Tin vắn thế giới ngày 15/12: Trên 3.500 người Mỹ tử vong vì các nguyên nhân liên quan COVID-19 kéo dài

Bạch Dương| 15/12/2022 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Peru ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc; EU huy động thêm 20 tỷ euro cho kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga; Trên 3.500 người Mỹ tử vong vì các nguyên nhân liên quan COVID-19 kéo dài; Trên 10.000 người nhập cư bất hợp pháp phải rời khỏi Hàn Quốc… là tint tức thế giới đáng chú ý.

Peru ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc

Chính phủ Peru ngày 14/12 đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 30 ngày, đồng nghĩa với việc đình chỉ các quyền hội họp, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và quyền tự do đi lại, cùng nhiều quyền khác.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Alberto Otárola nhấn mạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp là một phản ứng mạnh mẽ và thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm hạn chế các hành vi phá hoại và bạo lực. Theo ông Otárola, Cảnh sát Quốc gia và Lực lượng Vũ trang Peru đã giành lại quyền kiểm soát nhiều tuyến cao tốc và đường giao thông huyết mạch bị những người biểu tình bạo lực phong tỏa.

peru-15122022a-1-.jpg
Thành viên của các cộng đồng bản địa và nông dân trong một cuộc biểu tình ở Cuzco, Peru, chống lại việc phế truất cựu Tổng thống Pedro Castillo. Ảnh: Reuters

Bài Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga có khả năng bị lùi sang năm 2023

Một nguồn tin tại quốc hội Nga tiết lộ với hãng thông tấn TASS ngày 14/12 cho hay: “Buổi đọc Thông điệp liên bang được tổ chức mỗi năm một lần và ngày tổ chức được đếm ngược từ sự kiện năm trước đó. Tôi tin là có lý do để cho rằng sự kiện năm nay có thể không diễn ra và được tổ chức vào năm tới”, ông nói.

Nhân vật này cho biết thêm buổi đọc Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng khoảng thời gian còn lại trước khi kết thúc năm 2022 không còn nhiều.

EU tiến gần thỏa thuận về chuyển hướng năng lượng

Truyền thông châu Âu ngày 14/12 đưa tin, đại diện các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt thỏa thuận sơ bộ về hình thức cuối cùng của kế hoạch REPowerEU, giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Dự kiến, chương trình này sẽ mang lại các khoản tài trợ 20 tỷ euro cho các quốc gia thành viên EU thông qua sửa đổi kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Pháp và Đức khẳng định không thiếu năng lượng và khí đốt trong mùa đông

Ngày 14/12, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire lên tiếng trấn an rằng nước này sẽ tránh được kịch bản phải cắt điện luân phiên trong mùa đông năm nay.

Bộ trưởng Le Maire cho biết đến tháng 1/2023, Pháp sẽ đưa 45 lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động, tăng từ mức 41 lò hiện nay. Ông tin rằng điều này sẽ giúp Pháp tránh phải cắt điện trong mùa đông dù thời tiết lạnh khắc nghiệt đang bao phủ toàn châu Âu.

EU huy động thêm 20 tỷ euro cho kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga

Theo một thỏa thuận chính trị đạt được ngày 14/12, Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động thêm 20 tỷ euro (khoảng 21 tỷ USD) từ thị trường carbon để giúp tài trợ cho kế hoạch sớm chấm dứt sự phụ thuộc của khối này vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí 60% kinh phí trên được huy động từ Quỹ Đổi mới EU - một nguồn thu của thị trường carbon hiện được chi cho các công nghệ “xanh” mang tính đột phá. Trong khi đó, 40% còn lại sẽ được huy động từ việc bán giấy phép phát thải CO2 được cấp trước khi kế hoạch được triển khai.

Trung Quốc dừng đếm ca mắc COVID-19 không triệu chứng, bỏ xét nghiệm diện rộng

Ngày 14/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo cơ quan này sẽ ngừng công bố dữ liệu tổng hợp về các ca mắc COVID-19 mới, do việc bỏ xét nghiệm bắt buộc diện rộng sẽ khiến các con số không còn phản ánh đúng thực tế.

Cụ thể, từ nay trở đi, Trung Quốc sẽ chỉ báo cáo các trường hợp có triệu chứng vì khó có thể đánh giá số lượng người mắc không triệu chứng nếu không xét nghiệm.

