Hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin và bảo vệ nhà báo

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhà báo - một trong những nghề nguy hiểm trên thế giới hiện nay đang ngày càng vấp phải nhiều rào cản khi tác nghiệp, thậm chí bị hành hung, hăm dọa. Mong muốn thỏa mãn nhu cầu thông tin mà xã hội muốn tiếp cận các nhà báo cũng không dễ gì có được khi các cơ quan nắm giữ thông tin lảng tránh cung cấp…

Hạn chế được tình trạng này sẽ không chỉ tạo điều kiện cho nhà báo mạnh tay bút chiến mà còn góp phần lành mạnh hóa xã hội. Đó cũng là mục đích của một nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) tiến hành và được công bố sáng 17-10 tại Hà Nội.

Các phóng viên đang tác nghiệp


12 nhóm hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp


Kết quả khảo sát của RED Communication năm 2011 cho thấy, 87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia cho biết đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức, mà đa phần là nhà báo viết về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có ít nhất 8 vụ hành hung, lăng mạ nhà báo khi tác nghiệp.


Nhóm khảo sát đã nhận diện được khoảng 12 nhóm hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp đó là: Né tránh cung cấp thông tin; gây khó dễ; gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp; mua chuộc; thu giữ phương tiện tác nghiệp; đe dọa; phá hoại phương tiện tác nghiệp; giữ người; quấy rối tình dục; bôi nhọ, vu khống; tấn công, gây thương tích và trả thù. Hậu quả của những hành vi cản trở này qua khảo sát nhóm 1.662 người tham cho thấy đã có 76% câu trả lời rằng thiệt thòi nhất thuộc về xã hội, chỉ có 16% câu trả lời rằng nhà báo bị thiệt thòi, 5% câu trả lời chọn cơ quan báo chí thiệt thòi và 3% câu trả lời là thiệt thòi thuộc về Nhà nước.


Căn cứ kết quả khảo sát cũng có thể thấy báo chí tiếp cận với cơ quan công quyền là khó nhất và bị từ chối nhiều nhất.


Lảng tránh cung cấp thông tin cho nhà báo được coi là một trong những cản trở lớn nhất đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo, vì “nguyên liệu” quan trọng cho các nhà báo thực hiện nhiệm vụ chính là thông tin. Trong khi các thông tin mà xã hội muốn tiếp cận đang nằm trong tay các cơ quan chức năng, những nhà quản lý, cơ quan tiến hành tố tụng…


Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận định, đây là thực tế để lại nhiều thiệt hại to lớn, nhất là lòng tin của người dân đối với các cơ quan công quyền, sự bức xúc của báo giới, thậm chí xen lẫn cả những mặc cảm, ác cảm của những người làm báo khi không được tiếp cận những thông tin bản chất nhất, được giải đáp thuyết phục nhất những băn khoăn, thắc mắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp người phát ngôn còn né tránh, ngại động chạm với các vấn đề nhạy cảm, nên thông tin đến báo chí bị hạn chế. Trong nhiều trường hợp, thông tin cho báo chí vẫn còn thiếu công khai, minh bạch, thậm chí có tình trạng lãnh đạo bao biện thông tin, khiến xã hội không được thỏa mãn thông tin.


Khó hơn khi tiếp cận vấn đề tham nhũng


Tại hội thảo, nhiều nhà báo nhận đinh, trong khi báo giới tìm mọi cách để lấy thông tin, thì người có trách nhiệm và khả năng cung cấp thông tin lại tìm mọi cách để che giấu, nhất là những thông tin tiêu cực. Nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương còn “nợ đọng” nhiều câu hỏi của báo chí và dư luận.


Theo thống kê, có đến 60-80% vụ việc tham nhũng là do báo chí phát hiện, hoặc thông qua báo chí để công khai, xử lý những hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, các cuộc họp của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng thường đóng kín; họp báo là kênh chính thức nhưng không thường xuyên hoặc không tổ chức… Nên khi phóng viên phản ánh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thường tự điều tra với nguồn thông tin ít, khó khăn về tìm kiếm chứng cứ, nhiều rủi ro. Nhưng không ít trường hợp thông tin báo chí bị các cơ quan chức năng “lơ đi” khiến thông tin trở nên “vô tác dụng”. Hoặc sử dụng những tác động “cửa sau” để ngăn chặn nhà báo công khai thông tin mình đã thu thập được. Hành vi cản trở “mềm” này khiến các nhà báo phải bó tay đứng nhìn tiêu cực.


Nhà báo Cao Hùng (Báo Lao động) - một trong những nhà báo đã từng bị hành hung khi có nhiều bài viết chống tiêu cực cho rằng, cần có kênh kết nối giữa báo chí và cơ quan công quyền để giải quyết những thông tin về chống tham nhũng nói riêng và chống tiêu cực nói chung. Đồng thời, phải có cơ chế pháp lý để bảo vệ thông tin điều tra có căn cứ của nhà báo và cần xác định trách nhiệm phản hồi thông tin cho báo chí. Như vậy, sẽ góp phần cho các cơ quan chức năng xử lý những hành vi tiêu cực trong xã hội.


Hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin, bảo vệ nhà báo


Thực tế sau 3 năm triển khai Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin, việc cung cấp thông tin cho báo chí còn hạn chế, chưa thể hiện rõ. Theo các văn bản pháp quy, các cơ quan ban ngành đã có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin nhưng trách nhiệm đến đâu, minh bạch đến đâu còn liên quan đến những vụ việc cụ thể.


Luật Báo chí và Quy chế phát ngôn vừa là cơ sở pháp lý để nhà báo hành nghề vừa là cầu nối đan kết giữa báo chí với các tổ chức, cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, văn bản này chưa có quy định cụ thể về chế tài đối với hành vi từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên mà chỉ có một điều khoản chung chung cho các hành vi vi phạm như, “…tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tính đến tháng 3-2011, cả nước có khoảng 17.000 nhà báo được cấp thẻ và gần 5.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí (chưa được cấp thẻ nhà báo).Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 2006 đến hết quý 1 năm 2010, có 18 vụ cản trở, hành hung phóng viên, trong đó số vụ cản trở là 5, số vụ hành hung là 13, trong đó chỉ có 4 vụ được khởi tố. Tất cả các vụ khởi tố đều theo Điều 104 BLHS (tội Cố ý gây thương tích) hoặc các điều luật khác mà không có một vụ việc nào khởi tố theo Điều 257 (tội Chống người thi hành công vụ).


Nhiều ý kiến tham gia thảo luận cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề tiếp cận thông tin cũng như có chế tài nghiêm đối với hành vi không cung cấp thông tin cho báo chí.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản cần thiết trong Luật Báo chí để đảm bảo an toàn về tính mạng, nhân phẩm cho các phóng viên khi đang tác nghiệp. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về Luật Báo chí để các cơ quan phối hợp đảm bảo quyền cho phóng viên được thực thi tốt hơn nữa.

Mai Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện cơ chế cung cấp thông tin và bảo vệ nhà báo