trung đoàn Azov, một đơn vị bán quân sự đã hợp nhất vào quân đội Ukraine.

Nga khẳng định sẵn sàng giúp giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu

Theo Reuters, ngày 29/6, Nga tuyên bố sẵn sàng làm việc cùng LHQ để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đồng thời sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu lương thực và phân bón của mình.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết những cam kết này được Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov, đưa ra trong cuộc trao đổi với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.

Đàm phán Mỹ - Iran tại Doha không đạt kết quả

Ngày 29/6, hãng tin Tasnim (Iran) đưa tin các cuộc đàm phán gián tiếp giữa nước này và Mỹ tại thủ đô Doha của Qatar nhằm thu hẹp những khác biệt còn tồn tại gây cản trở nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 đã kết thúc mà không đạt kết quả. Theo Tasnim, lý do là phía Mỹ vẫn khăng khăng bảo vệ bản dự thảo đề xuất thỏa thuận tại Vienna, không bao gồm đảm bảo lợi ích kinh tế cho Iran.

Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố nước này không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO

Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine Kuleba phát biểu trong một cuộc phỏng vấn phát ngày 29/6 trên một kênh phát thanh rằng Ukraine không xem xét lại lập trường của mình đối với việc gia nhập NATO.

Trong cuộc phỏng vấn, người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine tỏ ý không nhất trí với ngôn từ của người dẫn chương trình rằng Kiev đã từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Ông Kuleba lưu ý: “Tại sao không? Vấn đề gia nhập NATO đã được ghi trong Hiến pháp Ukraine… Bên cạnh đó, cấu trúc của liên minh này là cơ chế an ninh hiệu quả nhất tại không gian châu Âu”.

ukraine-gianhap-nato.jpeg
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: NCBC

Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tổ chức cuộc gặp ba bên đầu tiên trong gần 5 năm

Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tổ chức cuộc hội đàm 3 bên ở Madrid (Tây Ban Nha), bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO.

Phát biểu mở màn cuộc hội đàm ba bên với lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng thống Biden cho rằng hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn đóng vai trò quan trọng giúp đạt được mục tiêu chung của cả 3, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng lưu ý vẫn tồn tại quan ngại về khả năng Triều Tiên thử hạt nhân.

Thành phố Brussels đình chỉ quan hệ kết nghĩa với Moscow

Trang tin Politico.eu ngày 28/6 dẫn thông báo của Thị trưởng thành phố Brussels Philippe Close cho biết mối quan hệ kết nghĩa với thành phố Moscow của Nga đã bị đình chỉ, nhưng chưa kết thúc.

Theo ông Close, quan hệ đối tác giữa hai thành phố chỉ mang tính biểu tượng và "chưa bao giờ thực sự được kích hoạt". Ông nói: “Vì chúng tôi đã có những trao đổi cụ thể với Kiev và chúng tôi đã đình chỉ quan hệ kết nghĩa với Moscow”.

Trung Quốc và Philippines nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương

Theo Tân Hoa xã, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines, ông Rodrigo Duterte, ngày 29/6 đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.

Ông Vương Kỳ Sơn cho biết cả hai bên đã kiên định đối thoại và tham vấn để kiềm chế một cách thích đáng các tranh chấp trên biển nhằm đưa quan hệ Trung Quốc-Philippines đi đúng hướng. Theo ông, hai bên đã duy trì liên lạc và phối hợp tốt trong các vấn đề quốc tế đa phương, đồng thời hợp tác để bảo vệ chủ nghĩa đa phương đích thực và lợi ích của các nước đang phát triển.

Indonesia thúc đẩy vai trò trung gian trong giải quyết xung đột Nga - Ukraine

Ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu chuyến thăm Ukraine nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và tìm biện pháp xuất khẩu ngũ cốc của hai quốc gia này ra thị trường thế giới.

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm này, Tổng thống Widodo sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi đến Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.

Campuchia chính thức ấn định thời gian tổng tuyển cử

Ngày 29/6, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã công bố quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 23/7/2023.

Quyết định số 46/SSR, ngày 29/6/2022 được ký bởi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, nêu rõ Chủ Nhật, ngày 23/7/2023 đã được ấn định là ngày bầu cử nghị sĩ Quốc hội khóa VII.

Ngoại trưởng Malaysia thăm chính thức Philippines

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah sẽ có chuyến thăm chính thức Philippines từ ngày 29/6 – 1/7/2022 để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. vào ngày 30/6.

