Gặp Thẩm phán Đinh Văn Hà, Chánh án TAND tỉnh Kon Tum khi phiên tòa giám đốc thẩm ngày cuối năm vừa kết thúc, chúng tôi được ông trải lòng về những vui buồn trong cuộc đời làm công tác xét xử, những cảm nhận của ông trước thềm năm mới 2015.
Đây là năm bản lề thực hiện Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cũng là năm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống TAND và những ngày lễ lớn của đất nước.
Thẩm phán Đinh Văn Hà SN 1958, tại Hà Nam, năm 1978, ông vào tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ) công tác. Năm 1982, ông tốt nghiệp Trường Đại học Pháp lý (nay là Đại học Luật Hà Nội) và về công tác trong Tòa án tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Khi Kon Tum được tách tỉnh, ông tạm gác hạnh phúc riêng tư, xa vợ con lên vùng đất mới làm nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Tháng 1/1999, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án TAND tỉnh Kon Tum, từ đó đến nay, với cương vị này, ông luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
37 năm công tác là 37 năm ông gắn bó với TAND. Từ đó đến nay, ông đã chứng kiến và thực hiện Luật Tổ chức TAND qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Mỗi lần ấy là một lần hệ thống Tòa án được củng cố, phát triển. Lần sửa đổi này, Luật Tổ chức TAND đã thể chế hóa đường lối cải cách tư pháp của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 bằng việc khẳng định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử, nhiệm kỳ của Thẩm phán đã được kéo dài đến 10 năm, Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán... Những quy định này giúp cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trở lại với phiên tòa giám đốc thẩm mà ông ngồi ghế chủ tọa, ông tâm sự: Đến tháng 6/2015, TAND cấp tỉnh chuyển giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND cấp cao thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ, chuyển giao có nghĩa là bớt đi một phần công việc nhưng ông không thôi trăn trở về tình trạng án giám đốc thẩm, tái thẩm có dấu hiệu gia tăng, không chỉ tại tỉnh Kon Tum mà còn ở nhiều nơi khác. Hơn nữa, những vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm hầu như đã được thi hành xong, có vụ về dân sự, các bên đã thi hành án xong, không còn đối tượng để giải quyết nữa, nhưng vì những sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật tố tụng cũng như nội dung lại phải tiến hành giải quyết lại từ đầu, mất thời gian, công sức của cả Nhà nước và người dân, hơn nữa sẽ khó khăn cho công tác thi hành án... Song, ông tin rằng, với những quy định mới của Luật Tổ chức TAND sẽ đáp ứng yêu cầu, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được những kết quả vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan, sai. Và từ đó, các phán quyết của Tòa án sẽ đúng đắn hơn, hợp tình, hợp lý hơn, hạn chế tối đa việc khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bên cạnh những trăn trở, ưu tư về việc giải quyết án giám đốc thẩm, Thẩm phán Đinh Văn Hà tâm sự: Làm cán bộ Tòa án cũng có nhiều niềm vui. Đó là niềm vui khi hòa giải thành các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại... Có nhiều gia đình đang đứng bên bờ vực của sự tan vỡ nhưng sau khi được Tòa án hòa giải, nhiều cặp vợ chồng đã đoàn tụ với nhau, quay về xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó là niềm vui khi chứng kiến những người bị Tòa án xét xử đã nhận ra lỗi lầm của mình, cải tạo tốt để trở thành người có ích cho xã hội... Cán bộ Tòa án vui và hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào việc giúp cho những người lầm lỡ nhận ra lỗi lầm của họ để phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội; vui vì đã củng cố, giữ vững được niềm tin của người dân vào công lý. Đó cũng là phần thưởng lớn nhất của người Thẩm phán trong cuộc đời làm công tác xét xử.
Năm 2015 đang đến gần, rất nhiều việc chờ ông và những người làm công tác Tòa án phải thực hiện để Luật Tổ chức TAND sớm được thi hành. Trước thềm năm mới, TAND tỉnh Kon Tum đang nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.