Tin vắn thế giới ngày 27/1: Nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden có tân Ngoại trưởng

Bạch Dương| 27/01/2021 07:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thượng viện Mỹ phê chuẩn ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng; Hàn Quốc thận trọng trước nguy cơ ổ dịch 'Tân Thiên Địa' thứ hai; Bộ trưởng Quốc phòng Colombia qua đời vì COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Thượng viện Mỹ phê chuẩn ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng

Ngày 26/1 (rạng sáng 27/1 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu phê chuẩn đề của tân Tổng thống Joe Biden chọn ông Antony Blinken giữ cương vị Ngoại trưởng nước này. Với 67 phiếu thuận và 17 phiếu chống, ông Blinken trở thành thành viên nội các thứ 4 của chính quyền mới được Thượng viện chấp thuận.

antony-blinken.jpg
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: CNN

Bốn nước khởi động cuộc tuần tra chung thứ 101 trên sông Mekong

Nhân viên thực thi pháp luật của Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan đã tham gia cuộc tuần tra chung lần thứ 101 trên sông Mekong để bảo vệ tuyến đường thủy này khỏi các hoạt động tội phạm.

Tân Hoa xã ngày 26/1 cho biết, theo Sở Công an tỉnh Vân Nam, trong cuộc tuần tra kéo dài 4 ngày và 3 đêm này, các tàu thuộc 4 nước nêu trên sẽ tiến hành hoạt động tuần tra trên hành trình hơn 600km.

Mỹ sẽ nối lại quan hệ với Palestine, ủng hộ giải pháp hai nhà nước

Ngày 26/1, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Richard Mills khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ nối lại quan hệ với Palestine, vốn bị đóng băng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Iran cảnh báo dừng hoạt động thanh sát hạt nhân của IAEA

Iran tuyên bố sẽ dừng cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hoạt động thanh sát nếu các bên tham gia JCPOA không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận.

Ngày 25/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố Iran sẽ ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc cho phép thanh sát các cơ sở hạt nhân của Tehran, nếu các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) không thực hiện đầy đủ các cam kết.

Mỹ khẳng định sẽ thực hiện các cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu

Ngày 25/1, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ sẽ thực hiện các cam kết tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Thích ứng khí hậu diễn ra theo hình thức trực tuyến do Hà Lan chủ trì, ông Kerry cho biết Mỹ "tự hào trở lại" các cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu toàn cầu, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Indonesia nghi ngờ tàu chở dầu của Iran vi phạm luật pháp quốc tế

Theo Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 26/1, Cơ quan an ninh hàng hải (Bakamla) cho biết việc bắt giữ hai tàu chở dầu MT Horse treo cờ Iran và tàu MT Freya treo cờ Panama là vì nghi ngờ 2 tàu này vi phạm luật pháp quốc tế.

Tổng thống Italy chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng

Trưa 26/1, Phủ Tổng thống Italy thông báo Tổng thống Sergio Mattarella đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Giuseppe Conte, đồng thời yêu cầu chính phủ tiếp tục tại vị để xử lý các công việc hiện nay.

Hàn Quốc thận trọng trước nguy cơ ổ dịch 'Tân Thiên Địa' thứ hai; chuyên gia cảnh báo Israel chưa sớm thoát dịch

Dù số ca mắc mới COVID-19 có dấu hiệu giảm tại Hàn Quốc và Israel, nhưng giới chức và chuyên gia các nước này tỏ ra thận trọng về nguy cơ bùng phát những ổ dịch mới cùng biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh khiến diễn biến dịch bệnh trở nên khó lường.

han-quoc-dich.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/12/2020. Ảnh: Yonhap

Các nhà sản xuất vaccine gấp rút đổi kế hoạch ứng phó biến thể virus SARS-CoV-2

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 ngày càng đột biến với tốc độ nhanh chóng và lan rộng ra toàn cầu, hai nhà sản xuất vaccine lớn trên thế giới tuyên bố vaccine ngừa COVID-19 của họ tuy vẫn hiệu quả song khả năng bảo vệ vẫn có phần suy giảm trước một biến thể mới và họ cần xem xét lại kế hoạch nhằm ứng phó với các chủng mới này. Điều đó cho thấy, virus SARS-CoV-2 đang biến đổi nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ và chúng có thể tiếp tục phát triển đến mức tránh né được các loại vaccine hiện hành.

