Tin vắn thế giới ngày 2/4: Mỹ chuẩn bị viện trợ 125 triệu USD cho Palestine

Bạch Dương| 02/04/2021 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỹ chuẩn bị viện trợ 125 triệu USD cho Palestine; Iran bổ sung các máy ly tâm tiên tiến để làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân ngầm tại Natanz; Tổng thống Đức được tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Mỹ chuẩn bị viện trợ 125 triệu USD cho Palestine

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Ngoại giao của nước này vừa gửi thông báo lên Quốc hội về kế hoạch sẽ viện trợ 125 triệu USD cho người dân Palestine.

Nguồn tin Quốc hội cho biết số tiền này phần lớn được trích từ ngân sách năm 2020, bao gồm 75 triệu USD giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản và thực thi các chương trình gắn kết xã hội ở Bờ Tây và Gaza; 10 triệu USD hỗ trợ các hoạt động hòa giải và 40 triệu USD dành cho các chương trình hợp tác an ninh, đặc biệt là việc kiểm soát buôn bán ma tuý và đảm bảo tuân thủ pháp luật ở Bờ Tây.

ho-tro-palestine.jpg
Ảnh minh họa

Iran bổ sung các máy ly tâm tiên tiến để làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân ngầm tại Natanz

Ngày 1/4, hãng tin Reuters (Anh) dẫn báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã bắt đầu làm giàu urani với tổ máy máy thứ tư gồm 174 máy ly tâm IR-2m tiên tiến tại nhà máy làm giàu nhiên liệu dưới mặt đất (FEP) ở Natanz.

Theo báo cáo được gửi đến các nước thành viên IAEA, tính đến ngày 31/3/2021, cơ quan này xác nhận Iran đã sử dụng 5.060 máy ly tâm IR-1 lắp đặt trong 30 tổ máy, 696 máy ly tâm IR-2m lắp đặt trong 4 tổ máy và 174 máy ly tâm IR-4 lắp đặt trong một tổ máy để làm giàu UF6 tự nhiên lên 5% U-235 tại FEP.

Đề cao đối thoại, hòa giải vì người dân trong tìm kiếm giải pháp tại Myanmar

Ngày 1/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp thảo luận về tình hình Myanmar bằng hình thức trực tuyến. Đây là cuộc họp lần thứ ba của HĐBA LHQ về chủ đề này trong hơn một tháng qua.

Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener thông tin về tình hình tại Myanmar thời gian qua, đồng thời bày tỏ lo ngại diễn biến tiếp tục xấu hơn và kêu gọi HĐBA xem xét có hành động tập thể để tránh tiếp tục đổ máu. Tại đây, Việt Nam đề cao đối thoại, hoà giải, hợp tác và xây dựng lòng tin, với trọng tâm vì người dân, trong tìm kiếm giải pháp tại Myanmar.

Thủ tướng Anh khẳng định cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 1/4 cho biết báo cáo đánh giá tình trạng bất bình đẳng chủng tộc do chính phủ ủy quyền thực hiện cho thấy kết quả đáng khích lệ, song cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề nhức

Nhà lãnh đạo Anh đưa ra tuyên bố trên sau khi Ủy ban về chủng tộc và chênh lệch sắc tộc ở Anh ngày 31/3 công bố báo cáo cho biết các yếu tố như địa lý, gia đình và kinh tế-xã hội đóng vai trò quan trọng đối với cơ hội sống của người dân hơn là so với chủng tộc. Báo cáo cũng đưa ra kết luận rằng không còn tình trạng phân biệt chủng tộc tại các cơ quan và tổ chức tại Anh.

Tổng thống Đức được tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên

Thông báo của Văn phòng Tổng thống Liên bang cho biết Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã được tiêm mũi vaccine của AstraZeneca đầu tiên tại bệnh viện quân đội ở Berlin sáng 1/4.

Sau khi tiêm, ông Steinmeier đã đưa ra lời kêu gọi mọi người dân thực hiện tiêm chủng với vaccine này, khẳng định ông "hoàn toàn tin tưởng các loại vaccine đã được phê duyệt ở Đức". Ông nhấn mạnh việc tiêm vaccine là bước quyết định trên con đường thoát khỏi đại dịch và kêu gọi mọi người hãy cùng tham gia.

vaccine31321astra-doi-ten.jpg
Tổng thống Đức được tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên

Tổng thống Slovakia bổ nhiệm thủ tướng mới

Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova ngày 1/4 đã bổ nhiệm ông Eduard Heger làm thủ tướng mới, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 1 tháng qua ở nước này.

WHO chỉ trích tiến độ tiêm chủng chậm chạp ở châu Âu

Ngày 1/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ trích tiến độ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở châu Âu là "chậm đến mức không thể chấp nhận" và khiến đại dịch COVID-19 kéo dài trong bối cảnh số ca mắc ở khu vực đang gia tăng đáng lo ngại.

