Trong báo cáo gửi UBND TP HCM về quản lý nhà đất, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình, hiện nay được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Xây dựng, đã phải thừa nhận là có đến 5.700 khu nhà đất công bị chiếm dụng.
Không ít nhà đất công bị chiếm dụng đang đối diện với nguy cơ bị sang nhượng, bị “tẩu tán” nhưng phương án của lãnh đạo UBND quận 7 vẫn chỉ là lập danh sách theo kiểu quản lý trên giấy.
Hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa minh bạch trong quản lý, sử dụng đất thuộc diện tài sản công được chuyển từ UBND huyện Nhà Bè sang cho UBND quận 7, đã tạo điều kiện cho các cá nhân cơ hội trục lợi. Khi sai phạm được phát hiện thì tinh thần sửa sai không dứt điểm của nhiều thế hệ lãnh đạo UBND quận 7 vẫn là lực cản lớn để ngăn chặn việc thất thoát tài sản công.
Lịch sử biến động nhà đất từ huyện Nhà Bè, sau đó tách ra một phần để thành lập quận 7 vào ngày 1/4/1997, đã không được cơ quan quản lý nhà nước phân định rõ diện tích đất nhà nước phải quản lý, cũng như diện tích đất được các hộ nông dân canh tác nông nghiệp, đất ở nông thôn tại các trục đường chính.
Sau khi mô hình tập đoàn sản xuất nông nghiệp phải giải tán trên diện rộng thì tài sản nhà nước là đất nông nghiệp của các xã viên đóng góp lại bị nhiều cá nhân thu gom trái pháp luật dưới hình thức sử dụng các phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ký tên, đóng dấu sẵn nhưng không có hồ sơ gốc, không có quyết định giao cấp đất nông nghiệp để chiếm đoạt nhiều khu đất ven sông, đất rạch ngập nước.
Lý do là nhiều nông hộ sau khi góp đất vào tập đoàn đã không xin trả lại đất hoặc không được thông báo chủ trương của UBND TP. HCM thời điểm những năm 1990 là trả lại diện tích đất đã đưa vào sản xuất tập thể nên số đất này đã trở thành “miếng mồi ngon” để nhiều cán bộ biến chất cấu kết với các cá nhân có điều kiện kinh tế từ trong các quận nội thành nhằm chia chác một cách vô tội vạ nhiều khu đất, nhiều mảnh ruộng, ao cá hợp tác xã.
Lịch sử biến động nhà đất của quận 7 đang tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản công
Các khu đất sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kiểu “hồn trương ba, da hàng thịt” thì các cá nhân bỏ tiền mua đất đã kéo rào, xây cổng trong sự làm ngơ của chính quyền địa phương, để sau này khi kê khai nhà đất đại trà năm 1999 thì tự nhận là đất của cá nhân khai phá.
Năm 2002, khi phát sinh khiếu nại của nhiều xã viên hợp tác xã về đất của gia đình đưa vào sản xuất tập thể nhưng lại bị nhiều cá nhân chiếm dụng, thì Thanh tra quận 7 đã tiến hành các cuộc thanh tra về quản lý, sử dụng đất của một số phường có nhiều diện tích đất nông nghiệp được góp vào tập đoàn sản xuất nông nghiệp như phường Tân Hưng, Tân Phong, Phú Thuận. Nhưng sau đó, các kết luận thanh tra này lại không được công khai để người dân biết và giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị của Chánh Thanh tra quận 7.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của bà Võ Thị Kim Em, với cương vị Chủ tịch UBND quận 7, thì nhiều diện tích đất ven sông, ven rạch đã tiếp tục được giao cho các hộ dân tiếp quản, trông coi nhưng kết quả là sông rạch vẫn bị lấn chiếm, dòng chảy vẫn bị bóp nghẹt, không gian chung của cộng đồng vẫn bị chiếm đoạt. Thời gian cứ trôi, chuyện nhà đất công mạnh ai nấy chiếm càng nặng nề, áp lực lên giao thông đô thị hiển hiện từng ngày, hiện tượng ô nhiễm, ngập nước do sông rạch bị lấn chiếm là vấn đề thời sự được nhắc đi nhắc lại qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri.
