Ukraine đối mặt nguy cơ tái diễn xung đột ở Donbass; Nga đạt thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V tại 10 nước; Các triệu chứng bệnh COVID-19 có thể tồn tại 3 tháng… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Ukraine đối mặt nguy cơ tái diễn xung đột ở Donbass
Quân đội Ukraine ngày 2/4 cho biết, trong 24 giờ qua đã xảy ra 13 đợt vi phạm lệnh ngừng bắn, khiến hai binh sĩ Ukraine bị thương.
Tổng thống Ukraine cùng ngày cũng chỉ trích Nga, cho rằng căng thẳng ở miền Đông Ukraine leo thang là do Moskva cố tình tạo “không khí đe dọa” trước các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn, cũng như ý định của Nga muốn thăm dò phản ứng chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Đối thoại cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Nhật - Hàn
Ngày 2/4, tại Học viện Hải quân ở Annapolis, bang Maryland, các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc thảo luận đa phương đầu tiên kể từ khi chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden nắm quyền điều hành nước Mỹ vào ngày 20/1 vừa qua.
Đây được coi là cơ hội để cả 3 nước tham vấn về một loạt vấn đề khu vực cũng như các ưu tiên chính sách, trong đó có việc duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, đối phó với đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Các nước tham gia JCPOA thông báo nhóm họp trực tiếp
Giới chức các nước P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ cùng Đức), ngoại trừ Mỹ, và Iran sẽ nhóm họp trực tiếp vào tuần tới tại thủ đô Vienna của Áo để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Các quan chức châu Âu và Iran đã đưa ra thông báo trên sau cuộc họp trực tuyến diễn ra vào ngày 2/4 trong nỗ lực làm hồi sinh thỏa thuận trên sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Tại cuộc họp, đại diện các nước P5+1 nói trên (ngoại trừ Mỹ) tham gia JCPOA đã thảo luận về khả năng Mỹ quay trở lại với thỏa thuận và cách thức đảm bảo tất cả các bên thực thi đầy đủ và hiệu quả văn kiện này.
Quốc hội Nhật Bản bắt đầu thảo luận về hiệp định RCEP
Ngày 2/4, Quốc hội Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về việc có thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay không.
Sau khi hiệp định này có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn sẽ giữ nguyên thuế đối với 5 nhóm hàng được cho là nhạy cảm về chính trị ở nước này, gồm gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa, đường, thịt lợn và thịt bò.
Nga hy vọng các quy định hàng hải được tôn trọng
Hãng thông tấn TASS ngày 2/4 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết Nga hy vọng tất cả các quy định về hàng hải "được tuân thủ nghiêm ngặt" trong khu vực xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2". Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh dự án sắp hoàn thành trên đang gặp phải các mối đe dọa về an toàn.
Quốc hội Iraq thông qua ngân sách năm 2021
Ngày 1/4, Quốc hội Iraq đã công bố ngân sách năm 2021, trong đó dự báo về khoản thâm hụt ước tính khoảng 20 tỷ USD trong bối cảnh đang chật vật vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Nga chỉ trích Mỹ đối xử tệ với người nhập cư
Đối xử của Mỹ với người nhập cư tại các trại tập trung dọc biên giới Mexico vi phạm các điều khoản nhân quyền – hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/4, bà Zakharova cho rằng hành động của Washington trước người nhập cư – cụ thể là đối tượng trẻ nhỏ, tại các cơ sở tập trung tạm thời dọc biên giới Mỹ có thể bị xem là vi phạm rõ ràng các điều khoản quốc tế về nhân quyền.
Hàn Quốc bắt đầu đợt bỏ phiếu sớm bầu cử địa phương bổ sung
Trong hai ngày 2 và 3/4, cử tri Hàn Quốc đi bỏ phiếu sớm trong khuôn khổ cuộc bầu cử địa phương bổ sung vào tuần tới để bầu Thị trưởng của hai thành phố lớn nhất nước này là Seoul và Busan.
Tổng cộng có 722 điểm bỏ phiếu sớm trên toàn quốc, thời gian bỏ phiếu từ 6h - 18h cùng ngày. Kết thúc thời gian bỏ phiếu mỗi ngày, Ủy ban quản lý bầu cử trung ương sẽ chuyển phiếu về Ủy ban quản lý bầu cử của từng khu vực. Đại diện của các ứng cử viên tham gia tranh cử sẽ cùng tham gia giám sát quá trình chuyển và bàn giao phiếu này.
Nga đạt thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V tại 10 nước
Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết nước này đã đạt thỏa thuận với 20 nhà sản xuất tại 10 quốc gia để sản xuất vaccine Sputnik V ngừa COVID-19. RDIF là đơn vị phụ trách quảng bá sản phẩm này ra nước ngoài.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech
Ngày 2/4, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech để tiêm chủng cho người dân trong bối cảnh số ca mắc mới đã tăng ở mức cao nhất kể từ đầu dịch.
Đây là loại vaccine thứ hai được nước này sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng triển khai từ giữa tháng 1 vừa qua.