Nga đăng ký thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 dựa trên huyết tương bệnh nhân

Theo đó, Bộ Y tế Nga đã phê duyệt việc sử dụng globulin miễn dịch đặc biệt để điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. ‘COVID-globulin’ này đã trở thành thuốc được đăng ký đầu tiên trên thế giới chống COVID-19.

Loại thuốc này do công ty cổ phần Natsimbio trực thuộc Tập đoàn Rostec điều chế dựa trên huyết tương của người dân mắc bệnh. Để tạo ra chế phẩm này, cần 2,5 tấn vật liệu sinh học.

Vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hiệu quả hơn 91%, có thể ngăn ngừa biến thể ở Nam Phi

Ngày 1/4, các công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức khẳng định vaccine do hai hãng phối hợp bào chế đã chứng tỏ hiệu quả khoảng 91% trong việc phòng chống virus SARS-CoV-2.

Vaccine của Pfizer/BioNTech tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh ở nhóm người trên 80 tuổi

Số liệu công bố ngày 1/4 tại Anh cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của các công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh ở hơn 98% số người 80 tuổi và 96 tuổi được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.

Kết quả một nghiên cứu đối với 100 người cao tuổi ở Anh cũng cho thấy những người từng mắc COVID-19 có phản ứng sinh ra kháng thể ở mức cao nhất chỉ sau một mũi vaccine Pfizer/BioNTech và hiệu quả này vẫn duy trì sau mũi thứ hai.

Mỹ cấp phép sử dụng bộ xét nghiệm nhanh tại nhà của hãng Abbott

Ngày 1/4, Abbott Laboratories - công ty chuyên cung cấp dịch vụ y tế và các thiết bị chăm sóc sức khỏe đa quốc gia của Mỹ - cho biết các cơ quan quản lý của Mỹ đã cấp phép sử dụng bộ xét nghiệm kháng thể nhanh tại nhà dùng cho những người không có triệu chứng mà không cần chỉ định của bác sĩ.

Malaysia phát hiện nhiều ca nhiễm biến thể ở Nam Phi

Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á khi Malaysia phát hiện nhiều ca mắc liên quan biến thể mới ở Nam Phi, trong khi Indonesia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.

Giới chuyên gia lo ngại rằng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Nam Phi có thể kháng lại các loại vaccine và liệu pháp điều trị hiện nay, mặc dù hai nhà sản xuất Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) khẳng định vaccine của họ cho thấy hiệu quả ngăn ngừa biến thể này.

Chiến dịch tiêm chủng ở châu Phi bị ảnh hưởng do Ấn Độ tạm dừng bàn giao vaccine

Ngày 1/4, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cảnh báo việc Ấn Độ tạm hoãn bàn giao vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho cơ chế phân phối vaccine COVAX sẽ làm ảnh hưởng đến các kế hoạch tiêm chủng ở khu vực và có thể để lại tác động nghiêm trọng nếu tình trạng này kéo dài.

Nhật Bản áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 5/4

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại 3 địa phương là Osaka, Hyogo và Miyagi.

Quyết định trên được công bố vào cuối ngày 1/4, sau cuộc họp tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản dưới sự chủ trì của Thủ tướng Yoshihide Suga cùng Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Norihisa Tamura. Theo đó, 3 địa phương nói trên sẽ triển khai các biện pháp trọng điểm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 5/4.

Hong Kong (Trung Quốc) cho phép người dân trở về từ Anh

Ngày 1/4, Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết người dân vùng lãnh thổ này sẽ được phép trở về từ Anh trên các chuyến bay được chỉ định vào cuối tháng này trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Anh có những dấu hiệu thuyên giảm.

Bangladesh cấm nhập cảnh đối với du khách châu Âu và 12 nước khác

Ngày 1/4, Bangladesh thông báo áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với các hành khách đến từ các quốc gia châu Âu (trừ Anh) và 12 nước khác trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng cao kỷ lục.

Theo lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/4, các hành khách đến từ châu Âu (trừ Anh) và 12 nước ngoài châu Âu gồm Argentina, Bahrain, Brazil, Chile, Jordan, Kuwait, Liban, Peru, Qatar, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay sẽ không được nhập cảnh vào nước này. Cơ quan Hàng không Dân dụng Bangladesh cho biết lệnh cấm này sẽ có hiệu lực đến ngày 18/4.

Tổng thống Indonesia chỉ thị lực lượng an ninh đề cao cảnh giác

Ngày 1/4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu Cảnh sát trưởng Quốc gia - Tướng Listyo Sigit Prabowo, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indoensia (TNI) - Nguyên soái Hadi Tjahjanto và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nhà nước (BIN) Budi Gunawan tăng cường cảnh giác sau các vụ khủng bố gần đây.

Bắt đầu từ ngày 1/4, Indonesia đã huy động hàng chục nghìn cảnh sát và binh sĩ bảo vệ an ninh các cơ sở tôn giáo trên khắp cả nước trong suốt các ngày lễ quan trọng của người Công giáo.