Bộ Ngoại giao Malaysia khẳng định nước này sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ với Philippines dưới sự lãnh đạo của ông Marcos Jr., trên cả phương diện hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn đa phương.

Hàn Quốc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên

Ngày 29/6, Hàn Quốc đã cấp phép sử dụng vaccine SKYCovione, còn được gọi là GBP510, vaccine ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên do công ty dược phẩm SK Bioscience phối hợp với Đại học Y khoa Washington (Mỹ) phát triển. Đây là bước đi quan trọng hướng tới việc tự chủ về vaccine trong nỗ lực phòng chống đại dịch của Hàn Quốc.

Nhóm cố vấn FDA Mỹ khuyến nghị điều chỉnh thành phần vaccine ngừa COVID-19

Nhóm cố vấn của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 28/6 đã khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 điều chỉnh thành phần của vaccine sử dụng cho các liều tiêm tăng cường vào mùa Thu này, nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các biến thể lưu hành gần đây của virus SARS-CoV-2.

Ủy ban cố vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan thuộc FDA đã tiến hành bỏ phiếu - với tỷ lệ 19 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống - về quan điểm cho rằng loại vaccine sử dụng cho các mũi tiêm tăng cường ngừa COVID-19 cần bao gồm các thành phần nhắm mục tiêu đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và các dòng phụ hiện hành của biến thể này.

Mỹ sắp cạn nguồn kinh phí mua thuốc kháng thể điều trị được chủng mới Omicron

Kho dự trữ thuốc kháng thể COVID-19 của Mỹ, loại thuốc duy nhất điều trị hiệu quả với người bệnh nhiễm chủng mới Omicron - sắp hết vào tháng 8 tới. Thế nhưng, nguồn kinh phí liên bang dành cho ứng phó với đại dịch của nước này cũng sắp cạn kiệt.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang kêu gọi Quốc hội sớm thông qua việc chi thêm ngân sách cho các chương trình ứng phó với COVID-19 bởi thuốc kháng thể Bebtelovimab của hãng Lilly & Co, vốn được ví như vũ khí hiệu quả giúp người mắc COVID-19, nhất là chủng mới Omicron, không trở bệnh nặng phải nhập viện hoặc đe dọa mạng sống.

Nga phản đối Nauy cản trở vận chuyển hàng hóa tới người Nga ở đảo Svalbard

Ngày 29/6, Nga tuyên bố những biện pháp hạn chế mà Na Uy vừa áp đặt đã cản trở việc vận chuyển hàng hóa tới những khu định cư của người Nga ở quần đảo Svalbard tại Bắc Cực, đồng thời kêu gọi chính quyền Oslo sớm giải quyết vấn đề này. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu Đại biện Nauy tới để phản đối những biện pháp hạn chế mới nói trên.

Liên hợp quốc cảnh báo tình hình mất an ninh tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria

LHQ ngày 28/6 đã hối thúc chính phủ các nước hồi hương công dân đang sống tại trại tị nạn Al-Hol ở Syria, trong bối cảnh có trên 100 người thiệt mạng tại đây trong vòng 18 tháng qua.

WHO: Bệnh đậu mùa khỉ không ngừng lây lan sẽ đe dọa các nhóm nguy cơ cao

WHO thông báo đang điều tra các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em, trong đó có 2 ca ở Anh cùng các ca bệnh tại Tây Ban Nha và Pháp. Trong số các ca đậu mùa khỉ ở trẻ em được ghi nhận cho đến nay, không có ca nào nghiêm trọng.

Phát biểu họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 29/6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại trước tình trạng bệnh vẫn không ngừng lây lan vì điều này cho thấy virus vẫn đang phát triển và có thể ảnh hưởng đến những nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc trẻ em.

Các nhà hàng tại Thượng Hải (Trung Quốc) mở cửa trở lại

Bắt đầu từ ngày 28/6, các nhà hàng và quán ăn ở Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc- đã mở cửa phục vụ thực khách, đánh dấu giai đoạn phục hồi của lĩnh vực vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 2 tháng tại thành phố này. Loạt nhà hàng tại thành phố này đã buộc phải tạm ngừng dịch vụ phục vụ tại chỗ từ giữa tháng 3 vừa qua khi số ca mắc COVID-19 tại Thượng Hải gia tăng.

Số người xin tị nạn vào EU tăng trở lại

Theo báo cáo chính thức của EU công bố ngày 28/6, số người xin tị nạn ở châu Âu đang tăng trở lại sau thời gian tạm lắng do đại dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành Cơ quan tị nạn EU Nina Gregori cho biết nguyên nhân của làn sóng gia tăng người tị nạn vào EU là do lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, cuộc xung đột tại Ukraine...