Hong Kong sẽ tiếp tục sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech
Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 1/4 cho biết vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech không có vấn đề gì về chất lượng và chính quyền sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này để tiêm chủng cho người dân vào ngày 5/4 tới.
Bulgaria sẽ nhận được thêm hơn 1,2 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech trong quý II
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov xác nhận nước này sẽ nhận được thêm hơn 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech trong quý II năm nay.
Bulgaria hiện có tốc độ tiêm phòng chậm nhất EU khi mới nhận được 1,26 triệu liều trong tổng số 2,85 triệu liều vaccine được chia sẻ. Thủ tướng Borissov đánh giá đây là thông tin tích cực, phản ánh sự đoàn kết giữa các nước thành viên.
COVID-19 bùng phát, Tổng thống Brazil Bolsonaro có nguy cơ bị luận tội
Khi đại dịch COVID-19 lây lan mạnh ở Brazi, Tổng thống Jair Messias Bolsonaro ngày càng bị cô lập. Giới lãnh đạo quân sự, doanh nghiệp chủ động giữ khoảng cách với Tổng thống. Thậm chí, có đồn đoán cho rằng ông Bolsonaro có thể sẽ bị luận tội.
Madagascar tham gia COVAX
Bộ Y tế Madagascar ngày 1/4 thông báo nước này thành công ký kết tham gia chương trình phân phối vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình sau nhiều tháng trì hoãn do chủ trương của Tổng thống Andry Rajoelina liên quan đến cách thức ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Chuyên gia y tế Nhật Bản quan ngại về tình hình dịch COVID-19 ở Osaka
Nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự lây lan của dịch COVID-19 ở tỉnh Osaka, phía Tây nước này trong bối cảnh sẽ diễn ra lễ rước đuốc Olympic tại tỉnh này vào ngày 14/4.
ADB duyệt khoản cho vay 450 triệu USD giúp Indonesia mua và cung cấp vaccine
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay 450 triệu USD cho Indonesia để giúp nước này mua và cung cấp vaccine ngừa COVID-19 một cách an toàn và hiệu quả.
Theo đó, thông qua Dự án vaccine COVID-19 đáp ứng để phục hồi (RECOVER), ADB sẽ tài trợ để mua ít nhất 65 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nhóm ưu tiên mà Chính phủ Indonesia đã xác định.
Campuchia thực hiện lệnh giới nghiêm tại tỉnh Kampong Speu
Ngày 2/4, tiếp sau thủ đô Phnom Penh, chính quyền tỉnh Kampong Speu đã bắt đầu thực hiện lệnh giới nghiêm ở tỉnh này - từ 20h tới 5h sáng hôm sau - trong vòng 2 tuần (đến ngày 15/4) để phòng ngừa nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng.
Các triệu chứng bệnh COVID-19 có thể tồn tại 3 tháng
Một nghiên cứu của Anh công bố ngày 1/4 cho thấy trung bình cứ 7 người Anh mắc COVID-19 thì gần một người có các triệu chứng của bệnh này dai dẳng trong ít nhất 12 tuần.
Nghiên cứu do Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) thực hiện với sự tham gia của 21.622 người mắc COVID-19 từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021.
Anh bổ sung một số nước vào danh sách cấm nhập cảnh
Để phòng dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Anh ngày 2/4 thông báo sẽ bổ sung các nước Bangladesh, Kenya, Pakistan và Philippines vào "danh sách đỏ", theo đó cấm những người đến từ các nước này nhập cảnh vào Anh trừ trường hợp là công dân Anh hoặc Ireland.
Hàn Quốc tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc duy trì ở mức 500 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp sau khi xuất hiện nhiều ổ lây nhiễm tập thể mới trên quy mô toàn quốc, các quy tắc về giãn cách xã hội đã được thắt chặt ở một số thành phố lớn, bao gồm Busan và Jeonju bắt đầu từ ngày 2/4.
Kênh đào Suez sắp giải tỏa hoàn toàn tình trạng ùn tắc
Trả lời phỏng vấn Kênh Extra News, người đứng đầu SCA Osama Rabie cho biết chỉ còn 61 tàu đang chờ và sẽ đi qua Kênh đào Suez trong ngày 3/4, giảm mạnh so với 422 tàu bị ùn tắc trước đó.
Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) ngày 2/4 thông báo con kênh này sắp được giải phóng hoàn toàn khỏi tình trạng ùn tắc trong vài ngày qua, sau khi tàu cantainer Ever Given được giải cứu hôm 29/3.
Mỹ: Tấn công bằng xe và dao nhằm vào lực lượng cảnh sát Đồi Capitol
Cảnh sát Đồi Capitol xác nhận một chiếc xe đã đâm vào hàng rào phía Bắc của khu vực toà nhà Quốc hội Mỹ khiến một cảnh sát thiệt mạng và một cảnh sát khác bị thương.
Người phát ngôn Lực lượng Vệ binh Quốc gia thủ đô Washington D.C ngày 2/4 cho biết cơ quan chức năng Mỹ đã triển khai một đơn vị phản ứng nhanh, trong đó có các thành viên của lực lượng này, tới khu vực Đồi Capitol để hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát.
