Tòa tuyên án

Thủ đoạn làm giả giấy tờ, bằng cấp của nhóm đối tượng

Gia Ân- Huyền Trang 17/04/2023 - 16:53

Phạm Duy Phong đã thiết lập đường dây làm giả các tài liệu, bằng cấp của cơ quan, tổ chức cho nhiều người sử dụng vào các mục đích khác nhau. Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này rất bài bản, tinh vi, phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng người.

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các bị cáo gồm: Phạm Duy Phong (SN 1992) và Nguyễn Duy Cường (SN 1994) cùng trú TP Vinh (Nghệ An); Nguyễn Ngọc Kiều Linh (SN 2000), Hoàng Thị Quỳnh Anh (SN 1999) cùng trú tỉnh Quảng Trị; Trần Mạnh Hùng (SN 1999), trú tỉnh Quảng Bình.

Các bị cáo Nguyễn Văn Đông (SN 1985), Nguyễn Văn Đạt (SN 1997), Thạch Thị Yến (SN 1971), Nguyễn Văn Hùng ( SN 1995), Đinh Như Lâm (SN 1998) cùng trú tỉnh Ninh Bình; Nguyễn Đức Hùng (SN 2001) tỉnh Khánh Hòa; Hoàng Trung Hiếu (SN 1996), trú tỉnh Nam Định và Trần Thị Thúy Hằng (SN 1982) trú tỉnh Hà Tĩnh.

Cáo trạng thể hiện, ngày 11/11/2021, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam tổ chức xét duyệt hồ sơ xin thị thực đi lao động tại Cộng hòa Séc thì phát hiện bằng tốt nghiệp Cao đẳng Quản trị kinh doanh ghi tên Hoàng Trung Hiếu và bằng Cao đẳng, bảng ghi kết quả học tập ghi tên Nguyễn Văn Hùng là giả.

anh_toa_phat_dinh_17_04_03.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện 2 đường dây làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức do Phong cầm đầu.

Theo đó, quá trình sử dụng mạng xã hội, Phong thấy nhiều người có nhu cầu cần làm giả các tài liệu như: giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân, đăng ký xe máy, ô tô, bằng tốt nghiệp các cấp… nên đã tìm hiểu cách thức để làm giả tài liệu bán cho người có nhu cầu.

Khoảng đầu năm 2020, Phạm Duy Phong tìm kiếm, kết bạn và thỏa thuận với người sử dụng Zalo Nobita (gọi tắt là “Nobita”) làm giả các tài liệu của cơ quan, tổ chức để bán lại cho những người có nhu cầu.

Phong đã thỏa thuận với “Nobita” làm giả các tài liệu gồm: chứng minh nhân dân, đăng ký xe máy, ô tô, bằng tốt nghiệp các cấp… với giá từ 200 nghìn đến 2 triệu đồng.

Thời gian đầu Phong tự làm một mình, sử dụng mạng Facebook để đăng tải quảng cáo làm giả các loại tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.

Người có nhu cầu sử dụng sẽ liên hệ trực tiếp với Phong để trao đổi thỏa thuận giá cả làm các tài liệu giả. Lúc này, Phong báo giá cao chênh gấp 3,4 lần so với thỏa thuận với Nobita. Sau đó, Phong sẽ chuyển thông tin, tài liệu cần làm giả cho “Nobita” để làm giả.

Khoảng 3 tháng đến 4 tháng sau, do nhiều người có nhu cầu mua tài liệu giả nên Phong đã đăng tin quảng cáo “tuyển nhân viên làm sale online” (mục đích là tuyển thêm người làm giả tài liệu với Phong).

Từ tháng 6/2020, Phong bắt đầu tuyển người làm tài liệu giả và phân chia ra các nhóm để mỗi người làm những công việc cụ thể. Trong đó, một nhóm sẽ làm nhiệm vụ quảng cáo làm giả tài liệu trên các trang mạng Internet để tìm khách hàng, thỏa thuận làm giả tài liệu.

Nhóm khác sẽ có nhiệm vụ theo dõi các trang fanpage quảng cáo làm giả tài liệu trên mạng internet, tổng hợp số điện thoại, thông tin của khách hàng. Sau đó, đưa lên nhóm người quản lý để trực tiếp thỏa thuận giá cả, lấy thông tin của người cần mua tài liệu giả.

Một nhóm khác là người quản lý số điện thoại Hotline, trực tiếp thỏa thuận giá cả, lấy thông tin của người cần mua tài liệu giả. Bên cạnh đó còn có nhóm lên mã đơn, đóng hàng rồi gửi chuyển phát nhanh cho người có nhu cầu mua tài liệu giả.

Trong khoảng thời gian từ đần năm 2020 đến tháng 1/2022, Phong đã tổ chức, điều hành, phân công nhiệm vụ cho Nguyễn Duy Cường, Nguyễn Ngọc Kiều Linh; Trần Mạnh Hùng, Hoàng Thị Quỳnh Anh; Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Đạt và Nguyễn Đức Hùng làm giả 32 loại tài liệu gồm: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; Bằng tốt nghiệp Đại học; Bằng tốt nghiệp Cao đẳng; Bảng kết quả học tập; Giấy chứng nhận đăng ký ô tô, Căn cước công dân…. để cho nhiều người sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, thu lợi bất chính hơn 527 triệu đồng.

Hành vi phạm tội của các đối tượng bị phát hiện khi Nguyễn Văn Hùng sử dụng bằng Cao đẳng, bảng ghi kết quả học tập giả nộp tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc để xin thị thực đi lao động tại Cộng hòa Séc bị phát hiện.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt.

HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan nhà nước về con dấu, tài liệu. Các bị cáo có đủ năng lực hành vi trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi nên vẫn vi phạm.

Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, tòa tuyên phạt Phạm Duy Phong 39 tháng tù, Nguyễn Ngọc Kiều Linh 36 tháng tù, bị cáo Nguyễn Duy Cường 21 tháng tù.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 9 tháng tù đến 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đoạn làm giả giấy tờ, bằng cấp của nhóm đối tượng