Pháp công bố kế hoạch đối phó nạn phân biệt chủng tộc; Trung Quốc phản đối Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ nội địa cho Huawei; Israel xây dựng hệ thống 'Vòm Sắt' trên không gian mạng… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Pháp công bố kế hoạch đối phó nạn phân biệt chủng tộc
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne mới đây công bố kế hoạch hành động trong 4 năm nhằm chống phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và mọi hình thức phân biệt đối xử.
Kế hoạch bao gồm 80 biện pháp, bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên thông qua một chuyến đi bắt buộc hằng năm đến các khu tưởng niệm, trong đó có các khu tưởng niệm nạn nhân vụ diệt chủng Holocaust. Kế hoạch cũng bao gồm các biện pháp nâng cao nhận thức của giáo viên và công chức về tình trạng phân biệt đối xử, cùng với việc gia tăng trừng phạt đối với những cá nhân bị cáo buộc phân biệt đối xử. Ngoài ra, những đối tượng có phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc hoặc bài Do Thái cũng sẽ bị bắt giữ.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne
Nga, Mỹ thảo luận vấn đề kiểm soát vũ khí
Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/1 thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã tiến hành cuộc thảo luận với tân Đại sứ Mỹ Lynne Tracy, trong đó vấn đề liên quan hoạt động kiểm soát vũ khí đã được thảo luận. Đây là cuộc gặp thứ 2 giữa ông Ryabkov và bà Tracy kể từ khi bà Tracy nhậm chức Đại sứ Mỹ tại Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ không phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan, Thụy Điển
Ngày 31/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Quốc hội nước này sẽ không phê chuẩn nghị định thư liên quan tư cách thành viên trong NATO của Thụy Điển và Phần Lan trong điều kiện hiện nay.
Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, Ankara có thể "có cái nhìn tích cực" về tư cách thành viên của Phần Lan trong NATO nếu Helsinki và liên minh quân sự này đưa ra quyết định về một đơn xin gia nhập tách biệt với Thụy Điển.
Hàn - Nhật tham vấn về vấn đề Triều Tiên
Ngày 31/1, Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Kim Gunn và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi đã tiến hành cuộc gặp, qua đó thảo luận về việc hợp tác trong vấn đề Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, trong cuộc gặp tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình an ninh xung quanh Triều Tiên. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương Hàn-Nhật, cũng như hợp tác ba bên với Mỹ, trong vấn đề Triều Tiên. Hai quan chức Hàn-Nhật cũng nhất trí tăng cường liên lạc nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.
NATO kêu gọi Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Hàn Quốc cho biết luật của nước này không cho phép cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột khiến việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine gặp khó khăn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30/1 đã kêu gọi Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với lý do ngày càng nhiều nước khác đã thay đổi chính sách không cung cấp vũ khí cho các nước xung đột sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ai Cập kêu gọi giải pháp chính trị cho xung đột Nga - Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid cho biết trong cuộc gặp với Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev ngày 31/1, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, đang ở thăm Moscow, đã kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Người phát ngôn Abu Zeid cho biết Ngoại trưởng Shoukry đã được ông Patrushev thông báo tóm tắt về những diễn biến mới nhất liên quan xung đột Nga-Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột này đã tác động nghiêm trọng đến các thị trường toàn cầu, khiến các nước đang phát triển, trong đó có Ai Cập, bị ảnh hưởng nặng nề.
Áo, Hungary nhất trí không gửi vũ khí cho Ukraine
Áo và Hungary đã thống nhất không gửi vũ khí cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner và người đồng cấp Hungary Kristóf Szalay-Bobrovniczky cho biết tại một cuộc họp ở Budapest ngày 30/1, nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ của họ.
Bà Tanner và ông Szalay-Bobrovniczky tuyên bố trong một cuộc họp báo chung rằng lập trường của Áo và Hungary liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine là rõ ràng, vì cả hai nước đều không gửi vũ khí đến khu vực xung đột để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa.
Slovakia tiến hành bầu cử trước thời hạn
Quốc hội Slovakia ngày 31/1 đã ấn định thời điểm tổ chức bầu cử trước thời hạn, sau khi chính phủ trung hữu của Thủ tướng Eduard Heger đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và các đảng phái không thành lập được chính phủ mới.
