Đoàn công tác Báo Công lý tại Cột cờ Lũng Cú
Trong chuyến hành trình Tri ân Công lý với Trái tim, chúng tôi đến Hà Giang, nơi có biểu tượng thiêng liêng cột cờ Lũng Cú - điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam. Từ nhà chờ, đoàn công tác leo 279 bậc đá để chạm tới nơi địa đầu Tổ quốc. Không ai nói với ai, nhưng tất cả đều có chung một cảm xúc mãnh liệt trong lồng ngực. Khi tập hợp đội hình làm lễ chào cờ, mọi thành viên trong đoàn cảm nhận sâu sắc hai tiếng "Tổ quốc" thật gần, thật thiêng liêng…
Trong chuyến hành trình Tri ân Công lý với Trái tim, chúng tôi đến Hà Giang, nơi có biểu tượng thiêng liêng cột cờ Lũng Cú - điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam. Từ nhà chờ, đoàn công tác leo 279 bậc đá để chạm tới nơi địa đầu Tổ quốc. Không ai nói với ai, nhưng tất cả đều có chung một cảm xúc mãnh liệt trong lồng ngực. Khi tập hợp đội hình làm lễ chào cờ, mọi thành viên trong đoàn cảm nhận sâu sắc hai tiếng "Tổ quốc" thật gần, thật thiêng liêng…
Trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú là một “chóp nón” đầy kiêu hãnh, là vùng đất mà người Việt nào cũng mơ ước được một lần đặt chân đến. Tọa lạc ở nơi cao nhất của “mỏm cực Bắc”, Cột cờ Lũng Cú - di tích lịch sử quốc gia đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc Việt Nam nơi Cao nguyên đá Đồng Văn. Và miền đất ấy là biểu tượng của Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc.
Nhắc đến Hà Giang, ai trong bất kỳ chúng ta đều nghĩ đến cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú. Bởi nó dường như là biểu tượng cho mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Hồn của đá cũng như tấm lòng người Hà Giang luôn một lòng chung thuỷ sắt son với Tổ quốc. Mỗi người dân nơi đây là một cột mốc sống, luôn kiên định hết lòng bảo vệ từng gốc cây, ngọn cỏ nơi biên cương.
Linh thiêng nơi địa đầu của đất nước, Hà Giang kiên cường trong kháng chiến, quyết liệt mạnh mẽ thời bình để phát triển kinh tế mang lại đời sống ấm no cho người dân. Vì họ đã quyết tâm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Trong chuyến hành trình Công lý và trái tim ngày 22/3/2024, chúng tôi đến Hà Giang, đến với cột cờ Lũng Cú - điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam. Trải qua chặng đường hơn 200km chỉ là vách núi và vực sâu, những đoạn cua tay áo đến chóng mặt, để rồi vỡ oà cảm xúc khi xa xa nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên đỉnh ngọn núi Rồng.
Giữa bầu trời trong xanh, cờ tung bay tựa khúc quân hành ngân lên hùng tráng. Màu cờ đỏ như dòng máu đồng bào được nhuộm bởi lửa tình yêu. Chúng tôi tự hào khi được đặt chân đến địa danh lịch sử, được chạm vào cột cờ hiên ngang, sừng sững như biểu trưng cho ý chí và sự kiên cường của những con người ngày đêm canh giữ từng mảnh đá, mảnh tình quê hương, đất nước.
Từ chân núi, với 893 bậc đá lên cột cờ, ai cũng thấm mệt. Nhưng khi tận mắt thấy biểu tượng của đất nước đang uy nghi trước mặt thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Để rồi ngỡ ngàng với vẻ đẹp của chân cột cờ có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh ,minh hoạ các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang.
Rất nhanh chóng, đội nghi lễ của Đồn Biên phòng Lũng Cú đã có mặt và cả đoàn tập hợp thành 6 hàng trước cột cờ. Người điều hành buổi lễ là đồng chí Trần Đức Vinh, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Công lý.
Trong không khí nghiêm trang dưới lá cờ Tổ quốc, tiếng hô "Nghiêm! Chào cờ, chào!". Tất cả các thành viên trong đoàn, nhân dân và du khách đều đứng hiên ngang, phóng mắt hướng lên lá Quốc kỳ và đồng thanh hát Quốc ca. Những giai điệu hào hùng được vang lên, hòa nhịp cùng tiếng gió của cao nguyên đá càng làm cho không khí của buổi lễ thêm phần linh thiêng và xúc động.
Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi là người con của dân tộc Việt Nam, tự hào về dải đất hình chữ S của chúng tôi. Và tự hào khi trong giờ phút linh thiêng này, chúng tôi được cất vang lời bài hát Quốc ca ở nơi cực Bắc của Tổ quốc mình. Trên đỉnh cao, gió biên ải rít ầm ào nhưng tiếng hát của các thành viên đoàn hành trình át cả tiếng gió…
“Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc…”
Không ai bảo ai, không cần ai bắt nhịp, chỉnh phách từng câu hát, từng nỗi niềm như hoà chung vào làm một. Chẳng còn phân biệt là du khách nước ngoài, người dưới xuôi hay ở miền ngược. Tất cả chúng tôi như là một dưới lá cờ đỏ sao vàng. Giữa cái nắng trong xanh của mây trời Hà Giang, bên trái lồng ngực của chúng tôi càng được hun thúc, rạo rực bởi ngọn lửa của niềm kiêu hãnh. Tự hào lắm Việt Nam ơi! Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận hai từ "Tổ Quốc" thật gần, thật thiêng liêng đến vậy…
Đồng chí Trung tá Kim Xuân Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, chia sẻ: Nghi lễ chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú được tiến hành thường xuyên nhằm giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới và du khách lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua đó, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, khát vọng vươn lên, cùng nhau quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở nơi miền đá, báu vật ở thung lũng tươi đẹp nơi đây không phải là mật ong có màu trong vắt, không phải là những chiếc áo dệt của người Mông hay là thung lũng hoa tam giác mạch đẹp diệu kỳ. Báu vật của Lũng Cú chính là lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 (6x9m) gắn với ý nghĩa 54 dân tộc anh em một nhà. Tại đây, mỗi lá cờ là một câu chuyện, một minh chứng cho hồn thiêng sông núi nơi địa đầu Tổ quốc. Mỗi lá cờ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình lại được các chiến sỹ gấp lại, ghi mã số, ngày thượng cờ, ngày hạ cờ và được bảo quản một cách trang nghiêm.
Du khách Nguyễn Tiến Thành (50 tuổi, Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh), xúc động chia sẻ: “Tôi thật may mắn, đợt này tới Hà Giang được dự lễ chào cờ, tôi đã khóc khi ca khúc “Tiến quân ca” hùng tráng cất lên, lá cờ lớn tung bay trên bầu trời trong xanh. Việt Nam rất đẹp và Hà Giang tuyệt đẹp khi có Cột cờ Lũng Cú - biểu tượng nơi địa đầu Tổ quốc”.
Buổi chào cờ kết thúc cũng là lúc các thành viên trong đoàn được nghe về những câu chuyện, truyền thuyết tại Lũng Cú. Theo các già làng, trưởng bản kể lại rằng: Xưa kia, núi Rồng là nơi Rồng tiên thường hay đậu xuống mỗi khi xuống trần gian du ngoạn, vì yêu mến cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời nơi đây, mà Rồng tiên thường đậu xuống ngọn núi trước làng. Nhưng Rồng tiên cũng nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng cực khổ, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nên trước khi về trời, Rồng tiên đã động lòng thương đã để hai con mắt của rồng tại nơi này...
Chẳng thế mà, Lũng Cú nơi đỉnh núi Rồng linh thiêng ghi chép lịch sử ngàn năm văn hiến của mảnh đất hình chữ S từ địa đầu Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau những thăng trầm lịch sử, hào hùng hào khí dân tộc có truyền thống nồng nàn yêu nước, luôn bất khuất để bảo vệ vùng trời, dải đất biên cương cho từng gốc cây ngọn cỏ, thiêng liêng của con Rồng cháu Tiên.
Và ngày nay, con cháu đến với miền đất địa đầu Tổ quốc, nơi cột cờ Quốc gia đã trở thành biểu tượng. Người đi, người ngấm hồn nơi địa đầu tổ quốc. Mùa Hà Giang, mùa Lũng Cú.
Người dân đến với Lũng Cú vì tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào của máu đỏ - da vàng, hồn thiêng dân tộc Việt Nam. Khúc ca hào hùng “Tiến quân ca” vẫn vọng mãi ngàn năm trên đỉnh núi Rồng, ôm trọn những người con đất Việt trên cột cờ Lũng Cú như khẳng định chủ quyền của dân tộc và con người Việt Nam - một biểu tượng tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên….
Cùng ngày, Đoàn công tác Báo Công lý, Đoàn Thanh niên TAND tối cao thăm tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho Đồn Biên phòng Lũng Cú. Tiếp tục cuộc hành trình Công lý và Trái tim do đồng chí Tổng Biên tập Báo Công lý làm Trưởng đoàn, Đoàn đã di chuyển đi huyện Yên Minh để trao 01 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng (của nhà tài trợ Công ty TNHH Hương Việt Sinh), 20 suất quà cho người nghèo và sữa học đường cho các em học sinh tại xã Ngam La (Huyện Yên Minh, Hà Giang).
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng; Tuyết Nhung; Nguyễn Liên.