Quân đội Israel tuyên bố gia tăng sự hiện diện ở Bờ Tây và gần dải Gaza khi Kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra sự phẫn nộ trong người Palestine.
Người Palestine sử dụng súng cao su trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel sau một cuộc biểu tình ở thành phố Bethlehem ở Bờ Tây phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trump
Một kế hoạch gây tranh cãi
Kế hoạch hòa bình Trung Đông hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, được cho là cực kỳ ủng hộ các mục tiêu của Israel và được công bố mà không có sự tham gia của người Palestine, mang lại cho Israel sự ủng hộ của Hoa Kỳ để sáp nhập các phần quan trọng của Bờ Tây bị chiếm đóng.
Kế hoạch được cổ vũ rộng rãi ở Israel, nhưng lại gây ra cơn giận dữ của người Palestine, với các cuộc biểu tình nổ ra ở Bờ Tây và Dải Gaza do Hamas chiếm đóng, nơi quân đội Israel đã thực hiện một vụ bắn tên lửa vào tối thứ Tư (29/1).
Người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel đã đụng độ ở nhiều địa điểm khác nhau ở Bờ Tây và dự kiến trong những ngày tới các cuộc biểu tình của người Palestine sẽ tiếp tục diễn ra.
Hôm qua (29/1), quân đội Israel tuyên bố rằng họ sẽ triển khai thêm quân ở Bờ Tây và gần Dải Gaza.
"Sau khi đánh giá tình hình đang diễn ra, chúng tôi đã quyết định củng cố các Sư đoàn Judea và Samaria và Gaza bằng các đội quân chiến đấu bổ sung", quân đội Israel cho biết trong một tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ những điểm chính của kế hoạch hòa bình với sự có mặt của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Tổng thống Trump, người đã tiết lộ kế hoạch hòa bình Trung Đông vào thứ ba (28/1) tại Nhà Trắng cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mà không có đại diện Palestine nào, cho biết sáng kiến của ông có thể thành công khi những người khác thất bại.
Nhưng kế hoạch trao cho Israel phần lớn những gì họ đã tìm kiếm trong nhiều thập kỷ ngoại giao quốc tế, cụ thể là kiểm soát một thủ đô Jerusalem "không chia cắt", thay vì chia sẻ thành phố này với người Palestine.
Kế hoạch cũng thể hiện sự chấp thuận của Hoa Kỳ cho Israel sáp nhập Thung lũng Jordan chiến lược quan trọng, chiếm khoảng 30% Bờ Tây, cũng như các khu định cư Do Thái khác trên lãnh thổ.
Các điều khoản đã bị các nhà lãnh đạo Palestine từ chối một cách thẳng thừng, với tuyên bố của Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmud Abbas rằng đề xuất này sẽ “kết thúc trong thùng rác của lịch sử”.
Tổng thống Abbas dự kiến sẽ thăm Liên hợp quốc trong hai tuần tới để gặp Hội đồng Bảo an và giải thích về việc ông từ chối kế hoạch này, Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc cho biết.
Hamas nói rằng họ không bao giờ có thể chấp nhận bất cứ điều gì nếu Jerusalem không được thừa nhận là thủ đô của Palestine trong tương lai.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi người dân Palestine "đưa ra một đề nghị phản đối". "Tôi biết người Israel sẽ sẵn sàng ngồi xuống và đàm phán trên cơ sở kế hoạch mà Tổng thống đặt ra", ông Pompeo nói, khi ông tới Anh trong chuyến công du năm quốc gia.
Biểu tình chống kế hoạch
Tại thành phố Bethlehem của Bờ Tây, những người biểu tình đã ném đá vào lính Israel và họ đã đáp trả bằng những hơi cay.
Ba người biểu tình đã phải nhập viện trong các vụ đụng độ gần Ramallah ở Bờ Tây, Bộ Y tế Palestine cho biết.
Tại Khan Yunis ở miền Nam Gaza, những người biểu tình giương cao các biểu ngữ thề rằng họ sẽ "đoàn kết chống lại thỏa thuận thế kỷ" này.
Kế hoạch của Tổng thống Trump ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine "tiếp giáp" nhưng trong những điều kiện nghiêm ngặt, bao gồm cả yêu cầu rằng nó phải "phi quân sự hóa".
Người Palestine sẽ chỉ được phép tuyên bố một thủ đô ở các khu vực bên ngoài phía Đông Jerusalem, vượt ra ngoài bức tường an ninh của Israel.
Những điều khoản đó đã được một số người ở Israel đón nhận nồng nhiệt. "Lịch sử đã gõ cửa chúng tôi đêm qua và cho chúng tôi cơ hội duy nhất để áp dụng luật pháp Israel trên tất cả các khu định cư ở Judea và Samaria", Bộ trưởng Quốc phòng cánh hữu của Israel Naftali Bennett nói.
Đảng Xanh và Trắng do Benny Gantz, đối thủ bầu cử chính của Netanyahu dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ngày 2 tháng 3, đã chấp nhận các đề xuất của Tổng thống Trump là đưa ra "một ý tưởng khả thi để thúc đẩy một hiệp định hòa bình với người Palestine".
Nhưng ông Amir Peretz - người đứng đầu liên minh cánh tả của Israel, lãnh đạo Đảng Lao động - đã lên án hành động dự tính của ông Netanyahu đối với "các cuộc thôn tính đơn phương".
Trong khi đó, trên đường phố Tel Aviv, một số cư dân lên tiếng lo ngại rằng Tổng thống Trump đã không chú ý đến những gì người Palestine thực sự muốn.
Phản ứng thận trọng của các nước
Các cường quốc và một số nước tham gia trong khu vực đã phản ứng khá thận trọng khi nói rằng dự án của Tổng thống Trump cần được nghiên cứu, đồng thời nhấn mạnh rằng một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột chỉ khả thi nếu được thông qua các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.
Bộ Ngoại giao Pháp hoan nghênh "những nỗ lực" của Tổng thống Trump và cam kết "nghiên cứu kỹ" đề xuất của ông.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố kế hoạch của Tổng thống Trump là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Các đại sứ từ ba quốc gia Arab-Oman, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain - đã ở Nhà Trắng, đã cung cấp một số bằng chứng rằng tuyên bố của ông Trump sẽ có được sự hỗ trợ ngày càng tăng trong khu vực.
Arab Saudi cho biết, họ "đánh giá cao" những nỗ lực của Tổng thống Trump và kêu gọi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine.
Trong khi đó, Nga - một lực lượng đang phát triển trong chính trị Trung Đông - đã tỏ vẻ hoài nghi. "Chúng tôi không biết liệu đề xuất của Mỹ có được chấp nhận hay không", Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov hôm qua cho biết.