Indonesia bắt giữ thêm 3 nghi can trong vụ đánh bom nhà thờ

Biệt đội chống khủng bố (Densus 88) thuộc Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã bắt giữ thêm 3 nghi can khủng bố với cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom liều chết tại một nhà thờ Công giáo tại thành phố Makassar, tỉnh Nam Sulawesi, ngày 28/3 vừa qua.

Mỹ, Arab Saudi kêu gọi đảm bảo giá năng lượng hợp lý cho người tiêu dùng

Ngày 1/4, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã điện đàm với người đồng cấp Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, trong đó nhấn mạnh cần phải đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng.

Eurozone: Hoạt động chế tạo tăng nhanh nhất trong gần 24 năm

Hoạt động chế tạo tháng 3/2021 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 24 năm, tuy nhiên tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và các biện pháp phong tỏa mới được tái áp đặt có thể sớm hạn chế đà tăng này.

Italy thông qua sắc lệnh mới bảo vệ đầm phá Venice nổi tiếng

Tối 31/3, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới nhằm bảo vệ đầm phá Venice, một vịnh kín của biển Adriatic, ở miền Bắc nước này, trong đó có thành phố cổ kính Venice.

Theo đó, những du thuyền lớn và tàu chở côngtennơ không được đi qua gần trung tâm lịch sử của thành phố Venice mà thay vào đó là đậu ở một địa điểm khác nhằm bảo tồn đầm phá nổi tiếng này.

Nam Sudan tiếp nhận hỗ trợ khẩn cấp 174 triệu USD từ IMF

Ngày 1/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Sudan, ông Dier Tong Ngor, cho biết nước này đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phê duyệt khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 174 triệu USD để khắc phục hậu quả của lũ lụt và khôi phục kinh tế bị ảnh hưởng do giá dầu suy giảm.

Trung Quốc chuẩn bị cho Olympic mùa đông 2022 bất chấp bị kêu gọi tẩy chay

Ngày 1/4, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt sự kiện thử nghiệm cho Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 cho dù bị một số nước kêu gọi tẩy chay sự kiện này.

Nhà tổ chức dự kiến thực hiện 10 ngày thử nghiệm tại 5 địa điểm dành cho các môn khúc côn cầu, trượt băng tốc độ, trượt băng nghệ thuật và bi đá trên băng thuộc khuôn khổ Olympic mùa đông cùng Paralympic mùa đông. Tất cả các vận động viên tham gia thử nghiệm là người Trung Quốc. Các biện pháp phòng ngừa COVID-19 được áp dụng lần này bao gồm lắp tấm chắn nhựa để tách vận động viên khỏi truyền thông ở khu vực đặc biệt trên sân dành cho phỏng vấn.

Công ty thanh toán trực tuyến MobiKwik (Ấn Độ) bị cáo buộc gây rò rỉ dữ liệu người dùng

Ngày 1/4, một nguồn thạo tin cho biết Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã yêu cầu công ty thanh toán trực tuyến MobiKwik điều tra các cáo buộc dữ liệu của 110 triệu người dùng dịch vụ này bị xâm phạm, đồng thời cảnh báo công ty này sẽ lĩnh án phạt nếu bị phát hiện sai phạm.

Boeing lo ngại bị bật khỏi thị trường Trung Quốc

Hãng sản xuất máy bay Boeing Co ngày 31/3 hối thúc Mỹ tách bạch giữa vấn đề nhân quyền cũng như các bất đồng khác và các quan hệ thương mại với Trung Quốc, và cảnh báo hãng đối thủ Airbus của châu Âu sẽ thắng nếu nhà sản xuất của Mỹ bị bật khỏi Trung Quốc.

Pakistan hủy kế hoạch nối lại nhập khẩu đường, bông và lúa mì từ Ấn Độ

Chính phủ Pakistan ngày 1/4 đã đảo ngược kế hoạch cho phép nối lại nhập khẩu hạn chế đối với đường, bông và lúa mì từ Ấn Độ, do vấp phải phản ứng chính trị dữ dội trong nước đối với kế hoạch này.

Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rashid Ahmed cho biết quyết định về việc nối lại nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ đã bị "đình lại" cho đến khi New Delhi thay đổi lập trường hiện nay đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa hai nước.

Rơi trực thăng quân sự ở miền Nam Afghanistan

Ngày 1/4, các quan chức cho biết ít nhất 3 nhân viên an ninh Afghanistan đã thiệt mạng khi một trực thăng quân sự rơi ở miền Nam nước này.

Bộ Quốc phòng Afghanistan thông báo vụ việc xảy ra vào tối 31/3 tại tỉnh Helmand khi trực thăng này hạ cánh khẩn cấp. Hai cảnh sát và một binh sĩ thiệt mạng, trong khi ít nhất 4 nhân viên an ninh bị thương trong vụ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 2/4: Mỹ chuẩn bị viện trợ 125 triệu USD cho Palestine