Trung Quốc công bố tài liệu Sáng kiến An ninh toàn cầu; Mỹ lên kế hoạch siết chặt dòng người di cư; Nga, Ukraine cùng trưng bày vũ khí tại một triển lãm quốc phòng quốc tế… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Trung Quốc công bố tài liệu Sáng kiến An ninh toàn cầu
Theo Tân Hoa xã, ngày 21/2, Trung Quốc đã chính thức công bố "Tài liệu Khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu" tại Diễn đàn Lanting về Sáng kiến An ninh toàn cầu tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh và ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. GSI thể hiện các nguyên lý cốt lõi trong tầm nhìn về một cộng đồng chung vận mệnh.
Trung Quốc đã chính thức công bố "Tài liệu Khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu" tại Diễn đàn Lanting về Sáng kiến An ninh toàn cầu tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh
Mỹ khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine
Một ngày sau chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Ba Lan. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Biden nêu rõ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện nay mạnh hơn bao giờ hết, đồng thời khẳng định sự ủng hộ "không lay chuyển" của Mỹ đối với Ukraine. Ông cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Ba Lan đối với nước láng giềng Ukraine.
Mỹ lên kế hoạch siết chặt dòng người di cư
Ngày 21/2, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một kế hoạch mới hạn chế những người xin tị nạn, nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư đổ xô tới khu vực biên giới phía Nam sau khi những hạn chế liên quan đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Các quy định mới buộc những người di cư đến Mỹ phải nộp đơn xin tị nạn trực tuyến thông qua ứng dụng CBP One của chính phủ và đặt lịch hẹn gặp nhà chức trách Mỹ, hoặc xin tị nạn trước ở quốc gia mà họ đi qua trên đường tới biên giới Mỹ. Những người không trải qua quy trình này và vẫn vượt qua biên giới, sẽ bị coi là không đủ điều kiện xin tị nạn.
ASEAN, Australia và New Zealand hoàn tất đàm phán nâng cấp hiệp định FTA
Cuộc họp thứ 20 Ủy ban hỗn hợp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZ-FJC) và các cuộc họp liên quan được tổ chức trực tiếp và trực tuyến từ ngày 14-17/2 tại Bandung, tỉnh Tây Java của Indonesia, đã hoàn tất toàn bộ nội dung đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA.
Bà Dina Kurniasari, Vụ trưởng Đàm phán ASEAN thuộc Bộ Thương mại Indonesia kiêm Chủ tịch FJC Indonesia cho biết hiệp định được nâng cấp tạo thuận lợi hơn cho giới kinh doanh trong việc khai thác thị trường ASEAN, Australia và New Zealand so với hiệp định hiện nay. Thỏa thuận mới cũng được thiết kế để phản ứng nhanh hơn, thích ứng hơn và linh hoạt hơn trước các tình huống khẩn cấp như các đại dịch hoặc thiên tai trong tương lai.
Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ hơn về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO
Thổ Nhĩ Kỳ đã có lập trường hòa giải hơn đối với đơn gia nhập NATO của Thụy Điển sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Mevlüt Cavusoglu thảo luận về khả năng mua máy bay F-16 của Mỹ hôm 20/2. “Nhiều cuộc họp sẽ được tổ chức với Thụy Điển và Phần Lan về tư cách thành viên NATO”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.
Nga, Ukraine cùng trưng bày vũ khí tại một triển lãm quốc phòng quốc tế
Trong một bối cảnh hiếm hoi, lần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, cả hai công ty Nga và Ukraine đều trưng bày vũ khí của họ gần nhau tại triển lãm quốc phòng Quốc tế (IDEX) đang diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Gian hàng riêng biệt của Nga có 7 nhà sản xuất khác nhau, mỗi nhà trưng bày một loạt các sản phẩm quân sự. Trong số này có loại đạn tuần kích Zala KYB biến thể xuất khẩu, được sản xuất bởi Tập đoàn Zala, một nhánh của Tập đoàn Kalashnikov. Đây là lần đầu tiên vũ khí này được trưng bày tại triển lãm.
Các hệ thống vũ khí tuần kích (như máy bay không người lái "kamikaze") được trưng bày tại gian hàng Nga trong Triển lãm Quốc phòng Quốc tế (IDEX) ở Abu Dhabi vào ngày 20/2/2023. Ảnh: Getty Images
Quốc gia vùng Baltic kêu gọi phương Tây vượt 'lằn ranh đỏ' về vấn đề Ukraine
Tổng thống Lithuania (Litva) Gitanas Nauseda cho biết các quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine nên từ bỏ mọi giới hạn về viện trợ quân sự và nhanh chóng cung cấp vũ khí cần thiết cho Kiev trong cuộc xung đột với Moscow.
