Chính trị

Thiếu tướng Dương Văn Thăng tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5

Đan Hà - Kim Sáng 12/05/2023 16:29

Ngày 12/5, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị số 9, khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 4 và huyện Nhà Bè trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thiếu tướng Dương Văn Thăng – Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương; bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM chủ trì Hội nghị tiếp xúc cử tri.

Hội nghị được tổ chức ở huyện Nhà Bè vào sáng 12/5 và ở quận 4 vào chiều cùng ngày.

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 9, bà Nguyễn Trần Phượng Trân báo cáo trước cử tri về chương trình làm việc dự kiến của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Sau đó, các đại biểu được lắng nghe nhiều ý kiến, đề xuất của các cử tri.

z4337893506425_d8412779c465cd605615fb74887ac4e1.jpg
Thiếu tướng Dương Văn Thăng và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM chủ trì Hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Nhà Bè.

Bảo vệ chặt chẽ thông tin người dân

Cử tri Nguyễn Thị Nở, huyện Nhà Bè nêu ý kiến về việc bảo vệ dữ liệu của người dân.

“Chúng ta đang phát triển chính phủ số, xã hội số và kinh tế số để phù hợp với sự phát triển quốc tế. Tuy nhiên, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân còn chưa cao, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền hạn cũng như kẽ hở pháp lý để mua bán, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả như những vụ lừa đảo qua mạng kiểu “gọi điện cho phụ huynh báo con bị tai nạn", giả danh tính để vay tiền online”, bà Nở nói.

Bà Nở cho biết thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định trách nhiệm của nhiều bên trong lưu trữ, kiểm soát và sử dụng dữ liệu. Đây là bước tiến lớn trong bảo vệ quyền lợi của người dân, tuy nhiên việc đưa Nghị định vào thực tế rất khó khăn do phải thay đổi nhận thức và xây dựng đủ các công cụ để kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức như ngân hàng, trường học, doanh nghiệp đang thực hiện thu thập thông tin của người dân rất nhiều, không có quy chuẩn và hầu như không quan tâm bảo vệ các dữ liệu đang thu thập.

Do đó, bà Nở kiến nghị Tổ đại biểu Quốc hội có sự khảo sát, giám sát chặt chẽ việc áp dụng, triển khai Nghị định này và yêu cầu có sự bổ sung, điều chỉnh cần thiết.

z4337862419695_1986228aca84455bdbfcb82a7a059546.jpg
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân đã báo cáo cử tri về chương trình làm việc dự kiến của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Đồng quan điểm, cử tri Dương Ngọc Thạch, quận 4 kiến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn nữa, đặc biệt là bộ phận an ninh mạng để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng điện thoại, xử lý nghiêm các đối tượng để người dân an tâm sống và làm việc trong điều kiện bình thường mới.

Cử tri Thạch cho biết, thời gian qua, nhiều chị em hội viên và người dân nhận được cuộc điện thoại từ người lạ thông báo nhiều nội dung như trúng thưởng, tặng quà miễn phí, thông báo vi phạm pháp luật... Sau đó yêu cầu gửi trước chi phí nhận thưởng và hứa sẽ hoàn lại các chi phí sau khi phần thưởng được gửi đến nhà.

Tình trạng này diễn ra ồ ạt và có xu hướng gia tăng, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.

“Không hiểu vì sao đối tượng biết rõ các thông tin cá nhân của người dân như họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà…”, cử tri Thạch thắc mắc.

Không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Cử tri Nguyễn Thị Mỹ, quận 4 nêu ý kiến, tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Bà Mỹ cho rằng, nếu quy định “sở hữu nhà chung cư có thời hạn” thì có thể tác động đến tâm lý của nhiều người trong xã hội muốn được sở hữu nhà ở vĩnh viễn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, dẫn đến thay đổi hành vi, không lựa chọn mua nhà chung cư nữa để chuyển sang mua nhà ở thấp tầng hoặc mua nền nhà.

“Việc công nhận quyền sở hữu nhà chung cư không có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, phù hợp với Hiến pháp, các quy định pháp luật hiện hành và tâm tư nguyện vọng của đa số người dân. Điều này cũng phù hợp với Luật Nhà ở quy định “tại khu vực nội thị thuộc đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư”, bà Mỹ nói.

z4337988175916_9006a95d83d4a3177c3cf0183c694ef9.jpg
Chương trình tiếp xúc cử tri tại huyện Nhà Bè diễn ra vào sáng 12/5.

Chung quan điểm, cử tri Hoàng Quốc Huy, quận 4 đề nghị giữ nguyên quy định của Luật Nhà ở 2014, không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Ông Huy cũng đề nghị nâng cấp một số quy định có tính khả thi cao của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP “về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư” bổ sung vào chương V, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Còn cử tri Nguyễn Hoàn Tâm, quận 4 kiến nghị làm rõ thêm về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).

