Nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới Temu xuất hiện rầm rộ đã đặt ra các vấn đề trong công tác quản lý thương mại điện tử (TMĐT).
Chính sách chiết khấu hấp dẫn của Temu
Từ cuối tháng 9, dù chưa đăng ký kinh doanh thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhưng người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải ứng dụng và mua hàng, thanh toán trên nền tảng Temu với phiên bản tiếng Việt.
Hàng loạt chính sách khuyến mại, giảm giá, miễn phí vận chuyển được tung ra để thu hút người dân.
Giá của Temu thực sự thấp đến mức gây sốc. Thấp đến mức chúng luôn khiến người tiêu dùng phải chú ý và muốn nhặt mọi thứ vào giỏ hàng của mình. Thậm chí, người ta còn cho rằng Temu đang bán lỗ các mặt hàng của mình để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Thực tế, giá rẻ ở trên các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế.
Bên cạnh đó, mức giá thấp và việc gửi trực tiếp các mặt hàng đến người tiêu dùng đã cho phép công ty này tránh được các khoản thuế và giảm được rất nhiều chi phí.
Không chỉ thu hút bởi giá sản phẩm rẻ, miễn phí giao hàng, Temu còn có các chính sách thu hút người dùng Việt Nam, đặc biệt chính sách tiếp thị liên kết (affiliate marketing) của Temu đang rất hấp dẫn.
Theo đó, nếu giới thiệu người khác tải ứng dụng Temu và hoàn thành đơn hàng đầu tiên sau 30 ngày, người dùng sẽ được nhận ngay 150.000 đồng. Ngoài ra, các đơn hàng mua trong 30 ngày đó cũng được ưu đãi từ 10-30%...
Mang lại cơ hội kiếm tiền cho người làm tiếp thị liên kết, nhưng cũng bằng cách này, Temu được coi là đang đe dọa "miếng bánh thị phần" của các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam và để lại nhiều rủi ro cho cả người tiêu dùng.
Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu vừa có văn bản chính thức gửi cơ quan này về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Động thái này của Temu chỉ xuất hiện sau khi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số thông tin rằng nền tảng này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Bởi theo quy định của Nghị định 85/2021, các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Khuyến khích thương mại điện tử nhưng phải rà soát quản lý
Trước đó, về quan điểm có nên cấm sàn thương mại điện tử Temu hoạt động tại Việt Nam hay không, tại Họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện nay, Indonesia đã tìm cách ngăn chặn nền tảng này và một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại về cách thức hoạt động của sàn thương mại điện tử này.
"Tôi cũng đã giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động", lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Sinh cho biết, về mặt nguyên tắc, Bộ Công Thương vẫn đang triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt và chống gian lận hàng giả, hàng nhái. Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát liên quan đến vấn đề này.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhìn nhận việc Việt Nam là điểm đến mới của Temu hay các nền tảng xuyên biên giới khác là "điều dễ hiểu trong bối cảnh hội nhập kinh tế". Bởi Việt Nam đang trở thành quốc gia tiềm năng với các nhà đầu tư, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới là thách thức với Việt Nam và nhiều nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cơ quan quản lý cho biết Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, để có cơ chế tách bạch luồng hàng thông thường và online, tăng quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.
Họ cũng đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng các sản phẩm bán trên nền tảng số không được hưởng thuế 0%, để chống thất thu, gian lận trong hoàn thuế VAT.
Bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng cho rằng "chúng ta phải hành động ngay" để tránh những tác động lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Các giải pháp về hàng rào kỹ thuật, thương mại, thuế như đề cập ở trên cần được sớm nghiên cứu, triển khai.
"Nói như vậy không phải chúng ta ngăn cấm, cản trở thương mại điện tử, mà các giải pháp đó để đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất kinh doanh. Việc này vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước nhưng cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp nước ngoài", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings.
Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường khoảng 2 năm nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên thị trường hiện nay.
Vào năm 2022, GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa) của Temu chỉ 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023.