Tổng thống Lithuania cho biết thông điệp của ông với phương Tây là: “Không để lãng phí thời gian. Hãy quyết đoán, đoàn kết và đưa ra quyết định càng nhanh càng tốt về việc chuyển giao vũ khí cho chính quyền Kiev”.
Quốc hội Israel bước đầu thông qua dự luật cải cách tư pháp
Ngày 21/2, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu tán thành kế hoạch cải cách tư pháp đang gây tranh cãi của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Trong phiên xem xét đầu tiên, có 2 dự luật đầu tiên trong cải cách tư pháp đã được thông qua với 63 phiếu ủng hộ, 47 phiếu chống trong tổng số 120 nghị sĩ trong Quốc hội.
Dự luật thứ nhất sẽ thay đổi thành phần ủy ban bổ nhiệm thẩm phán gồm 9 thành viên, hạn chế tầm ảnh hưởng của các chuyên gia pháp lý, tăng quyền hạn của chính phủ trong việc lựa chọn thẩm phán. Dự luật còn lại sẽ không cho phép Tòa án Tối cao ra phán quyết bác những luật cơ bản mà Quốc hội thông qua, kể cả khi những luật này vi hiến. Quốc hội cũng có quyền bác các quyết định của Tòa án Tối cao chỉ với 61 trên tổng số 120 phiếu của Quốc hội Israel.
Bulgaria từ bỏ mục tiêu gia nhập khu vực Eurozone vào năm 2024
Bulgaria sẽ không gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào ngày 1/1/2024, một mục tiêu mà nước này đã công bố ba năm trước, thay vào đó đặt ra một mốc thời gian mới đúng một năm sau đó.
Bộ trưởng Tài chính Rositsa Velkova cho biết Bulgaria dự kiến sẽ nêu vấn đề này tại một cuộc họp của EU vào ngày 13/2 nhưng đã không được đưa ra mặc dù mục này đã có trong chương trình nghị sự. Lời giải thích chính thức là Bulgaria đang tụt lại trong việc thông qua luật cần thiết và không đáp ứng các tiêu chí về lạm phát.
Thêm nhiều thương vong trong trận động đất mới ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Chiều 21/2 (theo giờ Việt Nam), kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin 6 người đã thiệt mạng và gần 300 người bị thương trong trận động đất mới làm rung chuyển khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 20/2 (giờ địa phương).
Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải châu Âu (EMSC) cho biết trận động đất mới nói trên có độ lớn 6,4, với tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, gần thành phố Antakya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Syria, Ai Cập và Liban cũng cảm nhận được rung lắc do động đất.
Bão nhiệt đới Freddy có thể ảnh hưởng đến 70.000 người ở Mozambique
Cơ quan quản lý và giảm nhẹ thiên tai quốc gia Mozambique (INGD) cho biết cơn bão nhiệt đới Freddy có thể đổ bộ bờ biển Mozambique trong ngày 22/2.
Theo Cơ quan khí tượng quốc gia Mozambique, bão Freddy đang di chuyển về phía Đông Madagascar và tâm bão sẽ đến khu vực lục địa của quốc đảo này vào cuối ngày 21/2. Cơn bão này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 70.000 người ở các tỉnh gồm Zambezia, Sofala miền Trung Mozambique và tỉnh Inhambane miền Nam, với mưa và gió mạnh kèm theo giông bão nghiêm trọng.
Mỹ: Va chạm giữa tàu hỏa và ô tô tại Los Angeles khiến 2 người thiệt mạng
Giới chức Mỹ cho biết ngày 20/2, đã có 2 người thiệt mạng và 3 người bị thương sau khi tàu hỏa của tuyến Metro Line đâm trúng một ô tô tại Los Angeles, bang California.
Theo Sở Cứu hỏa Los Angeles, vụ va chạm xảy ra tại khu vực Central-Alameda vào tối 20/2, khiến 2 người trên xe tử vong tại chỗ. Ba người bị thương trong ô tô đã được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng ổn định, trong khi toàn bộ 125 hành khách trên tàu đã được sơ tán khỏi hiện trường an toàn.