Tin vắn thế giới ngày 6/11: Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer cho hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng

Bạch Dương| 06/11/2021 07:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer cho hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng; Đức sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả nhóm tuổi; Pháp thông qua dự luật gia hạn thẻ xanh vaccine tới 31/7/2022… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer cho hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng

Ngày 5/11, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng loại thuốc kháng virus dùng trong điều trị COVID-19 do hãng phát triển cho thấy thuốc có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở bệnh nhân trưởng thành thuộc nhóm có nguy cơ bệnh nặng.

Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer có tên là Paxlovid, được sử dụng kết hợp với một loại thuốc kháng virus đã biết là ritonavir. Thuốc được chỉ định sử dụng 2 lần/ngày, mỗi lần 3 viên.

thuoc-dieu-tri-covid-pfizer.jpg
Biểu tượng của Pfizer và thuốc của hãng được chụp ngày 29/9. Ảnh: Reuters.

Mỹ thúc đẩy các nỗ lực hướng tới mục tiêu công bằng vaccine

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/11 thông báo ông sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào tuần tới với các nhà lãnh đạo ngoại giao các nước nhằm thảo luận về đại dịch COVID-19 và thu hẹp bất bình đẳng toàn cầu trong tiếp cận vaccine.

Thông báo của ông Blinken cho biết cuộc họp sẽ diễn ra ngày 10/11 nhằm thúc đẩy các nỗ lực hướng tới mục tiêu công bằng vaccine.

Đức sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả nhóm tuổi

Ngày 5/11, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết ông đã nhất trí với các những người phụ trách y tế cấp khu vực rằng tất cả mọi người sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường sau 6 tháng kể từ mũi tiêm trước đó.

Theo ông Spahn, quốc gia này đang bước vào giai đoạn rất khó khăn trong đối phó với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số bệnh nhân phải điều trị tích cực gia tăng.

New Zealand bổ sung một loại thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Bộ trưởng Y tế New Zealand, ông Andrew Little ngày 5/11 cho biết, Baricitinib là loại thuốc thứ 5 mà Pharmac có được, cùng với remdesivir, tocilizumab, molnupiravir và Ronapreve, trong danh mục các loại thuốc các bác sĩ có thể kê đơn cho những người có các triệu chứng bệnh COVID-19.

Giống như tocilizumab, thuốc baricitinib có thể sử dụng điều trị cho bệnh nhân thể nặng vì thuốc này giúp giảm mức độ nặng của các triệu chứng và giảm thời gian nằm viện cũng như giảm nguy cơ tử vong.

Lào có kế hoạch phê duyệt sử dụng thuốc thảo dược hỗ trợ điều trị COVID-19

Trước tình hình số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng, Bộ Y tế Lào đang có kế hoạch đăng ký chính thức 3 loại thảo dược gồm xuyên tâm liên, diếp cá và ngải bún cho việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả phục hồi đạt khoảng 80-100%.

Phát hiện đột phá của giới khoa học Anh về hướng điều trị hiệu quả COVID-19

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford được công bố trên tạp chí Nature Genetics ngày 5/11, khoảng 60% những người gốc Nam Á có một loại gene đặc biệt, khiến họ có nguy cơ tổn thương cao nếu mắc COVID-19.

Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học kết luận rằng nguy cơ bệnh trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong, không phải do sự khác biệt về mã hóa di truyền của các protein, mà do sự khác biệt về ADN - có khả năng tạo ra một loại "công tắc" để kích hoạt một loại gene đặc biệt.

Pháp thông qua dự luật gia hạn thẻ xanh vaccine tới 31/7/2022

Theo đó, Thủ tướng Pháp sẽ có quyền ban hành sắc lệnh bắt buộc phải xuất trình "thẻ xanh vaccine" tại một số nơi nhất định tùy theo tình hình dịch bệnh. Nhà lãnh đạo Pháp cũng có thể hạn chế hoặc cấm hoạt động đi lại, ra lệnh đóng cửa các cửa hàng và những nơi công cộng, thậm chí có thể ban hành lệnh giới nghiêm hay phong tỏa.