Chủ tịch Quốc hội Slovakia Boris Kollar cho biết, với kết quả 92 phiếu ủng hộ và 54 phiếu chống, các nghị sĩ nước này đã nhất trí kế hoạch tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 30/9.
EU mong muốn sớm phê chuẩn hiệp định thương mại với khối Mecosur
Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ mong muốn hoàn tất tiến trình phê chuẩn hiệp định thương mại với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mecosur) vào tháng 7 tới sau hơn 3 năm trì hoãn.
Phát biểu trước báo giới nhân chuyến thăm 3 quốc gia hàng đầu Mỹ Latinh - gồm Brazil, Colombia và Mexico, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans ngày 30/1 (theo giờ địa phương) cho biết ông hy vọng hai bên sẽ phê chuẩn hiệp định thương mại vào trung tuần tháng 7 tới tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Mecosur dự kiến được tổ chức ở Bỉ.
Eurozone tránh được kịch bản suy giảm kinh tế
Cơ quan thống kê Eurostat của Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/1 công bố các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tránh được một cuộc suy giảm trong mùa đông này, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 0,1% trong quý IV/2022.
Con số trên thấp hơn mức tăng trưởng 0,3% trong quý III nhưng tích cực hơn so với dự báo tăng trưởng âm mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó trong bối cảnh tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng leo thang và lạm phát liên tục ghi nhận những mức cao kỷ lục.
Indonesia đảm bảo chương trình diesel sinh học không làm gián đoạn nguồn cung dầu ăn
Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã ra tuyên bố khẳng định việc triển khai Chương trình dầu diesel sinh học B35 từ ngày 1/2 sẽ không làm gián đoạn nguồn cung dầu ăn cho tiêu dùng trong nước.
Phát biểu tại buổi thảo luận về kế hoạch triển khai chương trình, Bộ trưởng Airlangga Hartarto ngày 31/1 cho biết B35 là chương trình sản xuất dầu diesel sinh học với hỗn hợp bao gồm 35% nhiên liệu chiết xuất từ dầu cọ chế xuất thành nhiên liệu diesel. Chính phủ Indonesia đảm bảo nguồn cung dầu ăn đã được tăng từ 300.000 kg lên 450.000 kg.
Kinh tế CH Czech rơi vào suy thoái
Cơ quan Thống kê CH Czech công bố ngày 31/1 đưa tin Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Trung Âu này đã giảm 0,3% trong quý IV/2022. Như vậy, kinh tế Czech chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi GDP giảm quý thứ hai liên tiếp.
Trước đó, GDP của Czech đã giảm 0,2% trong quý III/2022. Cơ quan Thống kê Czech đánh giá một trong những nguyên nhân khiến GDP nước này tiếp tục suy giảm trong quý IV/2022 là do chi tiêu hộ gia đình giảm sút vì tỷ lệ lạm phát cao.
Cuộc đình công thứ hai tại Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu
Ngày 31/1, cuộc đình công lần thứ hai trên toàn nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đã gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động giao thông công cộng, trường học cũng như giao hàng của nhà máy lọc dầu ở nước này.
Những cuộc đình công rầm rộ đã diễn ra ở các thành phố trên toàn nước Pháp để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ, trong đó có tăng tuổi nghỉ hưu thêm hai năm lên 64 tuổi. Trên mạng lưới đường sắt, chỉ có 1 trong số 3 tàu cao tốc hoạt động, trong khi có rất ít chuyến tàu địa phương và khu vực vẫn hoạt động. Các dịch vụ trên hệ thống tàu điện ngầm phục vụ thành phố Paris và vùng đô thị cũng bị ảnh hưởng.
Đông đảo người dân tham gia cuộc đình công lần thứ hai trên toàn nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron
Indonesia dành gần 32 tỷ USD cho các chương trình xã hội hậu đại dịch
Chính phủ Indonesia có kế hoạch chi 476.000 tỷ Rupiah (31,8 tỷ USD) cho các chương trình trợ giúp xã hội trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang chuyển tiếp từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh lưu hành.
Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) khẳng định chính phủ của ông sẽ không đột ngột ngừng những khoản chi lớn dành cho các chương trình xã hội nhằm trợ giúp người dân và doanh nghiệp ứng phó với tác động kinh tế của đại dịch trong 3 năm qua.
Trung Quốc bước vào giai đoạn lây nhiễm COVID-19 mức độ thấp
Giới chức cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) vừa cho biết, dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã bước vào giai đoạn lây nhiễm ở mức độ thấp với số ca mắc mới giảm dần.
Khi kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kết thúc, ngày 30/1, Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát liên hợp của Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) đã tổ chức một cuộc họp báo về tình hình trong kỳ nghỉ lễ. Tại buổi họp báo, giới chức NHC nhấn mạnh công tác phòng ngừa dịch bệnh ở các vùng nông thôn rộng lớn sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc phản đối Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ nội địa cho Huawei
Ngày 31/1, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Mỹ có kế hoạch áp đặt lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Washington đã cản trở Huawei bằng cách mở rộng khái niệm an ninh quốc gia, và kế hoạch trên là hành động độc quyền về công nghệ.
Trước đó, hôm 30/1, tờ Financial Times đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngừng cấp phép cho các công ty của nước này xuất khẩu một số mặt hàng cho Huawei và tiến tới áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc bán công nghệ Mỹ cho tập đoàn này.
Ảnh minh họa
Israel xây dựng hệ thống 'Vòm Sắt' trên không gian mạng
Phát biểu tại Hội nghị Công nghệ mạng ở Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 31/1 cho biết Đơn vị tình báo mạng tinh nhuệ 8200 đang đào tạo khoảng 20.000 sinh viên Israel với mục tiêu tạo ra một hệ thống “Vòm Sắt” phòng thủ không gian mạng của đất nước.
Thủ tướng Netanyahu xác nhận quân đội Israel đang xây dựng một trường đào tạo về tin học tại Beersheba và Đơn vị 8200 đang đào tạo khoảng 20.000 lập trình viên về an ninh mạng. Nhà lãnh đạo Israel cho rằng chính sách sử dụng chính những người đang trực tiếp làm công tác phòng thủ mạng để đào tạo cho thế hệ kế cận sẽ mang lại hiệu quả vượt trội.
Các nghi phạm thánh chiến sát hại 28 người ở Burkina Faso
Nhà chức trách địa phương ngày 31/1 xác nhận 28 người đã bị sát hại bởi những phần tử bị tình nghi là lực lượng thánh chiến ở Burkina Faso, trong đó có 15 nạn nhân bị bắt cóc hồi cuối tuần trước.
Theo thống đốc khu vực - Đại tá Colonel Jean-Charles Some, 15 thi thể bị bắn đã được tìm thấy hôm 30/1 ở khu vực gần ngôi làng Linguekoro, thuộc tỉnh miền Tây Comoe. Họ nằm trong số 24 hành khách trên 2 chiếc xe buýt mini xuất phát từ thành phố Banfora bị những đối tượng có vũ trang chặn lại ở thị trấn Linguekoro vào đêm 29/1.
Cháy tại nhà máy lọc dầu ở Thụy Điển
Ngày 31/1, cảnh sát Thụy Điển cho biết một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy lọc dầu Nynas ở thành phố Nynashamn. Theo cảnh sát và lực lượng ứng cứu khẩn cấp ở Thụy Điển, vụ hỏa hoạn đã làm một số người bị thương nhẹ.
Hình ảnh được các phương tiện truyền thông đăng tải cho thấy khói đen dày đặc bốc lên không trung. Cảnh sát đã phong tỏa khu vực, trong khi các nhân viên cứu hộ làm việc nhiệm vụ.
Sập mái nhà ở Afghanistan khiến nhiều người thương vong
Có 4 người thiệt mạng và 18 người bị thương trong một vụ sập mái nhà xảy ra tại tỉnh Balkh, miền Bắc Afghanistan ngày 30/1.
Trước đó 1 ngày, tại huyện Shigal, tỉnh Kunar cũng xảy ra một vụ sập mái nhà do tuyết rơi dày tích tụ lại khiến 3 trẻ em thiệt mạng và 6 người bị thương.