EU đề xuất cấm thuốc lá điện tử có hương vị

Ngày 29/6, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị tại châu Âu do lo ngại những sản phẩm này sẽ trở nên thịnh hành và kéo theo những ảnh hưởng về sức khỏe. EC cho biết lệnh cấm này là một phần trong nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại 27 nước thành viên xuống mức thấp hơn 5% dân số vào năm 2040.

Mỹ ghi nhận thêm dấu hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế

Báo cáo mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/6 cho thấy GDP giảm 1,6% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này sâu hơn so với mức 1,4% mà cơ quan này công bố dữ liệu ước tính sơ bộ hồi tháng 4. Quý I/2022 cũng là quý đầu tiên GDP Mỹ giảm kể từ quý II/2020 khi nước Mỹ chìm sâu vào nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. GDP quý đầu năm 2022 của Mỹ cũng giảm sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6,9% trong 3 tháng cuối năm 2021.

Romania bắt đầu sản xuất khí đốt tự nhiên ở Biển Đen

Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca ngày 28/6 thông báo nước này bắt đầu sản xuất khí đốt tự nhiên ở Biển Đen, nhấn mạnh đây là một thời khắc lịch sử, góp phần đạt mục tiêu tự đáp ứng 90% nhu cầu khí tự nhiên của cả nước.

Theo Thủ tướng Nicolae, Midia là dự án khai thác khí tự nhiên mới đầu tiên ở khu vực Biển Đen thuộc Romania trong 30 năm qua và một lượng khí đốt đầu tiên đã được đưa vào thị trường nội địa trong tháng 6 này.

Gruzia ngừng xuất khẩu lúa mì và lúa mạch trong 1 năm

Ngày 28/6, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu hai mặt hàng lúa mì và lúa mạch, có hiệu lực từ ngày 4/7 cho đến ngày 1/7/2023. Ông Shamugia cho biết Gruzia không thể duy trì xuất khẩu hai mặt hàng này do quy mô sản xuất nội địa vốn nhỏ.

Nam Phi cắt điện luân phiên ở mức cao nhất

Nam Phi ngày 28/6 đã thực hiện cắt điện luân phiên ở cấp độ cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi qua sau khi công nhân ở một số nhà máy sản xuất điện đình công, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và gây thiếu điện trầm trọng.

Ở cấp độ cao nhất là cắt điện mức 6, người dân Nam Phi sẽ phải sinh hoạt trong cảnh bị cắt điện nhiều lần trong ngày với mỗi lần cắt điện kéo dài từ 2 đến 4 giờ đồng hồ.

thieu-dien-28062022.jpg
Nam Phi ngày 28/6 đã thực hiện cắt điện luân phiên ở cấp độ cao nhất.

Ít nhất 14 người thiệt mạng do cháy thuyền tại Senegal

Ngày 28/6, giới chức Senegal cho biết ít nhất 14 người di cư đã thiệt mạng khi thuyền chở họ bốc cháy ở miền Nam nước này.

Người đứng đầu thị trấn ven biển Kafountine thuộc vùng Casamance, ông David Diatta, xác nhận lực lượng chức năng đã tìm thấy 14 thi thể. Tuy nhiên, số nạn nhân trên thực tế có thể cao hơn. Hiện công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được tiến hành.

Táo tợn cướp ngân hàng ở Berlin

Ngày 29/6, cảnh sát Berlin thông báo một vụ tấn công nhằm vào chi nhánh ngân hàng Postbank ở Berlin đã xảy ra vào lúc 11h15 cùng ngày. Các đối tượng tấn công đã nổ súng, cướp đi một vali đựng tiền do các nhân viên an ninh của Postbank đưa tới chi nhánh này và khiến bốn người bị thương nhẹ.

Mưa lớn gây lở đất làm cô lập nhiều ngôi làng tại Áo

Các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tiếp cận 3 ngôi làng tại miền Tây nước Áo sau khi lở đất do mưa lớn đêm 28/6 đã cắt đứt đường giao thông vào các ngôi làng này.

Hãng thông tấn Áo, APA dẫn lời chuyên gia Gerhard Hohenwarter từ Viện khí tượng và địa động lực học trung ương cho biết tại Arriach, 1 trong 3 ngôi làng bị cô lập và các nơi khác trong khu vực lượng mưa trong vài giờ qua bằng với lượng mưa trung bình trong cả tháng 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 30/6: Các nước phương Tây phong tỏa 330 tỷ USD tài sản của Nga