Tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Trang Nhi| 19/04/2022 15:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Nghị định Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử đang đề ra nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Dự thảo Nghị định Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xây dựng hiện đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang được trình Chính phủ xem xét.

xuat-nhap-khau-qua-tmdt.jpg
Tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Nghị định này được đánh giá là rất cần thiết và đang được doanh nghiệp chờ đợi bởi lâu nay hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử vẫn đang phải thực hiện chung thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống, dẫn tới nhiều bất cập.

Ví dụ, một máy sấy tóc muốn thông quan được trước hết phải lập một tờ khai hải qua bởi theo quy định mỗi đơn hàng đều phải lập một tờ khai. Vì vậy, có tờ khai chỉ là cái cặp tóc, hoặc chỉ là dây đeo chìa khóa… và cũng có những đơn hàng mà khách đặt gộp tới hàng chục sản phẩm khác nhau nhưng tờ khai hải quan lại không đủ chỗ để khai hết.

Theo quy định hiện hành, hàng hoá thương mại điện tử cũng phải kiểm tra thực tế, kiểm tra chuyên ngành giống như hàng xuất nhập khẩu thông thường. Đặc biệt là tất cả đều phải được soi chiếu khi thông quan, mà trung bình phải mất 4 tiếng mới soi hết 1 lô hàng.

Thông thường mỗi người chỉ ngồi soi máy được 2 tiếng là phải đổi kíp để bảo đảm độ minh mẫn. Tuy nhiên, hàng hoá tăng theo từng ngày, số lượng cán bộ hải quan lại không tăng mấy năm nay, vì vậy không thay được kíp mà phải soi tới khi nào hết hàng. Có những ngày 2 người phải soi tới hàng chục tấn hàng hoá.

Dự thảo Nghị định Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử đang đề ra nhiều quy định mới, có thể khắc phục những bất cập trên. Trong đó, một tờ khai có thể khai cho nhiều đơn hàng và một số nhóm hàng hoá cũng sẽ được miễn thuế và miễn kiểm tra, dựa trên những tính toán mức độ rủi ro.

"Nghị định này cũng quy định các bên liên quan cung cấp thông tin về hàng hoá trước khi khai hải quan. Nhờ những thông tin khai trước cơ quan hải quan có thể đánh giá mức độ rủi ro của lô hàng và có những giải pháp thông quan cho phù hợp", ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho hay.

Thương mại điện tử ở Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng đến 30%/năm. Trong 3 năm tới, quy mô thị trường được dự báo sẽ đứng đầu Đông Nam Á. Do đó, những quy định của pháp luật không chỉ phải theo kịp với thực tế mà còn phải là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử