[VIDEO] Bạo loạn ở Mỹ sau vụ George Floyd dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu quốc tế

Ý Thơ| 03/06/2020 05:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nước Mỹ đang trải qua một cơn khủng hoảng quốc gia. Biểu tình, bạo động nổ ra sau cái chết của George Floyd. Vậy, bao lâu nữa nước Mỹ sẽ “bình yên”?...

Nước Mỹ đang rơi vào khủng hoảng khi vừa phải gồng mình để chống lại dịch COVID-19, trong khi trải qua những ngày biểu tình, bạo động nổ ra ở nhiều nơi sau cái chết của công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd. Liệu kịch bản nước Mỹ sẽ sử dụng quân đội để chống lại người biểu tình bạo lực có xảy ra? Và theo dự đoán, bao lâu nữa nước Mỹ sẽ “bình yên”, nghĩa là biểu tình sẽ chấm dứt?

Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn trực tuyến với GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

[VIDEO] Bạo loạn ở Mỹ sau vụ George Floyd dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu quốc tế

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

PV: Vụ việc người Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát ghì cổ ở bang Minnesota và tử vong sau đó khi được đưa vào bệnh viện đã dẫn đến biểu tình, thậm chí bạo loạn ở nước Mỹ. Vụ này khiến nhiều người liên tưởng đến vụ ông Eric Garner, một người da đen bị cảnh sát ghì cổ ở bang Minnesota hồi năm 2014 cũng dẫn đến biểu tình.

Nói về vụ việc Floyd, cựu Phó Tổng thống John Biden đã nói rằng: "Nước Mỹ có vết thương hở". Vậy "vết thương hở" ấy là gì, thưa ông?

GS.TS Phạm Quang Minh: Theo tôi, ý kiến của cựu Phó Tổng thống John Biden về cái gọi là "một vết thương hở" có nghĩa là một "vết thương" rất lâu của nước Mỹ. Theo ông John Biden, đó là một vết thương có từ khi đất nước Mỹ ra đời, tức là có niên đại hơn 400 năm. Và cho đến nay, vết thương chưa được "điều trị" một cách tận gốc.

Nước Mỹ đã nhiều lần cố gắng "điều trị" nó, nhưng mà vì sự điều trị chưa tận gốc. Rồi nước Mỹ cố gắng vượt qua, bỏ qua "vết thương" đó, nhưng trên thực tế "vết thương" đó vẫn luôn hiện hữu trong đời sống của nước Mỹ. Và theo ông Biden, nếu như nước Mỹ bây giờ, hôm nay, cho phép "vết thương" đó "đóng vẩy" lại một lần nữa, tức là cho nó tạm thời điều trị trên bề mặt thôi, mà không điều trị tận gốc, thì nó sẽ không bao giờ lành. "Vết thương" đó chính là sự không bình đẳng, sự phân biệt chủng tộc đã có trong lịch sử nước Mỹ.

Chúng ta đều biết trong lịch sử nước Mỹ đều có những sự kiện kiểu như là phân biệt chủng tộc, đàn áp người da đen đã từng xảy ra. Năm 1968, khi Martin Luther King bị ám sát, là một trong những ví dụ rất điển hình. Và chính những vụ việc đó lại tái hiện năm này qua năm khác, ở nơi này qua nơi khác, và đó là điều không thể chấp nhận được.

Theo ông John Biden, sự kiện lần này, khi George Floyd bị giết chết bởi 4 cảnh sát thì đó thực sự là một cuộc "khủng hoảng quốc gia", cần phải có một sự lãnh đạo sáng suốt ngay bây giờ. Và theo ông Biden, linh hồn nước Mỹ đang bị đe dọa. Nước Mỹ phải cam kết theo đuổi công lý để trừng trị những kẻ phạm tội, để không bao giờ có một sự việc tương tự như vậy xảy ra, để không bao giờ "vết thương hở" này lại có điều kiện trỗi dậy.

Ông Biden cũng nhấn mạnh đến một trong những giá trị của nước Mỹ, đó là tự do, đó là bình đẳng. Nước Mỹ đã từng hứa là đây là một quốc gia tự do cho mọi người. Và ông đã nhắc lại một phát biểu rất bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, đó là "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng". Nhưng ông Biden còn nhấn mạnh, tất cả đàn ông, phụ nữ đều bình đẳng không chỉ khi tạo hóa sinh ra họ, mà họ còn phải được bình đẳng trong suốt cuộc đời, tức là kể từ khi công dân Mỹ được sinh ra trên đất nước Mỹ, thì họ phải được đảm bảo bình đẳng trong suốt cuộc đời.

Xem câu trả lời trong Video dưới đây:

PV: Liên quan đến vụ việc này, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thì nói rằng "Điều này không nên là “bình thường” vào năm 2020 ở Mỹ". Xin ông lý giải thông điệp của cựu Tổng thống Obama!

GS.TS Phạm Quang Minh: Đúng là điều này không thể bình thường trong sự phát triển của nước Mỹ hiện tại vào năm 2020.

Chúng ta đều biết, cựu Tổng thống Barack Obama là vị Tổng thống thứ 44 và là Tổng thống da màu đầu tiên ở nước Mỹ. Chỉ riêng việc Barack Obama trở thành Tổng thống của Mỹ đã là một điều tuyệt vời, là một biểu tượng của sự bình đẳng cho một quốc gia tự do nước Mỹ. Điều đó cho thấy ở nước Mỹ, bất kể ai, với màu da nào, với trình độ như thế nào, cũng đều có thể trở thành người đứng đầu của nước Mỹ.

Việc ông Barack Obama trở thành Tổng thống 44 của nước Mỹ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhóm sắc tộc vốn đã bị coi là bất bình đẳng, bị coi là bị phân biệt, có thêm nguồn cảm hứng, thêm động lực để sống, để làm việc, và vì một nước Mỹ tự do.

Và trong thông cáo ngày 30/5 vừa qua, điều này, tức là sự phân biệt chủng tộc không thể là điều bình thường được vào năm 2020, khi nước Mỹ bây giờ đã trở thành một quốc gia có tính biểu tượng cao trên thế giới, đó là quốc gia của tự do, bình đẳng, quốc gia của sự không phân biệt chủng tộc, đó là quốc gia của mọi dân tộc trên thế giới. Nó không thể là bình thường nếu chúng ta muốn con em mình lớn lên ở một quốc gia sống với lý tưởng cao nhất, có ta có thể và phải trở nên tốt hơn.

Ý của ông Barack Obama là chính nước Mỹ vào năm 1776, khi đấu tranh giành độc lập thoát khỏi ách thống trị của Anh thì đã là một quốc gia đem một lý tưởng cao cả nhất, đem một lý tưởng giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân, đó là quốc gia của tự do, của độc lập. Và để trở thành một quốc gia như vậy, nước Mỹ đã phải trải qua hơn 200 năm xây dựng và phát triển. Và bây giờ, trong bối cảnh mới, năm 2020, nước Mỹ không có con đường nào khác là phải trở thành một quốc gia tốt hơn; nước Mỹ không thể nào trở lại thời kỳ mới lập quốc năm 1776.

Hơn thế nữa, nước Mỹ đã, đang trải qua đại dịch COVID-19. Hàng nghìn người Mỹ đã bị mất. Và chính lúc này đây, nước Mỹ cần phải đoàn kết lại. Đây không phải là lúc nước Mỹ đưa ra vấn đề bạo lực, vấn đề phân biệt chủng tộc. Sức mạnh của nước Mỹ nằm ở vấn đề đoàn kết.

Thực sự những người bị đối xử khác biệt về chủng tộc là một trong những nỗi đau lớn nhất của nước Mỹ. Ông Barack Obama cũng chia sẻ nỗi đau đó, sự mất mát đó, và sự cực kỳ khó chịu với hàng triệu người Mỹ. Và chính vì vậy, ông Barack Obama kêu gọi một tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng cùng nhau chống lại hành động không thể chấp nhận - một sự “không bình thường”. Điều “không bình thường” theo ngôn ngữ của cựu Tổng thống Barack Obama chính là một điều không thể chấp nhận được!

