Tin vắn thế giới ngày 11/11: Lây nhiễm COVID-19 giảm tại mọi khu vực trên thế giới trừ châu Âu

Bạch Dương| 11/11/2021 07:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỹ, Trung Quốc ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu; Lây nhiễm COVID-19 giảm tại mọi khu vực trên thế giới trừ châu Âu; EC mua vaccine Valneva… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Mỹ, Trung Quốc ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu

Mỹ và Trung Quốc ngày 10/11 ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, theo đó hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tuyên bố chung, có tên "Tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020", cho biết Mỹ và Trung Quốc "thừa nhận mức độ nghiêm trọng và cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu" và sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này.

cop26.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland

Malaysia khẳng định Biển Đông phải là vùng biển cho hòa bình và kết nối

Phát biểu tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp) được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 10/11, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein nhấn mạnh Biển Đông phải là vùng biển cho hòa bình và kết nối.

Ông Hishamuddin Hussein kêu gọi ASEAN bảo đảm các mục tiêu và nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như trong Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) và Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ) là nền tảng xây dựng sự tương tác của khu vực với cộng đồng quốc tế

Indonesia, Malaysia khẳng định lập trường chung về Biển Đông

Ngày 10/11, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết Malaysia và Indonesia nhất trí rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết thông qua tiến trình ngoại giao và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Phát biểu họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob kêu gọi các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Hội nghị COP26: Các nước nhất trí thiết lập các tuyến vận tải biển 'xanh'

Một liên minh gồm 19 nước, trong đó có Anh và Mỹ, đã nhất trí thiết lập các tuyến vận tải biển không phát thải khí carbon kết nối các cảng, để tăng tốc tiến trình phi carbon hóa ngành hàng hải toàn cầu.

Thỏa thuận mới có tên là "Clydebank Declaration" được công bố trong khuôn khổ Hội nghị COP26, trong đó, các nước tham gia nhất trí ủng hộ đến năm 2025 sẽ thiết lập ít nhất 6 hành lang vận tải biển xanh.

Thủ tướng New Zealand kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp cùng hợp tác

Ngày 11/11, trong bài phát biểu trước các doanh nghiệp toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thừa nhận các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt với quy mô tác động của đại dịch, sự bất bình đẳng mà nó gây ra ảnh hưởng đến con người và nhiều thách thức khác.

Thủ tướng Ardern khẳng định, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch, điều quan trong là cần tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để tạo tiền đề cho sự phục hồi công bằng, toàn diện và bền vững, đầu tư vào con người và hành tinh của chúng ta thông qua các ý tưởng đổi mới và quyết tâm đổi mới.

Đối thoại an ninh khu vực tại Ấn Độ: Không để Afghanistan thành nơi trú ẩn của khủng bố

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết giới chức an ninh các nước Ấn Độ, Nga, Iran và 5 quốc gia Trung Á ngày 10/11 đã cam kết hợp tác để đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ cởi mở và thực sự bao trùm ở Kabul.

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven từ chức

Ngày 10/11, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã đệ đơn từ chức lên Chủ tịch Quốc hội Andreas Norlen. Động thái này nhằm mở đường cho tân chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội trong liên minh cầm quyền, Bộ trưởng Tài chính Magdalena Andersson trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 9/2022.

WHO: Lây nhiễm COVID-19 giảm tại mọi khu vực trên thế giới trừ châu Âu

Đây là tuần thứ 6 liên tiếp châu Âu ghi nhận xu thế tiêu cực này. Trong tuần, toàn thế giới ghi nhận 3,1 triệu ca mắc mới, tăng 1% so với tuần trước đó. Khu vực có số ca nhiễm giảm nhiều nhất là Đông Nam Á (giảm 13%), Tây Thái Bình Dương (giảm 9%), châu Mỹ (giảm 5%).

Gần 2/3 số ca nhiễm tập trung ở châu Âu, với 1,9 triệu ca, tăng 7%. Trong 61 quốc gia nằm ở châu Âu theo phân loại của WHO – tính cả Nga và Trung Á, có 26 nước (chiếm 42%) ghi nhận số ca mắc mới tăng trên 10% trong tuần.

chau-au-covid.jpg
Một người phụ nữ thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong vì COVID-19 ở Lâu đài Prague, Cộng hòa Séc. Ảnh: AP

EC mua vaccine Valneva

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/11 đã thông qua hợp đồng thứ 8 với một công ty dược phẩm để mua vaccine tiềm năng chống COVID-19. Hợp đồng với Valneva cho phép tất cả các quốc gia thành viên của EU mua gần 27 triệu liều vaccine phòng virus SARS-CoV-2 vào năm 2022. Loại vaccine mới này có khả năng ứng phó hiệu quả với các chủng mới và có thể cung cấp cho các quốc gia EU tới 33 triệu liều vào năm 2023.

Bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ tư tại Hy Lạp

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 9/11 cảnh báo quốc gia Nam Âu này đang trải qua đợt dịch COVID-19 thứ tư trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tăng lên mức cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Các bệnh viện tại nước này đang lâm vào tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng vọt.  

EU sẽ sớm đưa ra quyết định về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 6-11

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 10/11 cho biết trong vòng 2 tháng tới sẽ đưa ra quyết định về việc có phê duyệt vaccine của hãng Moderna cho trẻ từ 6-11 tuổi hay không.

Trước đó một ngày, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo đã nộp hồ sơ đề nghị EMA phê duyệt để tiêm cho người trẻ tuổi.

Thái Lan chuẩn bị vaccine để đón người lao động nước ngoài trở lại

Ngày 10/11, Thái Lan thông báo sẽ dành khoảng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 để đón các lao động nước ngoài trở lại nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động.

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cho phép người lao động từ các nước láng giềng như Myanmar, Campuchia và Lào trở lại quốc gia này từ tháng 12 tới. Hiện một số ngành xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan như ngành chế biến thực phẩm và sản xuất cao su đang thiếu lao động.

Hàn Quốc: Kêu gọi tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19

Hàn Quốc ngày 10/11 khuyến khích người dân đi tiêm mũi vaccine tăng cường, trong bối cảnh có thêm nhiều người cao tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi đã tiêm đủ vaccine, khiến số ca bệnh nặng và nguy kịch tăng cao chưa từng thấy.

Pháp yêu cầu người trên 65 tuổi trình chứng nhận liều tiêm tăng cường

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/11 cho biết những người trên 65 tuổi ở nước này sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận về liều tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nếu muốn tới các nhà hàng, tham dự các sự kiện văn hóa và đi tàu liên tỉnh.

Johnson & Johnson cung cấp vaccine cho các khu vực xung đột thông qua COVAX

Mỹ đã làm trung gian cho thỏa thuận giữa công ty Johnson & Johnson và cơ chế chia sẻ vaccine COVAX để phân phối vaccine ngừa COVID-19 của hãng cho các vùng xung đột.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo như trên ngày 10/11 trong cuộc họp các ngoại trưởng thế giới về đại dịch COVID-19 do Washington chủ trì.

Pfizer đề nghị Mỹ phê duyệt liều vaccine tăng cường cho người trên 18 tuổi

Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) ngày 9/11 thông báo đã chính thức gửi đề nghị tới giới chức Mỹ về việc cấp phép sử dụng liều tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho những người trên 18 tuổi.

Nhật Bản đặt mua 1,6 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir

Ngày 10/11, hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ) và đối tác Ridgeback Biotherapeutics (Đức) cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ chi khoảng 1,2 tỷ USD để mua khoảng 1,6 triệu liệu trình thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống để điều trị COVID-19.

Thuốc Molnupiravir được cho là có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Gamma, Delta và Mu.

Bỉ quyết định tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho toàn bộ dân

Ủy ban liên bộ y tế của Bỉ ngày 10/11 quyết định áp dụng việc tiêm bổ sung liều vaccine để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 cho tất cả người dân Bỉ.

Việc lập kế hoạch và phương thức của chiến dịch "tăng liều" này sẽ được thảo luận tại Hội nghị y tế liên bộ (CIM) dự kiến diễn ra vào ngày 27/11 tới và sau khi nhận được ý kiến xác thực từ các Bộ trưởng thuộc Hội đồng y tế cấp cao (CSS).

Bang Bayern (Đức) ban bố tình trạng thảm hoạ do dịch COVID-19

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đức, đặc biệt là tình trạng dịch lây lan rộng tại Bayern khiến giới chức bang miền Nam nước Đức này phải ban bố tình trạng thảm hoạ để huy động nguồn lực khống chế dịch bệnh.

Australia xem xét mở 'bong bóng du lịch' với Hàn Quốc, Nhật Bản

Ngày 10/11, Chính phủ Australia cho biết nước này đang cân nhắc mở “bong bóng du lịch quốc tế”, một hành lang đi lại hai chiều không cách ly bắt buộc, với Hàn Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh Australia đạt được mục tiêu 80% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Sư tử tại vườn thú ở Singapore nhiễm virus SARS-CoV-2

Nhà chức trách Singapore ngày 10/11 cho biết 4 con sư tử trong công viên Night Safari ở Singapore đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng các triệu chứng ho và hắt hơi, sau khi tiếp xúc với các nhân viên vườn thú mắc bệnh.

