Hội đồng Bảo an quan ngại về tình hình Syria, lên án vụ đảo chính tại Mali

Bạch Dương| 20/08/2020 11:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại hai phiên họp trực tuyến về tình hình chính trị Syria và những diễn biến gần đây tại Mali, Hội đồng Bảo an đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Đông Bắc Syria, cũng như lên án vụ đảo chính và bắt giữ Tổng thống tại Mali.

* Theo tin từ Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, ngày 19/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành phiên họp trực tuyến định kỳ hàng tháng về tình hình chính trị Syria.

Báo cáo trước HĐBA, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Syria Geir Pedersen cho biết các bên đang chuẩn bị các bước cuối cùng để tiến hành phiên họp thứ ba của Uỷ ban Hiến pháp tại Geneva, Thuỵ Sỹ vào ngày 24/8/2020.

Định kỳ hàng tháng, HĐBA tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hoá học. Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm ngàn thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và tị nạn.

Uỷ ban Hiến pháp Syria (thành lập vào tháng 9/2019) là tiến trình do LHQ hỗ trợ, nhằm thúc đẩy việc đàm phán sửa đổi Hiến pháp giữa chính quyền Syria và phe đối lập trên cơ sở tiến trình chính trị đề ra tại Nghị quyết 2254 của HĐBA.

Ông Pedersen cho biết các bên mất tổng cộng 9 tháng để tái khởi động tiến trình đàm phán này do những khác biệt liên quan tới chương trình nghị sự và do tác động của đại dịch COVID-19.

Ông Geir Pedersen khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa các thành viên Ủy ban nhằm có kết quả thực chất và hiệu quả, phù hợp với mong đợi của hàng triệu người dân Syria – những người đang phải chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng tại nước này.

Đặc phái viên cho biết thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Tây Bắc Syria cơ bản được duy trì; tuy nhiên ông cũng tỏ lo ngại trước những diễn biến an ninh phức tạp tại khu vực này, cùng với việc khủng bố gia tăng hoạt động, ngăn cản các cuộc tuần tra chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib.

Trong khi đó, tình hình tại Đông Bắc Syria cũng đáng quan ngại, trong đó có việc một tướng quân đội Nga đã thiệt mạng ngày 18/8 sau một vụ tấn công bằng thiết bị nổ tự chế tại Deir-ez-Zor, cũng như vụ va chạm giữa binh lính Mỹ và Syria tại Hasakah đầu tuần này.

Ngoài ra, Đặc phái viên cũng tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của COVID-19 tại Syria, khi số lượng ca nhiễm tăng rất nhanh, hiện theo báo cáo đã có 2.114 ca và con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Hội đồng Bảo an quan ngại về tình hình Syria, lên án vụ đảo chính tại Mali

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ

Chia sẻ quan tâm của thành viên HĐBA, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh nhu cầu cần bảo đảm tình hình an ninh thuận lợi để tạo điều kiện thúc đẩy giải pháp chính trị trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA.  Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các thành viên Uỷ ban Hiến pháp tiến hành đàm phán với tình thần thiện chí và xây dựng, cho rằng việc nối lại đàm phán sau một thời gian dài gián đoạn là dấu mốc quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị toàn diện. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường ủng hộ Syria, đặc biệt trước những thách thức kinh tế-xã hội và tác động nghiêm trọng của COVID-19 hiện nay.

* Cùng ngày, HĐBA LHQ đã họp trực tuyến về những diễn biến gần đây tại Mali.

Báo cáo trước HĐBA, ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề gìn giữ hòa bình bày tỏ quan ngại trước những căng thẳng chính trị tại Mali những ngày qua, đặc biệt là việc một nhóm binh lính quân đội tự xưng là “Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân” (CNSP) đã tiến hành đảo chính và bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita cùng nhiều thành viên Chính phủ vào ngày 18/8/2020.

Phó Tổng Thư ký cho biết tình hình an ninh tại Mali cơ bản chưa có biến động lớn song tình trạng cướp bóc và phá hoại tài sản đã xảy ra; cho rằng vụ việc vừa qua có nguồn gốc từ những bất ổn chính trị ở Mali trong nhiều tháng qua; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng bạo lực và bảo đảm quyền của tất cả người dân Mali, bao gồm các quan chức Chính phủ đang bị giam giữ cũng như bảo đảm tự do đi lại cho Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali (MINUSMA).

Hội đồng Bảo an quan ngại về tình hình Syria, lên án vụ đảo chính tại Mali

Hội đồng Bảo an họp trực tuyến về những diễn biến gần đây tại Mali.

Các nước thành viên HĐBA chia sẻ quan ngại về tình hình Mali; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục trật tự Hiến pháp và tuân thủ Hiệp định Hoà bình năm 2015; đánh giá cao nỗ lực của LHQ, Lãnh đạo các quốc gia Cộng đồng kinh tế khu vực Tây Phi (ECOWAS), Liên minh Châu Phi (AU) trong thúc đẩy ổn định ở Mali, đặc biệt là vai trò trung gian hòa giải của ECOWAS. Một số nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người và chống khủng bố trong bối cảnh hiện nay, tránh để Mali rơi vào tình trạng như sau cuộc đảo chính năm 2012.   

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến tại Mali; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực; thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Mali nhằm thiết lập lại ổn định và trật tự xã hội ở Mali, vì nguyện vọng hòa bình chính đáng của người dân. Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ nỗ lực của LHQ, AU, ECOWAS và cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa các bên liên quan, hỗ trợ đưa tình hình Mali sớm trở lại ổn định.

HĐBA cũng đã ra Tuyên bố Báo chí về tình hình Mali với nội dung lên án vụ việc ngày 18/8; kêu gọi trao trả tự do và an toàn cho các quan chức chính phủ; nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết khủng hoảng tại Mali thông qua đối thoại, sớm khôi phục quy tắc của pháp luật và tiến tới khôi phục trật tự Hiến pháp; tái khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ECOWAS, AU và MINUSMA.

Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7/2020 khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Keita phải từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho bất kì cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.

Mặc dù ECOWAS, AU và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực triển khai các biện pháp trung gian, hoà giải nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang song tình hình Mali tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 18/8/2020, Tổng thống Keita cùng Thủ tướng và các quan chức chính phủ hàng đầu bị nhóm binh lính do tướng Fanta Mady Dembélé chỉ huy bắt giữ.

Tổng thống Keita quyết định tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội và Chính phủ. Ngay sau đó, nhóm binh lính đã tự xưng là “Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân” (CNSP), tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Trong khi đó, Phong trào đối lập M5-RFP đã từ chối bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng Bảo an quan ngại về tình hình Syria, lên án vụ đảo chính tại Mali