Năm 2014, Chánh Thanh tra TP HCM cũng đã ký quyết định thanh tra công tác quản lý sử dụng đất do nhà nước quản lý tại một số dự án kinh doanh bất động sản tại quận 7, nhưng các kiến nghị sau thanh tra cũng không được người đứng đầu UBND quận 7 thực hiện đến nơi, đến chốn.
Trước đó, khi vấn đề trở nên nóng bỏng, gây mất đoàn kết nội bộ, ngày 13/11/2008, Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 đã ban hành nghị quyết về quản lý đất công, đất ven kênh rạch.
Sau gần 1 năm thực hiện nghị quyết, đầu tháng 2/2009, một báo cáo nội bộ với số liệu tổng hợp từ 10 phường đã cho thấy một thực trạng đáng buồn là nhà đất công vẫn bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Điều đáng nói là, dù phát hiện, chỉ ra sai phạm của các cán bộ, công chức có liên quan, thế nhưng việc xử lý rốt ráo vấn đề đã không được thực hiện một cách nghiêm túc.
Trong số 5.700 khu nhà đất bị chiếm dụng tại quận 7 thì nhiều diện tích nằm vị trí mặt tiền sông có giá trị cao.
Thái độ “giơ cao đánh khẽ” này càng tạo ra tâm lý "nhờn luật", không sợ kiểm điểm của nhiều cán bộ, cá nhân đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản công tại quận 7, trong đó có hàng trăm địa chỉ nhà đất công, hàng ngàn khu đất ven sông, đất ven rạch. Nhiều tỷ đồng đáng lẽ phải được thu về cho ngân sách để phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội bị nhiều doanh nghiệp, cá nhân chiếm đoạt, niềm tin của người dân bị giảm sút, đoàn kết nội bộ bị ảnh hưởng khi hiện tượng trục lợi nhà đất công vẫn ngang nhiên hoành hành trong sự thờ ơ của lãnh đạo UBND quận 7 trong nhiều nhiệm kỳ.
Khi dòng vốn được đổ vào bất động sản và quận 7 trở thành miền đất hứa cho các doanh nghiệp xây dựng nhà để bán, nhiều cá nhân đã dùng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có hồ sơ gốc, không cấp đúng đối tượng, … để đứng ra ký thỏa thuận với chủ đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, hay nhận tiền bồi thường từ ngân sách cho các dự án công ích. Những diện tích đất còn lại sau khi nhận tiền thỏa thuận, nhận kinh phí bồi thường, dù đã được quy hoạch là lộ giới giao thông, là đất phục vụ công ích nhưng các chủ đất vẫn tiếp tục chiếm giữ, cho thuê mướn lại với lý do nằm chung thửa với phần đất đã được bồi thường.
Theo nguyên Cục trưởng Cục III TTCP Võ Văn Đồng, thời điểm năm 2015, khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP HCM, cũng đã yêu cầu một số đơn vị, trong đó có UBND quận 7 tiến hành báo cáo kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo của nhiều Bộ ngành liên quan đến quản lý diện tích nhà đất công được chuyển đổi thành bất động sản.
Khi kiểm tra vụ việc khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bích Lan, ngụ nhà số 447 đường Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, về nhà đất có nguồn gốc của nhà nước bán hóa giá dù không nằm trong quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất đúng thẩm quyền nhưng bị UBND quận 7 ban hành quyết định cưỡng chế đo vẽ, thu hồi giao cho Cty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn làm dự án kinh doanh bất động sản, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện Chủ tịch UBND quận 7 không tiếp dân, không giải thích được đầy đủ về công tác quản lý nhà đất công liên quan đến vụ việc. Điều này cho thấy trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND quận 7, của lãnh đạo UBND quận 7 chưa thật sự hiệu quả, dễ phát sinh sai phạm.
* Còn tiếp