Xem câu trả lời trong Video dưới đây:

PV: Trong bối cảnh nước Mỹ đang nước sôi lửa bỏng vì dịch COVID-19, nay lại thêm biểu tình khắp nơi, có thể nói Tổng thống Donald Trump đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Tổng thống Trump cũng đã có những thông điệp gửi đến người dân (như kêu gọi xuống đường ôn hòa), song không hề khiến tình hình dịu đi mà trái lại dường như lại làm "ngọn lửa nóng giận" bùng lên ở cấp độ cao hơn.

Ông bình luận như thế nào về những phản ứng của ông Trump đối với tình trạng nước Mỹ hiện nay?Vụ cái chết của Floyd theo ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Trump cũng như cuộc đua đến ngôi vị Tổng thống năm 2020?

GS.TS Phạm Quang Minh: Thực ra Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh này có hai thông điệp gửi đến người dân Mỹ. Một là ông chia sẻ những mất mát, những đau khổ, và sự cảm thông rất sâu sắc với gia đình của George Floyd. Ông cũng cho rằng cần phải chấm dứt hành động bạo lực, cần phải chấm dứt sự phân biệt chủng tộc, sự phân biệt chủng tộc này là không thể chấp nhận ở nước Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump có đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và cứng rắn hơn nhiều. Tổng thống Trump cho rằng các thống đốc của các bang đã quá mềm yếu. Theo ông, họ phải sử dụng lực lượng vệ binh quốc gia. Ông cho rằng chính sự yếu ớt, chính sự nhân nhượng, sự không dứt khoát, không kiên quyết của lãnh đạo các bang đã làm cho tình hình các bang này đã rối loạn. 23/50 bang của nước Mỹ đã phải triển khai lực lượng vệ binh quốc gia. Và Tổng thống Donald Trump còn nhấn mạnh: Nếu như thống đốc của các bang không triển khai lực lượng vệ binh quốc gia để giành lấy ưu thế của chính quyền thì Tổng thống Donald Trump sẵn sàng gửi lực lượng quân đội xuống để vãn hồi tình hình.

Đây là một thông điệp rất mạnh mẽ. Đây là thông điệp thể hiện sự cứng rắn và kiên quyết, cũng như không khoan nhượng của Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Donald Trump cho rằng nếu như không mạnh mẽ và kiên quyết thì lực lượng người biểu tình không hòa bình sẽ càng lấn tới. Và như vậy, tình hình sẽ căng thẳng thêm, tình hình có thể sẽ xấu đi nếu như không ra tay một cách mạnh mẽ. Ở đây, Tổng thống Donald Trump muốn sử dụng sức mạnh quân sự để trấn áp các lực lượng cực tả. Tổng thống Donald Trump cũng sẵn sàng trao đổi, đàm phán với lực lượng biểu tình hòa bình, nhưng sẽ không khoan nhượng với lực lượng có hành động chống phá một cách bạo lực, không điều đình cũng không dung hòa những hành động có tính chất phá hoại.

Xem tiếp nội dung câu trả lời trong Video dưới đây:

PV: Ông có cho rằng liệu kịch bản nước Mỹ sẽ sử dụng quân đội để chống lại người biểu tình bạo lực có xảy ra không?

GS.TS Phạm Quang Minh: Điều này còn phụ thuộc vào diễn biến sắp tới.

Xem câu trả lời cụ thể trong Video dưới đây:

PV: Ông dự đoán bao lâu nữa nước Mỹ sẽ “bình yên”, nghĩa là biểu tình chấm dứt?

Xem câu trả lời của GS.TS Phạm Quang Minh trong Video dưới đây:

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
[VIDEO] Bạo loạn ở Mỹ sau vụ George Floyd dưới góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu quốc tế