Thủ tướng: Chống tư tưởng “ngại làm, ngại dấn thân”

Xuân Lan| 19/05/2021 17:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại buổi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần tấn công trong công việc, chống tư tưởng “ngại làm, ngại dấn thân”

tt-bo-lao-dong.jpg
Thủ tướng: Chống tư tưởng “ngại làm, ngại dấn thân”

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định và phát triển bền vững đất nước, quan điểm này đã được phổ biến, cụ thể hóa, thể chế hóa ngày càng hoàn thiện hơn.

Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa với điều kiện đất nước

Thủ tướng đề nghị Bộ và ngành tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó tập trung vào một số tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất, Bộ bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình hành động thực hiện sắp được Chính phủ ban hành và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết. Chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, hành động thiết thực, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa, hợp lý, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đất nước, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của của Đảng và Nhà nước. Bảo đảm công khai minh bạch, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm và khen thưởng kịp thời.

Thứ hai, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc quan điểm về chính sách xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó khẳng định phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đây là nhiệm vụ lớn, phải thể chế hóa, cụ thể hóa, thực hiện bằng được tư tưởng rất quan trọng được đúc kết từ thực tiễn này.

Thứ ba, phát huy truyền thống, khí thế tốt đẹp của ngành và những thành tựu đạt được, không thỏa mãn, chủ quan, tiếp tục kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển; tất cả vì sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, gạt bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, không trông chờ, ỷ lại, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể…

Thứ tư, suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. “Suy nghĩ không chín, tư tưởng không thông, quyết tâm không cao thì việc gì cũng khó, nỗ lực không lớn thì không thể vượt qua được những khó khăn trong bối cảnh mới, không hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện không có trọng tâm, trọng điểm thì không ra sản phẩm, không đạt được mục đích trong bối cảnh yêu cầu công việc cao, nhu cầu lớn nhưng nguồn lực, thời gian có hạn”, Thủ tướng phân tích thêm.

Thứ năm, với với những vấn đề phát sinh phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, căn cứ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để xử lý sớm, kịp thời. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tấn công trong công việc, chống tư tưởng “ngại làm, ngại dấn thân”.

Thứ sáu, bảo đảm thượng tôn pháp luật, xây dựng, hoàn thiện và thực thi tốt pháp luật. Thủ tướng lưu ý, chính sách của ngành liên quan đến mọi ngươi dân, nên mọi chính sách, thông điệp phải giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá. Làm tốt công tác truyền thông, truyền cảm hứng để người dân biết, hiểu rõ, đồng tình thực hiện. Trong công việc, phải khiêm tốn học hỏi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện, “xây dựng chính sách càng có nhiều ý kiến phản biện, càng có sự tham gia góp ý của các đối tượng bị tác động thì càng tốt”.

Thứ bảy, Thủ tướng yêu cầu có chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khắc phục các thách thức và hậu quả của tình trạng già hóa dân số, nhất là chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Thứ tám, tiếp tục nâng cao nhận thức, quan tâm sâu hơn, đầu tư nhiều hơn, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách với người nghèo, người yếu thế.

Các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Tán thành với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Bộ báo cáo, Thủ tướng đề nghị, trước hết, phải tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, những việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được.

Chủ động nghiên cứu, nắm bắt những bất cập, tồn tại, những điểm chưa phù hợp về cơ chế, chính sách, kịp thời báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế hội nhập, đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm phiền hà cho nhân dân và ngay trong nội bộ. Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Coi trọng, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông trên nhiều nền tảng, phù hợp với tình hình đất nước, thế giới và công nghệ hiện nay, làm tốt việc phổ biến, phân tích, giải thích chính sách, pháp luật, tăng cường tương tác, truyền cảm hứng cho người dân, tạo đồng thuận trong xã hội; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.

Tập trung triển khai Kết luận 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; quan tâm tạo môi trường cho trẻ em phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường lao động, nhất là lao động chất lượng cao với sự tham gia, phối hợp của nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường, năng cao năng lực dự báo nhu cầu, thị trường lao động. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện lưới an sinh xã hội, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong lĩnh vực quản lý.

Thủ tướng ủng hộ quyết tâm của Bộ trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các huyện nghèo trên cả nước, tinh thần là “càng sớm càng tốt” song phải xây dựng đề án với mục tiêu cụ thể, tiêu chuẩn, tiêu chí, cách làm rõ ràng, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, kiểm tra và giám sát để tránh tiêu cực.

Nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, chính sách phù hợp với tốc độ già hóa dân số.

Nâng cao hiệu quả quản lý công tác xuất khẩu lao động, khai thác, phát huy hiệu quả thị trường lao động ở nước ngoài, đồng thời cân đối, hài hòa giữa xuất khẩu lao động và sử dụng lao động trong nước, tránh tình trạng ồ ạt đưa ra nước ngoài những lao động có chất lượng tốt nhất nhưng hẫng hụt nguồn cung lao động trong nước.

Tiếp tục phối hợp triển khai tốt công tác hỗ trợ, giải cứu người lao động Việt Nam tại các nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với hoàn cảnh. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, người lao động thực hiện nghiêm túc 5K, các cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn COVID.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong đó tập trung sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đề xuất các giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương. Xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; xây dựng đội ngũ cán bộ đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong toàn ngành; tiến hành tổng kết, truyền cảm hứng và hướng dẫn công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng tại các cơ sở, đơn vị sự nghiệp trong ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Chống tư tưởng “ngại làm, ngại dấn thân”