Sáng nay 1/6, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, các ĐB cho rằng, chưa nên thông qua Luật này, bởi đây là Luật rất quan trọng, là lĩnh vực nảy sinh nhiều tiêu cực hiện nay.
Ban hành 1 luật sửa nhiều luật
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch gồm 14 Điều, trong đó có 13 Điều quy định việc sửa đổi 13 Luật và 1 Điều về quy định hiệu lực thi hành luật.
Chính phủ cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật trên (có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ 01/01/2019) là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Theo dự kiến, dự án Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này theo quy trình tại một kỳ họp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật có quy định liên quan đến quy hoạch sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 13 Luật, bao gồm: Luật Hóa chất; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Luật Dược số; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Đầu tư; Luật An toàn thực phẩm; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế về dự án Luật này và cho rằng cần rà soát thật kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Về dự án Luật công chứng, Điều 7 của dự thảo Luật đã sửa đổi các quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo hướng bỏ quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, bổ sung quy định Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng; sửa đổi các quy định về thành lập, quản lý hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, do công công chứng là nghề nghiệp đặc thù, cần phải quản ký chặt chẽ. Trước đây, công chứng là dịch vụ công, nay Nhà nước ủy quyền cho tư nhân làm. Với tính chấn chất đặc thù như vậy nên hoạt động công chứng rất cần được quản lý chặt chẽ. Vì các vấn đề phát sinh khi các tổ chức công chứng cạnh tranh nhau, cạnh tranh khách hàng, khi đó rủi ro về phap lý là rất lớn, hiện tượng Công chứng viên “bắt tay” với người đi công chứng trong chuyển nhượng bất động sản cũng đã từng xảy ra, gây nhiều hệ lụy’.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng, việc bỏ quy hoạch tổng thể về công chứng là đúng nhưng rất lo ngại. Nếu đánh đồng dịch vụ công chứng như các dịch vụ khác, có khi hậu quả phải 20-30 năm sau mới thấy rõ. Nếu 5-7 năm sau Phòng công chứng bị dẹp và đóng cửa, thậm chí ra nước ngoài định cư rồi thì làm sao xét xử được. Những nơi vùng sâu vùng xa, phát triển văn phòng công chứng thì Nhà nước phải có trách nhiệm.
Chưa nên thông qua ở kỳ họp này
Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, công tác quy hoạch đúng hướng, hiệu quả đã giúp nhiều ngành thành công, trong đó có ngành hàng không và công nghệ thông tin, đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Ở một số quốc gia, quy hoạch ở vùng nông thôn rất hợp lý. Ngay cả ở Sài Gòn trước đây, quy hoạch rất tốt, kể cả từ các cửa hàng bán thuốc tân dược.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường
Quy hoạch cần phải cụ thể, từ việc phát triển các khu vui chơi, tiện ích, giải trí cách trường học bao xa. Hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng cần phải được làm chi tiết, thậm chí là đến từng quận/huyện, phường/xã..., ông Nghĩa đưa ra nhận định.
Vậy nên đại biểu cho rằng, nếu cần thiết thì chưa nên thông qua tại Kỳ họp này, cần thời gian để chỉnh sửa thêm. Việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch.
Đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả theo tinh thần tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều quan trọng, việc ban hành luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tuy nhiên các nội dung này hiện tại đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ sản xuất kinh doanh hóa chất, thuốc lá, dược...), ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng nêu lên thực tế hiện nay là công tác quy hoạch đang làm khổ người dân, làm kìm hãm tốc độ phát triển của đất nước. Nhiều "quy hoạch treo" có tầm nhìn dài tới 30 -50 năm, trong khi thực tiễn cuộc sống thay đổi liên tục. Trong khi nhà, đất của người dân khi nằm trong diện bị quy hoạch là lập tức giá trị bị suy giảm, đời sống thì khó khăn.
Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, nên tiến hành hậu kiểm tất cả các quy hoạch trên từng khu vực để nhanh chóng thu hồi ngay những quy hoạch nào nếu nhận thấy không thể thực hiện được và giải phóng quy hoạch đó để người dân có thể đầu tư xây dựng lại. Bên cạnh đó, khi Luật Quy hoạch mới được ban hành đụng đến nhiều luật khác, cho nên tại Kỳ họp thứ 5 này cần rà soát và thông qua các điều khoản liên quan đến các luật để làm sao không bị chồng chéo và kìm hãm lẫn nhau.