Tạo hành lang pháp lý để đầu tư công hiệu quả, tránh thất thoát, tham nhũng

Mai Thoa| 01/03/2019 10:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quy định về đầu tư công sao cho chặt chẽ, hiệu quả, tránh thất thoát, tham nhũng… là vấn đề đặt ra khi sửa Luật Đầu tư công. Tại phiên họp UBTVQH thứ 31 vừa qua, các đại biểu đã cho ý kiến về vấn đề này.

Chỉ sửa những nội dung cần thiết

Theo dự thảo Luật trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 31, Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công với phạm vi sửa đổi, bổ sung lên tới 80 điều. Tuy nhiên, việc Luật Đầu tư công từ khi có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2015 đến nay mới được 4 năm đã phải sửa đổi toàn diện khiến các đại biểu băn khoăn và cho rằng nếu phải sửa toàn bộ thì phải hết sức cân nhắc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phần nhiều ách tắc là do tổ chức thực hiện, chứ không hoàn toàn do luật. Vì vậy, “chỗ nào bất hợp lý thì sửa, đừng để sửa xong rồi lại tiếp tục có bất hợp lý, có cái cần sửa thì không sửa. Về tên gọi, phạm vi không quan trọng lắm, miễn là sửa được, đừng có nói là ách tắc do luật”- Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, qua theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng và các vụ án thời gian qua, các dự án đầu tư công có những đặc điểm là đa số các dự án được đánh giá là chất lượng tốt. Tuy nhiên đã nổi lên một số dự án xuống cấp rất nhanh khi đưa vào sử dụng; thời hạn chậm tiến độ; đặc biệt có một số vụ án chứng minh rằng thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư công là rất lớn. Cùng với đó là những nguy cơ tham nhũng trong khu vực các dự án đầu tư công này khá cao, một số thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái... Trong hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng tập trung vào khu vực các dự án đầu tư công.

Tạo hành lang pháp lý để đầu tư công hiệu quả, tránh thất thoát, tham nhũng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Vậy nên, theo bà Nga, khi sửa Luật cần lưu ý vấn đề này. Giữa các dự án đầu tư công với các dự án đầu tư tư nhân có 2 điểm lớn nhất, là chất lượng các dự án đầu tư của tư nhân, của các tập đoàn lớn như Vingroup và một số tập đoàn khác chất lượng khá tốt nhưng chất lượng các dự án đầu tư công rất có vấn đề, nhất là các dự án đường giao thông. Bởi vậy, cần phải xem xét rất kỹ trong sửa đổi dự án Luật này.

Luật hiện hành có "đời sống" quá ngắn (Luật có hiệu lực từ 1/1/2015), như vậy mới chỉ gần 4 năm đã rục rịch để sửa đổi nên theoý kiến của Chủ tịch Quốc hội, những gì gây vướng mắc trong thực tiễn thì tiến hành sửa là phù hợp, bà Nga nêu.

Bám sát tinh thần Hiến pháp 2013

Một số nội dung không cần phải sửa theo như ý kiến của các đại biểu, gồm: quy định tách riêng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với dự án nhóm A, B, C. Các ý kiến cho rằng, đây là việc không nên, vì ngân sách tổng thể của từng dự án đã xác lập phần vốn đền bù giải phóng mặt bằng là bao nhiêu. Vừa qua có trường hợp Dự án sân bay Long Thành, chúng ta tách riêng đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm giải quyết thực tế, đẩy nhanh tiến bộ đầu tư toàn bộ dự án, chứ vốn đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn nằm trong tổng vốn của dự án đó. Việc tách ra là không có cơ sở, vì công tác này nằm trong khối thống nhất của một công trình, dự án. Hơn nữa, tại sao tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trước đó là 10.000 tỷ đồng, bây giờ lại là 35.000 tỷ đồng và tiêu chí nằm ở đâu nên phân tích rõ hơn để UBTVQH có cơ sở xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã khẳng định quan điểm: Luật Đầu tư công rất tích cực, khắc phục được nhiều bất cập trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện có một số vấn đề thống nhất với nhau cần sửa đổi. Tại phiên họp này UBTVQH đồng tình với việc nhất trí việc sửa đổi phạm vi và tên gọi, tùy thuộc vào quá trình rà soát lại xem với tinh thần tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy sự phát triển, hạn chế tối đa việc sửa các điều thấy chưa cần thiết hoặc sửa những gì mà phá vỡ hệ thống pháp luật.

UBTVQH cũng đã thống nhất sửa đổi một số nội dung. Đó là nguồn vốn đầu tư công, theo hướng là nguồn thu để lại cho các đơn vị hoặc các đơn vị sự nghiệp có thu tự chủ về tài chính, dùng thay cho từ "ngoài ngân sách", vẫn là vốn đầu tư công nhưng theo một trình tự riêng, phù hợp với quyền tự chủ tài chính của các đơn vị, nhưng cần quy định cụ thể; không tách riêng đền bù giải phóng mặt bằng để trở thành một dự án riêng.

Về tiêu chí dự án đầu tư công phân loại quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, UBTVQH đồng ý cho rà soát lại nhưng phải hợp lý, không chỉ về mặt giá trị mà còn cả những yếu tố liên quan đến môi trường, xã hội,..

Dự án khẩn cấp là dự án liên quan đến thiên tai, địch họa, nếu theo trình tự thì nó không thể giải quyết được, chứ không có đặc thù, đặc biệt. Cho nên phải làm rõ vì sao phải điều chỉnh, giải trình với Quốc hội, ví dụ cách đặt vấn đề của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là có tiêu chí, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Về quản lý nguồn vốn ODA, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải lấy Luật Quản lý nợ công làm gốc, phân công nhiệm vụ cho 2 cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hợp lý, tránh tình trạng chồng chéo và không rõ trách nhiệm; không đặt ra vấn đề đầu tư công 3 năm cuốn chiếu, lại thêm một thủ tục nữa, lại rườm rà, đã phức tạp rồi lại còn phức tạp thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu quán triệt tinh thần khi sửa Luật này cần phải bám sát quan điểm của Hiến pháp 2013 và tinh thần chỉ đạo của Trung ương là tiếp tục phân cấp, làm rõ trách nhiệm trong đầu tư công. Thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đầu tư công không chỉ phụ thuộc vào tính chất các nguồn vốn, nếu nói vốn từ Trung ương và Trung ương quyết định chủ trương đầu tư sẽ phiến diện. Vậy nên, quan điểm phân cấp nên theo hướng: Các dự án mặc dù quy mô và vốn lớn, các dự án phức tạp mà các địa phương chưa có điều kiện để thẩm định phê duyệt thì có thể để Trung ương. Còn những dự án đơn giản hơn thì phân cấp về địa phương…

Luật Đầu tư công đã giải quyết được những vấn đề đặt ra như dàn trải, phân tán nguồn lực. Sau gần 4 năm thực hiện, luật đã phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi. Việc sửa đổi Luật này với tinh thần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sự phát triển, song cần hạn chế tối đa việc sửa các điều chưa cần thiết hoặc sửa luật mà phá vỡ hệ thống pháp luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo hành lang pháp lý để đầu tư công hiệu quả, tránh thất thoát, tham nhũng