Tết bắt đầu từ đâu?

Ngô Thị Thu Vân| 01/02/2019 06:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi chọn cho mình một góc quán gần bên ô cửa nhỏ, kêu ly đen nóng,ngồi nhâm nhi nỗi nhớ quê nhà trong khi những giọt cà phê chậm rãi buông từng giọt xuống cái ly thủy tinh cũ mèm, vàng ố.

Tết bắt đầu từ đâu? Với tôi, Tết bắt đầu từ gió. Gió vốn dĩ không có hình thù, màu sắc, mùi vị. Gió chỉ có âm thanh. Thế nhưng, chỉ cần nghe âm thanh của gió, là tôi có thể phân biệt được chướng non hay chướng đã già.

Cứ kết thúc sáu tháng mùa mưa là bắt đầu chướng về, chướng nhè nhẹ liu riu, gọi là chướng non. Dưới sông, cá theo chướng đổ về. Trên đồng, ruộng bắt đầu mùa gặt. Ngoài vườn, đọt cây phơn phởn ra lá lụa. Trước ngõ, hàng bông so đũa nở trắng một góc trời. Từ đó đổ đi, chướng cứ ngày một dày thêm, rõ ràng hơn và càng gần về Tết, chướng càng tự tin phơi phới làm chủ cả một vùng trời, khi đó người ta gọi là chướng già.

Trong thời khắc chuyển giao của gió, tôi thấy lòng mình bỗng dưng bình yên, thư thái như con thuyền đang lênh đênh trên một dòng sông không hề có sóng, mặt nước cứ lặng lờ trôi, hiền lành, dịu dàng, và thanh sạch như thể chưa từng nếm trải bao đắng cay số phận, chưa từng chứng kiến bao dâu bể cuộc đời.

Mùa này ở dưới kia, chôm chôm nghịch vụ đương thì con gái. Tôi đã mất rất nhiều năm để mỗi bận tháng chạp về không còn ngẫn ngơ ngồi thương buổi chợ quê lăng xăng người đi sắm Tết, thương con đò cuối năm nằm buồn hiu trên bến vắng, không còn da diết nhớ tiếng con chìa vôi chíu chít chuyền cành buổi sớm mai, nhớ tiếng con bìm bịp kêu nước lớn buổi chiều tàn và nhớ tiếng… một người.

Nỗi nhớ miên man ấy không biết sẽ đưa tôi đi đâu nữa nếu như nó không bị cắt ngang bởi lời mời: “Mua giùm em tờ vé số đi chị”. Đó là một người phụ nữ ước chừng trên dưới bốn mươi tuổi, phong phanh áo xống, mái tóc cháy nắng rối bù và làn da đen nhẻm nhưng gương mặt không giấu được vẻ thanh tú. Trong khi lật tới lật lui mấy tờ vé số kiếm một con số đèm đẹp, tôi buộc miệng hỏi: “Chị là người Sài Gòn à”. Chị trả lời tôi: “Không, em là người Bến Tre lên đây lập nghiệp”. Tôi nhìn chị suýt đánh rơi mấy tờ vé số, giọng mừng rỡ: “Vậy…”,  định nói “vậy mình là đồng hương rồi” nhưng tôi kịp khựng lại. Tôi là người Sài Gòn, đã có hơn hai mươi năm ở Bến Tre rồi trở lại Sài Gòn vẫn đau đáu một nỗi nhớ “quê nhà”. Còn chị là người Bến Tre lên đây kiếm sống. Gặp nhau nơi này có thể gọi là đồng hương hay không? Tôi đem ý nghĩ này ra nói với chị, chị nhìn tôi cười, thánh thiện như nụ cười sư nữ.

Đếm xấp vé số đúng năm mươi tờ, tôi gửi chị năm trăm ngàn và ân cần mời chị cùng cà phê với tôi. Chị rụt rè ngồi xuống chiếc ghế phía đối diện. Tôi kêu cho chị tách cà phê sữa nóng.

Chị kể, đã một năm nay chị chưa về thăm quê một lần nào. Tôi nhìn chị, vì sao? Đôi viền mắt chị bắt đầu ửng đỏ: “Vì trong nhà em chưa khi nào có tiền đủ cho một chuyến về quê”. Chị như quên hẳn tôi và chị mới lần đầu gặp mặt. Chị kể trong nước mắt.

         *****************

Năm đó chị mười bảy tuổi. Con gái nhà quê, học hết trường làng coi như hết lớp. Chị ở nhà phụ ba má làm vườn nuôi con heo, bầy gà, đàn cá… chờ ai đi nói, coi được thì lấy. Chưa ai kịp đi nói thì … nhà nước xây cầu.