Tại Pháp, "thẻ xanh vaccine"chứng nhận người có thẻ này đã tiêm 2 liều vaccine hoặc gần đây mới khỏi bệnh COVID-19 hay có xét nghiệm âm tính. Kể từ ngày 21/7, việc xuất trình thẻ này là bắt buộc đối với các cuộc tụ tập có sự tham gia của hơn 50 người tại những trung tâm văn hóa và giải trí như rạp chiếu phim, nhà bảo tàng.

green-passport.jpg
Pháp thông qua dự luật gia hạn thẻ xanh vaccine tới 31/7/2022

Indonesia và Singapore thiết lập hành lang du lịch cho du khách đã tiêm chủng

Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 5/11, người phát ngôn Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Indonesia Wiky Adisasmito cho biết các cơ quan chức năng hai chính phủ đang tiến hành thảo luận để nhanh chóng thiết lập chương trình VTL.

Ông Adisasmito cho biết VTL là chương trình đảm bảo cho du khách nước ngoài thực hiện các hoạt động đi lại khi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và có giấy chứng nhận y tế.

New York đạt thỏa thuận với các nghiệp đoàn về bắt buộc tiêm chủng

Ngày 4/11, chính quyền thành phố New York (Mỹ) và các tổ chức nghiệp đoàn đại diện cho hơn 70.000 người lao động đã đạt được một thỏa thuận về việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có nội dung về miễn trừ và chính sách cho nghỉ việc.

Nghiệp đoàn District Council 37, một trong các nghiệp đoàn tham gia thỏa thuận, cho biết theo thỏa thuận, những người lao động không xuất trình được chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 sẽ có 2 lựa chọn là thôi việc hoặc nghỉ việc. Những người không có chứng nhận do không nộp đơn xin miễn tiêm vaccine hoặc đã bị từ chối miễn trừ sẽ bị xếp vào diện nghỉ không lương từ ngày 1-30/11. Trong thời gian này, họ vẫn được hưởng các lợi ích về chăm sóc y tế.

Philippines nới lỏng biện pháp phòng dịch tại thủ đô Manila

Ngày 5/11, Philippines đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động phổ biến tại quốc gia này như karaoke và bóng rổ cũng như mở cửa trở lại các trường đại học tại thủ đô Manila khi số ca mắc mới COVID-19 giảm.

Người phát ngôn Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Harry Roque cho biết tất cả các hạn chế đi lại của người dưới 18 tuổi dược dỡ bỏ tại thủ đô, trong khi trưởng tiểu học có thể sớm mở cửa trở lại, sau khi được tổng thống Duterte phê chuẩn. Trẻ vị thành niên được cho phép đi ra ngoài bắt đầu trong tháng 11 nhưng chỉ được mua các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Hai bang đông dân nhất tại Australia nối lại hoạt động đi lại

Tại Australia, hai bang đông dân nhất của nước này là New South Wales (NSW) và Victoria ngày 5/11 đã nối lại hoạt động đi lại với nhau sau khi đạt tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao.

Lần đầu tiên trong nhiều tháng, các du khách NSW, trong đó có cả những người chưa tiêm vaccine, có thể đến bang Victoria mà không cần cách ly hay xét nghiệm, nhưng họ vẫn cần giấy phép đi lại và chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Người dân bang Victoria đã tiêm đủ liều vaccine được tự do ra/vào bang NSW, trừ trường hợp từng đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, người dân bang Victoria từ 16 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 không được phép đến bang NSW.

Nhật Bản rút ngắn thời gian cách ly với các doanh nhân nhập cảnh

Ngày 5/11, Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 xuống còn 3 ngày đối với những doanh nhân nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ khi họ nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 8/11 tới.

Indonesia mở rộng chương trình ưu đãi thuế

Bộ Tài chính Indonesia vừa quyết định mở rộng danh sách các doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng (VAT) và miễn thuế nhập khẩu với lý do đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng tới các cơ sở này.

Quy định của Bộ Tài chính số 149/2021 ban hành ngày 26/10 tăng số lượng công ty được hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp từ 216 lên 481 cơ sở, ưu đãi thuế nhập khẩu từ 132 lên 397 cơ sở, và ưu đãi VAT từ 132 lên 229 cơ sở.

Số người di cư vượt biển Manche tăng cao chưa từng thấy

Bộ Nội vụ Anh ngày 5/11 cho biết, riêng trong ngày 3/11 vừa qua, lực lượng chức năng nước này đã giải cứu hoặc chặn lại 853 người di cư. Con số kỷ lục ghi nhận theo ngày trước về số người vượt biên qua biển Manche là hồi tháng 8 vừa qua, với 828 người.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là người di cư tranh thủ tận dụng thời tiết thuận lợi trước khi mùa đông tới để vượt biển, đồng thời có thêm sự tiếp tay của các băng nhóm tội phạm.

