Ngày 18/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần tranh luận trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Mở đầu phiên toà, bị cáo Lan xin HĐXX xem xét lại cho mình về tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Lan cho rằng, VKS đề nghị giảm án ở tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” thì không có ý nghĩa gì đối với mức án tử hình đối với mình.
Theo bị cáo Lan, khi tham gia tái cơ cấu SCB, lúc đó Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã kiểm tra những khoản vay của SCB trước đó là hơn 125.000 tỷ đồng, nên không liên quan đến mình.
HĐXX đề nghị đại diện ngân hàng SCB tập trung, lưu ý nội dung này để làm rõ trong phần tranh luận sắp tới.
Bị cáo Lan trình bày tiếp: “Khoản thứ nhất là số nợ của SCB để lại hơn 125.000 tỷ đồng, trong đó có Công ty Phương Trang, Công ty Tân Thuận… nằm trong 13 khoản. Những khoản nợ này không thể nói của bị cáo được”.
“Khoản thứ hai là 58.000 tỷ, gồm các dự án Phú Quốc, Bình Chánh, Bình Hưng… cũng không liên quan đến bị cáo vì SCB tự đi “mượn” đi “cấm”. Khoản thứ ba là bị cáo cho SCB mượn 3 toà nhà Ba Son, dự án 87 Cống Quỳnh và chồng bị cáo cho mượn 500.000 đô dùng để trả nợ. Tổng cộng là 65.000 tỷ bị cáo cho SCB mượn, số tiền này không thể nói bị cáo chiếm đoạt được”, bị cáo Lan nói.
“Xin HĐXX cho anh em SCB xác định rõ vấn đề này, bị cáo cho mượn để trả nợ mà bây giờ quy tội cho bị cáo chiếm đoạt số tiền đó…”.
Luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho Trương Mỹ Lan) nói, cơ bản có 4 phần mà Trương Mỹ Lan nói phải trừ đi cho mình.
Đó là khoản nợ 100.000 tỷ trong công văn ngày 8/7/2024 của ngân hàng SCB gửi HĐXX của 13 khoản/18 khoản. Khoản nợ thứ 2 liên quan đến 3 dự án Thành Hiếu, Hồng Phát và T&H Hạ Long – Âu Lạc Quảng Ninh. Khoản nợ này có giá trị khoảng 54.000 tỷ là của các công ty chứ không liên quan đến bị cáo Lan.
“SCB buộc bà Lan chịu các khoản đó là không đúng”, luật sư nói.
Khoản nợ thứ 3 là do SCB xác định bị cáo Lan đã chiếm đoạt 65.000 tỷ. Luật sư nói số tiền này là khách hàng làm việc trực tiếp tới SCB, không liên quan đến bị cáo Lan.
Luật sư nói tiếp, ngoài ra còn khoản tài sản vật chất hiện hữu của SCB, theo kết luận điều tra thì thời điểm khởi vụ án, SCB đang quản lý là 45.000 tỷ; tài sản gán nợ của SCB là 32.000 tỷ; và khoản dự phòng rủi ro hao mòn tài sản cố định là 23.300 tỷ.
“Như vậy, cả 3 khoản này đều là tài sản nằm trong SCB, do SCB quản lý nắm giữ nhưng nay lại cộng vào nói rằng do bà Lan chiếm đoạt là không đúng”, luật sư giãi bày.
Về công thức tính tiền, luật sư trình bày, vào ngày 15/11 là 415.000 tỷ trừ đi 295.000 tỷ, rồi trừ đi 5.000 tỷ và trừ đi giá trị của 440 mã tài sản chưa được định giá. Sau đó, phải trừ tiếp các khoản tài sản vừa nêu ở phần trên sẽ ra số tiền bị cáo Lan chiếm đoạt.
“Như vậy, nếu trừ đi tất cả các khoản đó, áp dụng công thức đó thì thấy rằng SCB không có tiền để cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt”, luật sư trình bày.
Luật sư nói, việc bà Lan và luật sư yêu cầu làm rõ số liệu, dù được trừ đi bao nhiêu tiền đi nữa nhưng không phủ nhận bị cáo Lan đã cam kết dùng toàn bộ tài sản của mình để thanh toán các khoản tiền mà NHNN đã rót cho SCB. Trong đó có 1.121 mã tài sản và 658 mã tài sản để bồi hoàn cho NHNN Việt Nam.
“VKS nói, mặc dù bà Lan rất tích cực khắc phục hậu quả nhưng số tiền mặt chưa đủ để có điều kiện được xem xét. Luật sư cho rằng, quan điểm của VKS là đúng quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với thực tế vụ án. Với đặc thù của vụ án này, nguồn tài sản chính là nguồn tiền mặt để có thể thu hồi, để khắc phục hậu quả vụ án. Nếu buộc bà Lan có ¾ số tiền mặt để nộp thì không bao giờ có”, luật sư nói.
Bản án sơ thẩm xác định, trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.
Hồi tháng 4, TAND TP.HCM tuyên phạt bà Lan mức án tử hình về các tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Ngoài ra, bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại là 677.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi một số khoản vay đã được tất toán sau khi khởi tố vụ án, bị cáo Lan còn phải bồi thường gần 674.000 tỷ đồng cho SCB.
Tòa đồng thời đưa ra nhiều quyết định về các giao dịch dân sự của bị cáo Lan và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhằm thu hồi tài sản để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Trương Mỹ Lan.