Belarus liệt các thủ lĩnh đối lập vào danh sách liên quan đến khủng bố
Ngày 2/4, Ủy ban An ninh Quốc gia Belarus (KGB) đã liệt cựu ứng cử viên tổng thống Svetlana Tikhanovskaya và thành viên đoàn chủ tịch Hội đồng Điều phối của phe đối lập Pavel Latushko là những đối tượng có liên quan đến khủng bố.
Hải quân Mỹ lần đầu tiên có 4 nữ chỉ huy chiến hạm là người da màu
Lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Mỹ, có 4 phụ nữ da màu đảm nhận vị trí chỉ huy chiến hạm cùng một thời điểm.
Tờ Guardian (Anh) cho biết những nữ chỉ huy này bao gồm Kimberly Jones, LaDonna Simpson, Kristel O’Cañas và Kathryn Wijnaldum. Đây được coi là thay đổi mang tính đột phá tại Hải quân Mỹ bởi trước đây, vị trí chỉ huy chiến hạm thường thuộc về nam giới da trắng.
Indonesia bắt giữ nghi can khủng bố tại Đông Java
Ngày 2/4, Biệt đội chống khủng bố (Densus 88) thuộc Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã bắt giữ một nghi can khủng bố tại thành phố Surabaya thuộc tỉnh Đông Java. Kênh truyền hình CNN Indonesia đưa tin, nghi can có tên viết tắt là S, ngụ tại quận Sukomanunggal.
Giám đốc Quan hệ công chúng thuộc Cảnh sát tỉnh Đông Java, Thanh tra cao cấp Gatot Repli Handoko xác nhận hàng chục cảnh sát thuộc Densus 88 đã mở chiến dịch đột kích nhà của nghi can S tại khu vực Sukomanunggal. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, S không có mặt ở nhà và tên này chỉ bị bắt giữ sau đó tại một địa điểm khác.
7 cảnh sát ở Texas bị sa thải sau vụ một người da màu tử vong trong nhà giam
Báo New York Times ngày 2/4 cho biết Cảnh sát trưởng hạt Collin, bang Texas (Mỹ), ông Jim Skinner đã sa thải 7 cảnh sát vốn đang bị đình chỉ công tác sau vụ công dân da màu Marvin D. Scott III tử vong trong trại giam.
Công dân Scott, 26 tuổi, bị bắt giữ sau khi gây rối tại một cửa hàng ngày 14/3, đã tử vong vào đêm cùng ngày sau khi bị giam giữ và bị xịt hơi cay lúc được bàn giao cho trại giam của hạt Collin. Báo trên cũng cho biết thêm Scott đã bị trùm đầu bằng một chiếc mũ kín.
Trung Quốc gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân vụ tai nạn tàu hỏa
Ngày 2/4, Chính phủ Trung Quốc đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn tàu hỏa tại vùng lãnh thổ Đài Loan. Trong tuyên bố, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang cho biết Trung Quốc đại lục đang rất quan tâm đến công tác cứu hộ các nạn nhân.
Lại cháy trại tị nạn ở Bangladesh, ít nhất 3 người thiệt mạng
Ngày 2/4 lại xảy ra vụ cháy tại trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh, làm ít nhất 3 người thiệt mạng. Vụ việc xảy ra chưa đầy hai tuần sau vụ cháy kinh hoàng làm ít nhất 15 người Rohingya thiệt mạng và gần 50.000 người bị mất nơi cư trú.
Total đóng cửa mỏ khí đốt sau vụ tấn công ở Đông Bắc Mozambique
Tập đoàn Total (Pháp) đã sơ tán hoàn toàn nhân viên và tạm dừng hoạt động đối với một dự án khí đốt trị giá hàng tỷ euro ở Đông Bắc Mozambique, sau khi xảy ra cuộc tấn công "thánh chiến" ở Palma vào tuần trước.
Thị trường việc làm tại Mỹ sôi động trở lại
Đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc trong tháng 3 vừa qua, thể hiện qua số việc làm tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp hoạt động trở lại và chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh.
Báo cáo công bố ngày 2/4 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này khôi phục được 916.000 việc làm trong tháng vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, với gần 30% số này là trong lĩnh vực du lịch, giải trí và nhà hàng, khách sạn. Số việc làm tăng đã kéo tỷ lệ thất nghiệp từ mức 6,2% trong tháng 2 xuống 6%.
Thái Lan có thể đứng đầu thế giới về sầu riêng trong 5 năm nữa
Thái Lan đang trên đà trở thành nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về sự cạnh tranh của các nước láng giềng xuất khẩu loại trái cây vua này.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế thuộc Đại học Thương mại Thái Lan Aat Pisanwanich cho biết với việc gia tăng diện tích trồng sầu riêng trong nước trong thập niên qua tăng 30%, sản lượng sầu riêng của Thái Lan được dự đoán sẽ tăng 83% từ năm 2021-2025.