WHO ban hành hướng dẫn điều trị COVID-19 mới

Ngày 26/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành hướng dẫn lâm sàng mới trong điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, bao gồm cả những bệnh nhân vẫn xuất hiện những triệu chứng dai dẳng sau khi phục hồi.

Phát biểu tại cuộc họp báo của LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO Margaret Harris cho biết hướng dẫn mới cũng bao gồm những thông tin mới cập nhật như các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà cũng nên được chỉ định dùng thiết bị đo nồng độ oxy để phát hiện kịp thời phát hiện những bất thường trong điều trị tại nhà và tránh nguy cơ phải nhập viện.

Australia chưa xem xét hộ chiếu tiêm chủng đối với sinh viên quốc tế

Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định còn quá sớm để xem xét hộ chiếu tiêm chủng cho sinh viên nước ngoài trong năm nay. Chính phủ của ông vẫn ưu tiên hồi hương những người Australia còn bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Colombia: Bộ trưởng Quốc phòng qua đời vì COVID-19

Chính phủ Colombia thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Carlos Holmes Trujillo đã qua đời sau khi mắc COVID-19. Ông Trujillo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi đầu tháng này trước khi được đưa vào khoa điều trị tích cực.

Malaysia ký hợp đồng mua 18,4 triệu liều vaccine COVID-19

Bộ Y tế Malaysia ngày 26/1 đã ký thỏa thuận với 2 nhà cung cấp Pharmaniaga Lifescience Sdn Bhd và Doupharma Sdn Bhd để mua 18,4 triệu liều vaccine ngừa bệnh COVID-19.

Mỹ mua thêm 200 triệu liều vaccine, mục tiêu mùa Hè đạt miễn dịch cộng đồng

Tổng thống Joe Biden ngày 26/1 thông báo Mỹ đang mua thêm 200 triệu liều vaccine COVID của Moderna và Pfizer và hy vọng sẽ có hàng trong mùa Hè năm nay. Đây là một phần trong gói giải pháp nhằm tăng tốc và tăng nguồn cung vaccine tại Mỹ.

Quyết định mua thêm đồng nghĩa tăng 50% đơn hàng, từ 400 triệu liều vaccine lên 600 triệu liều. Hiện tại Pfizer và Moderna đang tăng cường sản xuất. Ông Biden nhấn mạnh với nguồn vaccine mua thêm, Mỹ sẽ đủ vaccine tiêm phòng cho 300 triệu người vào cuối mùa Hè hoặc đầu Thu.

Nga sản xuất quy mô lớn vaccine thứ hai

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo trong tháng 2 tới, Nga sẽ bắt đầu sản xuất quy mô lớn vaccine EpiVacCorona.

Ông Mishustin lưu ý vaccine thứ hai này đã bắt đầu được tiêm cho người dân. Chính phủ liên bang đã phân bổ 2 tỷ ruble để sản xuất loại vaccine này.

Trung Quốc phải mất 2 tháng để nâng cấp vaccine ứng phó được với biến thể mới

Một chuyên gia của Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết nếu cần nâng cấp các vaccine do nước này bào chế ngừa COVID-19 để ứng phó được với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, việc nâng cấp có thể hoàn tất trong khoảng 2 tháng.

Italy, Ba Lan chỉ trích Pfizer chậm cung ứng vaccine COVID-19

Ngày 25/1, Chính phủ Italy đã gửi thư thông báo chính thức tới hãng dược Pfizer (Mỹ), kêu gọi hãng này tôn trọng cam kết cung ứng vaccine COVID-19 theo hợp đồng.