Một cây cầu bê tông để trẻ con đến trường không phải qua chuyến đò ngang. Đó là nỗi khát khao bao đời của người dân xứ cù lao. Ai cũng đêm đợi ngày mong. Cầu được khởi công đúng lúc cây phượng sân trường nở bông đỏ rực. Nó mang đến cho cái cù lao nằm chơi vơi giữa mênh mông bốn bề sông nước này một thứ âm thanh cuộc sống tươi mới, rộn ràng và lạ lẫm. Nó dội vào lòng người ta một niềm tin mãnh liệt về sự đổi mới tích cực cho một vùng đất và sự thay đổi số phận cho lớp lớp thế hệ mai sau. Không biết thế hệ mai sau là thế hệ nào nhưng sự kiện ấy đã tức thì làm thay đổi số phận của chị.

Cầu xây xong, mùa hạ trôi qua, những cơn mưa vội vã trôi qua, lời thề non hẹn biển của anh thợ xây cầu với chị cũng trôi qua nhẹ nhàng như một áng mây trời trong ngày đầy gió. Chiều chiều, ngang qua nhà chị, giọng ai đó hững hờ buông mấy câu hát bâng quơ: “Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu. Để chị  tôi ngóng chờ mắt lệ nhoà. Hàng cau đau trái cau bao lá trầu buồn rơi theo. Chị tôi chưa lấy chồng…”. Chị đau đớn thả cho mọi thứ trôi đi… trôi đi hết. Chị giơ tay giũ sạch… sạch hết. Nhưng chị không thể giũ bỏ một sinh linh đang lặng lẽ lớn lên từng ngày trong bụng chị - kết quả của một lần ái ân vụng trộm. 

Ba chị lặng lẽ ngồi đốt thuốc, khói thuốc nồng nặc. Má chị ngồi kề bên thút thít, âm thanh nghe nẫu ruột. Chị quỳ dưới chân hai người, mặt cắm xuống đất. Hình ảnh thật thảm hại. Ba người họ cứ như thế, bên nhau như thế. Ba chị vẫn đốt thuốc. Má chị vẫn thút thít. Chị vẫn cắm mặt xuống đất. Như thể họ chỉ cần hóa đá nữa thôi thì trần gian sẽ có thêm một câu chuyện cổ tích.

Nhưng kể cả khi trần gian có thêm một câu chuyện cổ tích thì cũng không thể làm xoay chuyển lòng dạ sắt đá của ba chị - người đàn ông gia trưởng đầy quyền lực trong nhà.

Giữa đêm bão rớt, chị ra đi. Như chàng Lang trong truyện cổ tích Trầu cau, chị đi mãi, đi mãi, đến bên bờ sông Sài Gòn thì gục xuống. Nhưng chị không biến thành tảng đá. Chị bơ vơ giữa đêm Sài Gòn ồn ào, đông đúc. Mọi người lướt qua nhau, hồn nhiên thả cho chị những cái nhìn bàng quan, độ lượng trong khi lòng chị tràn ngập nỗi bất an. Nỗi bất an tức khắc biến thành hiện thực khi cái thai trong bụng chị không giữ được bởi cú sốc quá lớn.

Sau đó là những ngày chị lang thang đi làm đủ thứ nghề kiếm sống. Rồi chị gặp anh. Họ dắt nhau về phòng trọ của chị. Ngày tháng “hạnh phúc” của hai người vừa đủ để anh cho chị một đứa con, trước khi anh quất ngựa truy phong…Trước mắt chị là một con đường phủ dầy bóng đêm, tối tăm và lạnh lẽo. Chị sinh con một mình, nuôi con một mình. Cái cách “sửa sai” của chị như đổ dầu thêm vào lửa khiến ba chị đã bao nhiêu năm rồi vẫn nhất định không nhìn mặt chị.

***************

Tôi nắm chặt bàn tay chị lạnh lẽo và thô ráp: “Ngày mai tôi về lại Bến Tre. Tôi sẽ tài trợ cho hai mẹ con cùng về quê một chuyến”. Chị phóng tầm mắt ra bên ngoài ô cửa, dõi theo những vệt nắng yếu ớt lung linh chao đảo trên mặt đường. Tôi sốt ruột: “Sao, được không?”. Chị quay lại nhìn tôi gật đầu. Rồi chị cười, vẫn thánh thiện như nụ cười sư nữ, như chưa từng trải qua sóng gió cuộc đời, như mọi thứ chỉ là một giấc mơ…

Phải! Với chị bây giờ mọi thứ như một giấc mơ qua để lại bình minh rực nắng. Ngày mai hai mẹ con chị sẽ được về quê, sẽ đón cái Tết sum vầy. Chị sẽ lại được lăng xăng đi sắm Tết ở cái chợ quê trong những ngày cuối tháng chạp. Ngôi chợ ngó mặt ra con sông nơi có chiếc cầu ghi dấu một mối tình ngây thơ vụng dại. Chị lại sẽ được trải qua cái thời khắc giao thừa trong nghi ngút khói hương hòa lẫn hồn thiêng của tổ tiên sông núi.

Chị từ giã ra về không quên cám ơn tôi đã giúp chị.Giọng chị khác hẳn, réo rắc và trong trẻo. Tôi nhìn theo bóng chị khuất dần sau góc phố, tự hỏi: Tết bắt đầu từ đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết bắt đầu từ đâu?