Thủ tướng: Không để tình trạng Việt Nam “chưa giàu đã già”

Xuân Lan| 21/01/2020 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làm việc với Tổ Tư vấn kinh tế, Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn tham mưu, hiến kế để làm sao Việt Nam tăng trưởng cao, có sức bật mới để thoát bẫy thu nhập trung bình, không để tình trạng “chưa giàu đã già”.

Thủ tướng: Không để tình trạng Việt Nam “chưa giàu đã già”

Thủ tướng trao đổi với các thành viên Tổ tư vấn 

Chiều ngày 20/1, tại trụ sở Chính phủ,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế.

Tại cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Kiên đã trình bày tình hình hoạt động của Tổ năm 2019 và kế hoạch công tác năm 2020. Theo đó, năm 2019, Tổ tư vấn đã cùng Ngân hàng Thế giới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hoàn thành nghiên cứu về mô hình tăng trưởng mới, dựa trên đổi mới, sáng tạo. Tư vấn với Thủ tướng về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cả về lượng và chất trong năm 2019, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn và doanh nghiệp nước ngoài trong xung đột thương mại Mỹ-Trung; về các định hướng cần đưa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

Trong năm 2020, Tổ sẽ phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội để tư vấn với Thủ tướng những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cả về lượng và chất.

Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước, trong đó có tình hình quan hệ thương mại Mỹ-Trung, để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về công tác chỉ đạo, điều hành trước những vấn đề mới phát sinh.

Tham mưu với Thủ tướng những vấn đề trung và dài hạn để hướng tới thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như để chuẩn bị văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tham gia ý kiến đối với việc xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các giải pháp phát triển ngành cơ khí, nhất là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ; nghiên cứu, đề xuất mô hình hợp tác xã hiện đại, gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi sự phát triển hài hòa của các địa phương. Nghiên cứu cân đối vĩ mô sản xuất điện, giữa thủy điện, điện khí và điện than, đối phó với nguy cơ hạn hán trong năm 2020 và những năm tới.

Tại cuộc làm việc, một số thành viên của Tổ tư vấn nêu các giải pháp về đẩy nhanh tốc độ triển khai một số dự án trọng điểm (đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất...); giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn đối với động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, phải khánh thành cho được một số công trình lớn trong năm 2020; cần ưu tiên hơn cho đầu tàu kinh tế để nền kinh tế có đầu tàu khỏe, giúp tăng trưởng mạnh hơn.

Đánh giá cao phương hướng công tác của Tổ tư vấn, Thủ tướng cho rằng, “cần thảo luận cách nào tốt hơn để phát huy trí tuệ của các đồng chí đóng góp cho Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch đặt ra” với tinh thần là năm 2020 đạt kết quả cao hơn, tốt hơn năm 2019.

Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn tham mưu, hiến kế để làm sao tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, “có giải pháp mới hơn để điều hành nhằm ổn định và phát triển”. Vấn đề dài hơi hơn là có sức bật nào mới để thoát bẫy thu nhập trung bình, không để tình trạng “chưa giàu đã già”.

Nhắc lại đánh giá của IMF về thành quả mà Việt Nam đạt được vừa qua là có sự năng động trong chính sách, Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn tiếp tục đóng góp các sáng kiến mới, ý tưởng mới với cơ sở khoa học chặt chẽ, để vượt qua được những vấn đề mà chúng ta hay vấp phải.

Thủ tướng đề nghị Tổ cần theo dõi sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước để kịp thời phát hiện vấn đề mới, tham mưu cho Thủ tướng, nhất là các biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh chính sách. “Linh hoạt, kịp thời, đúng đắn đối với chính sách là rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Cần tư vấn các thông điệp chính sách và công tác chỉ đạo để đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

Bên cạnh ngắn hạn, Tổ góp ý sâu hơn về chiến lược bởi “có những việc hôm nay là tốt nhưng hậu quả ngày mai lại xấu”. Do đó, cần có tầm nhìn xa, nhất là gắn với kế hoạch 2021-2025. Tổ cần tích cực tham gia góp ý xây dựng thể chính sách, pháp luật, đặc biệt phát hiện nút thắt cần tháo gỡ; giúp Thủ tướng làm tốt công tác truyền thông chính sách, những gì không đồng tình có thể trao đổi trực tiếp với Thủ tướng và Thủ tướng sẵn sàng lắng nghe. Thủ tướng mong muốn nâng cao chất lượng ý kiến tư vấn, bảo đảm tính thực tiễn, thiết thực, khách quan, độc lập, thẳng thắn, vì lợi ích chung của đất nước và các thành viên trong Tổ tư vấn là những pháo đài quan trọng để bảo vệ đường lối, chính sách.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của Tổ trưởng Tổ tư vấn là người thay Thủ tướng liên lạc, kết nối các thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học và tổng hợp những vấn đề đặt ra. Đồng thời, mỗi thành viên Tổ tư vấn có vai trò riêng, sở trường trong các lĩnh vực.

Phải tiếp tục đổi mới cách làm việc để nâng cao tính hiệu quả, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn phối hợp với VPCP xây dựng quy chế hoạt động của Tổ trong tháng 2/2020, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Không để tình trạng Việt Nam “chưa giàu đã già”