Theo cử tri Tâm, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, người lao động làm việc ở ngoài khu công nghiệp cũng có nhu cầu về thuê nhà lưu trú công nhân và mong muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở.

Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, dự thảo quy định người lao động phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân.

z4337927433353_d0bb9714efb66380615872063c1fe4fc.jpg
Cử tri huyện Nhà Bè phát biểu ý kiến.

“Tôi cho rằng tiêu chí này chưa công bằng, chưa thỏa đáng để phân loại đối tượng cần được hỗ trợ. Bản thân tôi không có người phụ thuộc thì mức thu nhập của tôi có thể phải đóng thuế, nhưng điều đó không có nghĩa là thu nhập của tôi cao hơn thu nhập của những người có người phụ thuộc. Nếu theo quy định như dự thảo thì không biết bao giờ tôi mới được mua nhà ở xã hội để an cư”, cử tri Tâm nói.

Tạo thuận lợi về các dịch vụ công

Cử tri Đường Thanh Thức, ngụ huyện Nhà Bè cho biết, hiện nay Chính phủ và Thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính. Đã có nhiều chuyển biến tích cực như đã cấp lượng lớn thẻ CCCD gắn chíp, mở các cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông để người dân thuận tiện trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, việc sử dụng các tiện ích này của người dân còn gặp nhiều khó khăn, một phần do người dân hạn chế về trình độ tin học, một phần do các hệ thống xây dựng chưa hoàn thiện như chưa liên thông cơ sở dữ liệu dân cư dẫn đến các thủ tục hành chính nên phải cần giấy xác nhận cư trú của cơ quan công an, hay một số lỗi kỹ thuật khác như như mất kết nối, không nhận được tin nhắn hoặc email xác nhận đã nộp hồ sơ hành chính.

z4338937121146_dddf8b52e4d7d8e72c15588fda925e52.jpg
Luật sư Phạm Đức Huy, đại diện Hội Luật gia quận 4 phát biểu ý kiến.

“Các thủ tục hành chính có hướng dẫn trên cổng dịch vụ công nhưng rất ngắn gọn và ngôn từ mang tính chuyên môn hành chính cao. Đặc biệt, cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ công an và một số cổng dịch vụ công khác không thể nộp hồ sơ ngoài giờ hành chính và những ngày cuối tuần, trong khi đây mới là điểm thuận tiện nhất cho người dân do phải làm việc trong giờ hành chính”, cử tri Thức nêu thực trạng.

Do đó, cử tri kiến nghị Tổ đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng tốc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư và liên thông với các dịch vụ công trực tuyến khắc, khắc phục các lỗi kỹ thuật và mở rộng thời gian hoạt động của các cổng dịch vụ công để thuận tiện cho người dân, thực hiện mục tiêu về cải cách hành chính.

Cử tri Trần Thị Kim Đỗ, quận 4 nhận định, dự thảo sửa đổi luật CCCD có nhiều điểm mới phù hợp với tình hình thực tế và tạo sự thuận lợi hơn cho người dân khi tham gia các giao dịch dân sự và các giao dịch khác. Tuy nhiên vẫn có một số vấn đề cần quan tâm.

z4338885870883_f8009bdbb9af8631d500927f349fdc36.jpg
Cử tri quận 4 nêu ý kiến trước Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 9.

Bà Đỗ đề xuất nên thay đổi nội dung “đăng ký khai sinh” thành “nơi sinh” để tránh trùng lặp và tạo sự rõ ràng, cụ thể hơn về thông tin của người dân.

Cạnh đó, thay thế “Nơi cư trú” thành “địa chỉ thường trú” vì hiện nay chỗ ở của người dân không ổn định mà có nhiều biến động, do đó khi người dân thay đổi nơi cư trú thì sẽ gây khó khăn trong các giao dịch khi thực hiện vì không trùng với thông tin được ghi trên CCCD.

“Tại Điều 20 và Điều 24 trong dự thảo sửa đổi luật có điểm mới quy định về độ tuổi được cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi khi có yêu cầu. Đây là điểm tiến bộ trong luật, tuy nhiên cần ràng buộc thêm trách nhiệm của cha (mẹ) hoặc người giám hộ, vì ở lứa tuổi này vẫn chưa nhận thức đầy đủ trong việc cất giữ, sử dụng hoặc có thể đánh mất sẽ gây khó khăn cho gia đình cũng như cơ quan quản lý”, bà Đỗ nói.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, lãnh đạo huyện Nhà Bè và quận 4 đã trả lời một số ý kiến, đề xuất của cử tri.

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 9, Thiếu tướng Dương Văn Thăng cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến của cử tri và tổng hợp kiến nghị lên các ban, ngành để có hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho cử tri.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV khai mạc vào ngày 22/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023.

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: Từ ngày 22/5 - 10/6. Đợt 2: Từ ngày 19/6 -23/6.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tướng Dương Văn Thăng tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5