Nhật Bản: Phát hiện ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao

Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) ngày 10/11 thông báo đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao đầu tiên trong mùa Đông năm nay tại một trại chăn nuôi ở tỉnh Akita, miền Đông Bắc nước này.

Nga phát hiện máy bay do thám Mỹ áp sát biên giới

Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/11 cho biết một máy bay do thám E-8C của Mỹ đã bay cách biên giới Nga khoảng 35 km trong nhiều giờ.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, hành trình bay diễn ra từ 14h15 đến 19h28 ngày 9/11 (giờ địa phương). Máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Ramstein tại Đức.

111021-maybay-my.jpg
Máy bay do thám E-8C của không quân Mỹ. Ảnh: AP

Belarus, Ba Lan cáo buộc lẫn nhau gây căng thẳng biên giới

Ngày 10/11, Belarus và Ba Lan đã chỉ trích lẫn nhau gây căng thẳng biên giới. Cảnh sát Ba Lan thông báo đã bắt giữ hơn 50 người di cư từ Belarus vào Ba Lan trong 24 giờ qua và vẫn đang truy tìm những người khác.

Litva ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Belarus

Truyền thông cho biết Litva ngày 9/11 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Belarus, nơi hàng trăm người di cư tập trung. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 1 tháng, kể từ 23h ngày 9/11 (theo giờ địa phương).

Thủ tướng New Zealand ghi nhận Tuyên bố thanh niên APEC

Ngày 10/11, trong vai trò Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 (APEC 2021), Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã có bài phát biểu tại sự kiện Tiếng nói của tương lai APEC 2021 và ghi nhận Tuyên bố thanh niên APEC.

Lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm

Dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của một loạt hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong tháng 10 tăng cao hơn nhiều so với dự đoán, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

CPI đã tăng 0,9% so với tháng 9 và 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10. Trước đó, các nhà phân tích dự báo chỉ số CPI sẽ tăng 0,5% trong tháng 10 và 5,8% trong giai đoạn 12 tháng tính đến hết tháng 10.

Google kháng cáo bất thành trong vụ kiện chống độc quyền của EU

Google không thành công trong việc kháng cáo mức phạt 2,8 tỷ USD mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với công ty này vì lạm dụng vị thế thống trị của công cụ tìm kiếm.

Tòa sơ thẩm châu Âu (General Court), một trong hai tòa thuộc Tòa án Công lý châu Âu, có trụ sở tại Luxembourg, đã ra phán quyết trên, xác nhận quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra năm 2017 với Google. Tuy nhiên, Google có thể kháng cáo lên tòa án cấp cao nhất của EU là Tòa án Công lý châu Âu.

Tòa án Tối cao Anh bác đơn kiện tập thể đòi Google bồi thường hàng tỷ USD

Ngày 10/11, Tòa án Tối cao của Anh đã bác đơn kiện tập thể đòi Tập đoàn công nghệ Google (Mỹ) bồi thường 3,2 tỷ bảng Anh (4,3 tỷ USD), với cáo buộc theo dõi trái phép thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng điện thoại iPhone.

Bão tuyết gây gián đoạn giao thông tại Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc ngày 10/11 đưa tin bão tuyết hoành hành ở vùng Đông Bắc nước này trong những ngày gần đây với lượng tuyết rơi kỷ lục tại một số khu vực đã gây rối loạn giao thông đường bộ, gián đoạn giao thông đường sắt và gây quan ngại về việc cung cấp điện trong bối cảnh nhiệt độ giảm mạnh.

Tuyết rơi sớm tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc

Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết thủ đô Seoul đã đón trận tuyết đầu tiên của mùa Đông vào sáng 10/11, sớm hơn khoảng một tháng so với năm ngoái.

KMA ghi nhận tuyết rơi nhẹ đã được quan sát tại trạm quan sát thời tiết Songwol-dong ở trung tâm Seoul, sớm hơn 30 ngày so với năm ngoái và sớm hơn 10 ngày so với mức trung bình của những ngày tuyết rơi đầu tiên ở thủ đô trong giai đoạn 1991-2020, tức vào khoảng 20/11.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 11/11: Lây nhiễm COVID-19 giảm tại mọi khu vực trên thế giới trừ châu Âu