CDC Mỹ: Trên 3.500 người Mỹ tử vong vì các nguyên nhân liên quan COVID-19 kéo dài

Theo báo cáo được Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 14/12, trên 3.500 người nước này tử vong vì các bệnh liên quan tới hội chứng COVID-19 kéo dài.

Nhà khoa học Farida Ahmad, Trung tâm thống kê y tế quốc gia (NCHS) thuộc CDC, cho biết, đây là lần đầu tiên các dữ liệu chứng tử được sử dụng để nhận diện những ca tử vong do COVID-19 kéo dài. Hội chứng này xảy ra khi bệnh nhân đã được xác nhận âm tính với virus nhưng vẫn có những triệu chứng mắc bệnh trong ít nhất 4 tuần sau khi hồi phục. Ở một số trường hợp, các triệu chứng có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Các triệu chứng dai dẳng như choáng váng, khó thở, đau đầu, não sương mù, đau khớp và cơ, mất khứu giác và vị giác. Giới khoa học vẫn đang nghiên cứu về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và chưa có kết luận chắc chắn.

tren-3.500-nguoi-my-tu-vong-vi-cac-nguyen-nhan-lien-quan-covid-19-keo-dai.jpg
Ảnh minh họa

Lạm phát của Thụy Điển tăng lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ

Ngày 14/12, Cơ quan Thống kê Thụy Điển công bố số liệu cho thấy lạm phát của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ ghi nhận vào tháng 11 vừa qua, trong đó chủ yếu là do giá điện tăng vọt.

Theo số liệu của cơ quan trên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thụy Điển đã tăng từ mức 10,9% trong tháng 10 lên 11,5% vào tháng 11, cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Nga nói ngừng bắn dịp Giáng sinh 'không có trong lịch trình'

Theo tờ Guardian (Anh), người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết Nga chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào về "ngừng bắn dịp Giáng sinh" ở Ukraine, đồng thời lưu ý rằng chủ đề này "không có trong chương trình nghị sự".

Trước đó, đầu tuần này Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 ủng hộ một giải pháp hòa bình bắt đầu bằng việc Nga rút quân khỏi Ukraine từ Giáng sinh năm nay.

Trên 10.000 người nhập cư bất hợp pháp phải rời khỏi Hàn Quốc

Ngày 14/12, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết trong hai tháng vừa qua, trên 10.000 người nhập cư bất hợp pháp đã rời nước này sau chiến dịch trấn áp của cơ quan chức năng sở tại và thực hiện chương trình tự nguyện về nước.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết có tổng cộng 3.863 người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ trong chiến dịch trấn áp hồi tháng 10 vừa qua, trong đó 3.281 người bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có 7.378 người nhập cư bất hợp pháp đã rời nước này theo chương trình xuất cảnh tự nguyện để được miễn nộp phạt và không bị hạn chế nhập cảnh.

Anh siết chặt kiểm soát nhập cư bất hợp pháp

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn bất hợp pháp và siết chặt luật kiểm soát nhập cư trái phép như một phần trong kế hoạch hạn chế số lượng cao kỷ lục người di cư vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ đến nước Anh.

Ông cho biết một bộ chỉ huy gồm các lực lượng quân sự và dân sự sẽ được thành lập để ngăn chặn những người di cư vượt biển bằng thuyền nhỏ, đồng thời chính phủ sẽ tăng ngân sách và nhân sự cho Cơ quan Phòng chống tội phạm quốc gia để truy quét những kẻ buôn người lợi dụng những người xin tị nạn.

Thuyền chở người di cư gặp nạn tại Eo biển Manche, 3 người tử vong

Một chiến dịch cứu hộ trên Eo biển Manche và trên không quy mô lớn đã được triển khai tại Eo biển Manche sau khi tiếp nhận thông tin một thuyền chở người di cư đã gặp nạn tại vùng biển giữa tỉnh Kent (Anh) và Cap Gris Nez (Pháp) vào sáng sớm 14/12. Truyền thông sở tại cho biết đã có 43 người di cư được giải cứu và 3 người thiệt mạng.

Hàn Quốc tuyển dụng thêm 26.788 lao động thời vụ người nước ngoài

Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MoJ) ngày 14/12 cho biết Hội đồng thẩm định bố trí lao động thời vụ người nước ngoài đã nhất trí tuyển dụng thêm 26.788 lao động thời vụ người nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 nhằm giải tỏa vấn nạn thiếu nhân lực ở vùng nông thôn và làng chài.

Đây sẽ là lần tuyển dụng cao kỷ lục của Hàn Quốc và cao gấp 2 lần số lượng lao động thời vụ đã được “chiêu mộ” trong nửa đầu năm 2022 với 12.330 người.

UNFPA kêu gọi quyên góp 1,2 tỷ USD hỗ trợ nạn nhân các cuộc khủng hoảng

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã kêu gọi quyên góp 1,2 tỷ USD trong năm 2023 để hỗ trợ 66 triệu phụ nữ, trẻ em gái và những người trẻ tuổi đang là nạn nhân của các cuộc khủng hoảng tại 65 quốc gia. Đây là nhu cầu ngân sách lớn nhất từ trước đến nay của UNFPA, cơ quan chịu trách nhiệm cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe nói chung của các bà mẹ trên toàn thế giới.

Nghị sĩ Mỹ đề xuất dự luật lưỡng đảng về cấm ứng dụng TikTok

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubiomới đây thông báo một dự luật lưỡng đảng nhằm cấm ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng TikTok của Trung Quốc. Động thái này làm gia tăng sức ép đối với chủ sở hữu TikTok là công ty ByteDance trong bối cảnh Mỹ lo ngại ứng dụng này có thể được sử dụng để do thám công dân Mỹ và có các nội dung bị cấm.

Nhà sáng lập sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX bị buộc tội lừa đảo

"Ông trùm tiền điện tử" Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch tiền điện tử FTX - đang đối mặt nhiều tội danh. Trong các đơn kiện đệ lên tòa ngày 13/12, cả Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) cùng Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đều cáo buộc Bankman-Fried phạm tội gian lận.

Dự báo giá lạnh bất thường tại nhiều nước Đông Bắc Á

Hiện tượng La Niña 3 năm liên tiếp hiếm gặp sẽ khiến khu vực Đông Bắc Á trở nên lạnh giá hơn bình thường trong vài tuần sắp tới, kéo theo nhu cầu về năng lượng trên toàn cầu và có thể đẩy giá xăng dầu lên cao.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đối mặt mức nhiệt dưới mức đóng băng trong vài tuần tới. Trong khi đó, Anh và Đức đang chứng kiến các đợt tuyết rơi dày đặc do ảnh hưởng của bão tuyết ở Bắc cực.

Diện tích rừng bị cháy tại EU trong năm tăng gấp đôi lên 785.000 ha

Theo báo cáo cập nhật của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) công bố ngày 13/12, các vụ cháy rừng xảy ra trên toàn châu Âu trong năm nay đã thiêu rụi diện tích đất rừng cũng như thải ra lượng khí thải carbon cao kỷ lục.

Theo CAMS, thời gian và cường độ của các đợt nắng nóng tấn công châu Âu trong mùa Hè kết hợp với điều kiện khô hạn nói chung trên lục địa trong năm nay là nguyên nhân khiến số vụ cháy rừng tăng kỷ lục. Hệ thống Thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS) cho biết tổng diện tích rừng bị cháy tại 27 quốc gia thành viên EU từ đầu năm tới giữa tháng 11 vừa qua là hơn 785.000 ha, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình chỉ hơn 317.000 ha trong giai đoạn 2006-2021.

CHDC Congo: Mưa lớn gây sạt lở đất khiến ít nhất 141 người thiệt mạng

Theo thông tin mới nhất do giới chức CHDC Congo công bố ngày 13/12, số người thiệt mạng do mưa lớn ở thủ đô Kinshasa của nước này đã lên tới ít nhất 141 người.

Sở Y tế công cộng tỉnh Kinshasa cũng cho biết mưa lớn đã gây ra lũ lụt và các vụ sạt lở đất, khiến 38.787 hộ gia đình tại tỉnh này bị ngập lụt và khoảng 280 ngôi nhà bị đổ sập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 15/12: Trên 3.500 người Mỹ tử vong vì các nguyên nhân liên quan COVID-19 kéo dài