111820-vaccine-pfizer.jpg
Pfizer bị chỉ trích chậm cung ứng vaccine COVID-19

Anh cảnh báo nguồn cung vaccine khan hiếm hơn

Bộ trưởng Phát triển vaccine của Anh - ông Nadhim Zahawi cảnh báo nguồn cung đang ngày càng khan hiếm hơn, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các hãng dược phẩm Pfizer, AstraZeneca và Moderna sẽ thực hiện cam kết cung ứng. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ủng hộ đề xuất EU áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế lượng vaccine xuất khẩu ra ngoài khối. Ông Spahn nhấn mạnh: "Đây không phải là chính sách EU trước tiên mà là sự chia sẻ công bằng của EU".

Hy Lạp cấm tất cả các cuộc tụ tập trên 100 người

Hy Lạp đã thông báo lệnh "cấm tất cả các cuộc tụ tập ở nơi công cộng trên 100 người cho đến hết ngày 1/2", do những đám đông biểu tình có thể tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện Hy Lạp vẫn đang trong giai đoạn thực hiện biện pháp phong tỏa quốc gia nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm dịch bệnh. Lệnh phong tỏa trên đã được nới lỏng từ ngày 18/1, theo đó chỉ cho phép các cửa hàng bán lẻ hoạt động và các trường phổ thông được phép mở cửa trở lại từ ngày 1/2.

Litva yêu cầu "hộ chiếu COVID"

Những người từ khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến Litva phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành, đồng thời thực hiện tự cách ly 14 ngày ngay khi đến nước này. Quy định này có hiệu lực từ ngày 25/1.

Riêng những người đến từ các khu vực có tốc độ lây lan nhanh chóng biến thể mới của virus SARS-CoV-2, gồm Ireland, Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Brazil, Israel và Nam Phi, phải thực hiện quy định cách ly riêng. Họ không được phép rời khỏi nơi cách ly ngoại trừ lý do sức khỏe và cần hỗ trợ y tế khẩn cấp, đi đến cơ sở y tế hoặc điểm xét nghiệm lưu động.

Philippines phát hiện biến thể mới trong cộng đồng

Giới chức Philippines xác nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh đã khiến Tổng thống Rodrigo Duterte hủy bỏ kế hoạch cho phép nhóm đối tượng vị thành niên được phép ra khỏi nhà, song song với việc cấm du lịch nội địa và cấm trẻ em ra khỏi nhà.

New Zealand tiếp tục đóng cửa biên giới

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố nước này sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới cho đến khi toàn bộ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và phần còn lại của thế giới trở lại mức độ bình thường nhất định. Theo bà Ardern, chính phủ sẽ dành ưu tiên “bong bóng đi lại”, một chương trình kích cầu du lịch với Australia và các quốc đảo Thái Bình Dư

Ireland gia hạn lệnh đóng cửa nền kinh tế

Ireland dự kiến gia hạn lệnh đóng cửa nền kinh tế đến ngày 5/3 tới và sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế tương tự như đã từng làm trong đợt phong tỏa đầu tiên hồi năm ngoái nếu có thể vượt qua đại địch COVID-19 một lần nữa.

Nội các Ireland hiện thắt chặt lệnh hạn chế đi lại, theo đó cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Brazil và Nam Phi, những nơi đã phát hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2. Ireland cũng sẽ lần đầu tiên áp dụng quy định cách ly bắt buộc tại khách sạn đối với bất kỳ ai đến từ hai quốc gia này, cũng như tất cả những hành khách nhập cảnh nói chung mà không xuất trình được giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

EU đặt niềm tin và hy vọng vào trữ lượng đất hiếm tại Nauy

Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng rằng trữ lượng đất hiếm mới phát hiện ở Nauy có thể tạo điều kiện để khối giảm phụ thuộc vào nhập khẩu khoáng sản này từ Trung Quốc, Nga. Theo kế hoạch ngày 27/1, Tổng thống Mattarella sẽ tiến hành tham vấn với các chính đảng để đánh giá tình hình và ra quyết định của mình, chẳng hạn như có thể chỉ định một nhân vật mới để thay thế ông Conte.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 27/1: Nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden có tân Ngoại trưởng