Hàng trăm người di cư được giải cứu ngoài khơi Địa Trung Hải

Tổ chức phi chính phủ Sea-Eye của Đức ngày 4/11 cho biết tổ chức này đã giải cứu được 800 người di cư trong 6 chiến dịch ngoài khơi Địa Trung Hải.

Trong khi đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết đã giải cứu gần 200 người trong hai chiến dịch riêng rẽ ngoài khơi khu vực Calabria vào tối 3/11.

Dự trữ urani làm giàu ở mức tinh khiết 60% của Iran đã lên tới 25 kg

Ngày 5/11, Iran thông báo dự trữ urani làm giàu ở mức tinh khiết 60% của nước này hiện đã lên đến mức 25kg.

Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên phục vụ chương trình phát triển bền vững

Ngày 5/11, Trung Quốc đã phóng vệ tinh nghiên cứu khoa học Trái Đất SDGSAT-1, mang tên Quảng Mục vào không gian bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 6 vào lúc 10h9 (giờ Bắc Kinh) từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc. Vệ tinh đã đi vào quỹ đạo như kế hoạch.

Mỹ phải hoãn triển khai mạng 5G do lo ngại an toàn của máy bay

Các nhà mạng Verizon và AT&T đã buộc phải trì hoãn triển khai mạng không dây 5G sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cảnh báo việc mở rộng sang một băng thông nhất định sẽ ảnh hưởng đến loại dành cho an toàn máy bay.

Kênh RT (Nga) cho biết Verizon và AT&T dự định vào 5/12 triển khai sử dụng băng tần C cho mạng 5G. Tuy nhiên, kế hoạch này bị hoãn cho đến 5/1/2022. Cả Verizon và AT&T đã xác nhận thông tin này ngày 4/11. Hai công ty dự kiến hợp tác với FAA để giải quyết các lo ngại liên quan đến nguy cơ gây ảnh hưởng tới thiết bị an toàn buồng lái vốn cũng dùng băng tần C.

051121-lapdat.jpg
Một đội nhân viên Verizon lắp đặt thiết bị mạng 5G tại Orem, Utah. Ảnh: Reuters

Mỹ treo thưởng hàng triệu USD để bắt tin tặc tấn công bằng mã độc

Mạnh tay với vấn nạn tin tặc hoành hành trong thời gian gần đây, Mỹ đã treo thưởng 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp truy tìm tung tích các thủ lĩnh của DarkSide - nhóm tin tặc chuyên thực hiện các vụ tấn công mạng bằng mã độc đòi tiền chuộc (ransomware).

Lượng người sở hữu tiền số riêng của Trung Quốc tăng mạnh

Trung Quốc vừa ghi nhận sự gia tăng về số lượng cá nhân sở hữu tài khoản tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số lên 140 triệu người, cùng với 10 triệu tài khoản của các doanh nghiệp.

Ông Mu Changchun, người đứng đầu Viện Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho hay lượng giao dịch đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, hay còn gọi là e-CNY, đã đạt giá trị 62 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 9,7 tỷ USD) trong giao đoạn triển khai thử nghiệm tại khoảng 10 khu vực. Tổng khối lượng giao dịch là 150 triệu.

Nổ nhà máy sản xuất tượng tại miền Nam Ấn Độ

Ngày 5/11, giới chức Ấn Độ cho biết đã có 2 người thiệt mạng và một người bị thương nghiêm trọng trong vụ nổ xảy ra ở nhà máy sản xuất tượng tại thủ phủ Hyderabad của bang Telangana, miền Nam nước này.

Lũ quét ở Indonesia làm ít nhất 8 người thiệt mạng

Cơ quan thảm họa Indonesia cho biết mưa lớn ngày 4/11 đã gây lũ quét trên đảo Java, làm ít nhất 8 người thiệt mạng trong khi các nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm người sống sót dưới sườn đồi ngập bùn.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại thủ đô Bắc Kinh và New Delhi

Ngày 5/11, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến nhiều tuyến đường cao tốc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc phải đóng cửa. Theo cơ quan dự báo thời tiết Trung Quốc, khói mù dày đặc đã bao trùm nhiều vùng rộng lớn tại miền Bắc nước này, với tầm nhìn tại một số nơi đã giảm xuống dưới 200m.

Cùng ngày, thủ đô New Delhi của Ấn Độ tiếp tục chìm trong khói mù độc hại sau một đêm người dân ăn mừng lễ hội ánh sáng Diwali của đạo Hindu bằng đốt pháo, bất chấp lệnh cấm bán mặt hàng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 6/11: Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer cho hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng