Tại một cuộc tọa đàm do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều DN lớn đã lên tiếng về chính sách thắt chặt tín dụng mà họ cho là quá “hà khắc”.
Một con số được đưa ra là hiện có tới 30% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, phá sản, giải thể hoặc đóng cửa. Các DN tại hội thảo này cho rằng, do cào bằng, nên nhiều dự án bất động sản thiết yếu như nhà ở cho người thu nhập thấp, đầu tư hạ tầng công nghiệp… cũng bị “thắt”.
Có ý kiến băn khoăn: Trong bất động sản có rất nhiều phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở cho tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp. Phân khúc này gắn chặt với giải pháp thứ 5 về an sinh xã hội của Chính phủ tại Nghị quyết 11, vậy tại sao lại hạn chế tín dụng?
Bài toán chi phí sản xuất tăng do lãi vay đang làm đau đầu các doanh nghiệp. Doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận gần như không có. Bởi thế, tình trạng tài chính của hầu hết doanh nghiệp ngành điện, xi măng, sắt thép, bất động sản, vận tải ngày càng xấu thêm. Thời gian vừa qua, do tỷ giá của các ngoại tệ mạnh biến động rất mạnh so với VND, nên hàng loạt DN bị lỗ vì rủi ro tỷ giá.
Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam dư nợ cho vay của các NHTM chủ yếu là cho vay đối với DN sản xuất kinh doanh, cho cá nhân vay tiêu dùng chiếm tỷ trọng thấp. Ở các nước phát triển thì ngược lại, tỷ trọng cho vay tiêu dùng đối với cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ, do vậy khi lạm phát xảy ra thì sử dụng biện pháp tăng lãi suất sẽ có tác dụng tốt (làm hạn chế cầu tiêu dùng ngay). Ở Việt Nam, việc chống lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ đã không có tác dụng nhiều, đồng thời thắt chặt tiền tệ đã làm cho các DN gặp rất nhiều khó khăn, đẩy chi phí sản xuất lên cao, có thể phải thu hẹp sản xuất tạo áp lực tăng giá hàng hóa dịch vụ. Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “thắt”, nếu không kịp thời điều chỉnh những tác động không mong muốn, thì sản xuất, kinh doanh của DN sẽ còn tiếp tục đình đốn.
Ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng đây là lúc các DN nhìn lại mình. Cần có một “cú sốc” như vậy để sàng lọc DN yếu kém.
Nếu khả năng quản lý tốt và không quá lạm dụng vốn vay, họ đã không bị ảnh hưởng khi tài chính bị thắt chặt.
Trung Nguyễn