Hôm nay, Thủ tướng Nepal thăm chính thức Việt Nam

Trọng Bằng| 09/05/2019 11:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal K P Sharma Oli và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9-12/5.

Hôm nay, Thủ tướng Nepal thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos tháng 1/2019.

Chuyến thăm chính thức diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Nepal phát triển thuận lợi, đặc biệt là hợp tác kênh đảng; hợp tác kinh tế-thương mại gần đây có nhiều khởi sắc.

Các hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân có nhiều tiềm năng khi ngày càng có nhiều khách du lịch, phật tử Việt Nam đến Lumbini, nơi sinh của Đức Phật để chiêm bái và thám hiểm dãy núi Everest.

Hai bên ủng hộ lẫn nhau, phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc.

* Việt Nam và Nepal thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/5/1975 và duy trì mối quan hệ ngày càng tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị cho đến thương mại.

Nhiều đoàn của Nepal đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch, Hàng không (tháng 12/2004); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã (tháng 1/2009); Chánh án Tòa án Tối cao (tháng 11/2009); Bộ trưởng Thương mại (tháng 3/2017). Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Nepal, tiến sỹ Rajesh Kazi Shrestha thăm Việt Nam (tháng 4/2018).

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos (tháng 1/2019).

Bên cạnh tăng cường trao đổi các phái đoàn chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn doanh nghiệp, ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa hiệp hội thương mại hai nước.

Các hoạt động này góp phần thúc đẩy và gắn kết hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại Nepal-Việt Nam. Điều này tạo ra cơ hội và tiền đề vững vàng để cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động thương mại và kinh doanh, thiết lập thêm nhiều mối quan hệ giữa doanh nghiệp hai nước.

Qua 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Việt Nam đã viện trợ cho Nepal 50.000 USD để khắc phục hậu quả vụ động đất năm 2015.

Nepal cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam trong công tác bảo hộ cứu trợ công dân. Hai bên đang thúc đẩy ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; đồng thời lập cơ chế tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao.

Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal được thành lập tháng 9/2014. Lãnh sự danh sự Việt Nam tại Kathmandu được lập tháng 10/2016.

Trong lĩnh vực hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước ủng hộ nhau, phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Nepal đã ủng hộ Việt Nam có nền kinh tế thị trường (tháng 10/2014), ứng cử vào Hội đồng nhân quyền (tháng 11/2013), Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam ủng hộ Nepal vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018-2020. Nepal cũng là nước tham gia thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở (AIIB).

Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal K P Sharma Oli sinh ngày 23/2/1952 tại Terhathum, Nepal; tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Himalaya, Nepal.

Tháng 2/1970,  ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Nepal (CPN).

Năm 1972, ông là Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Phong trào Jhapa.

Từ năm 1973-1987, ông bị cầm tù 14 năm liền tại các nhà tù khác nhau trong cả nước.

Năm 1987, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nê-pan Marxist-Leninist Thống nhất (CPN-UML); từ 1987-1990 ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng Marxist-Leninist Thống nhất (UML) phụ trách khu vực Lumbini.

Năm 1990, ông là Chủ tịch sáng lập Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Quốc gia Nepal; tháng 1/1991 là Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nepal, Nghị sỹ Quốc hội.

Năm 1992, ông giữ chức Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng CPN-UML; năm 1994-1995 ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Từ năm 1995, là Trưởng Ban các vấn đề Quốc hội.

Tháng 2/2003, ông là Ủy viên Ban Chấp hành và Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng CPN-UML.

Tháng 4/2006-tháng 3/2007, ông là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao. Tháng 7/2014, ông giữ chức Chủ tịch Đảng CPN-UML.

Tháng 10/2015-tháng 7/2016, ông giữ chức Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal.

Từ tháng 2/2018 đến nay, ông là Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay, Thủ tướng Nepal thăm chính thức Việt Nam